Châu Âu rối loạn, nhà đầu tư đang tìm cách tháo chạy?

23/05/2016 13:47 PM | Kinh tế vĩ mô

Theo tập đoàn UBS Group, các nhà đầu tư đã bán ròng cổ phiếu các quỹ ETF tại Châu Âu trong gần 15 tuần, mức lâu nhất kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008.

Những nhà quản lý quỹ dường như đang rút vốn khỏi thị trường chứng khoán Châu Âu trước tình hình bất ổn về chính trị khi Anh có thể rời Liên minh Châu Âu (EU), lãi suất ngân hàng cực thấp và thậm chí ở mức âm, hệ thống tài chính có nhiều trục trặc và nền kinh tế không tăng trưởng bền vững.

Theo tập đoàn UBS Group, các nhà đầu tư đã bán ròng cổ phiếu các quỹ ETF tại Châu Âu trong gần 15 tuần, mức lâu nhất kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008.

Trong khi đó, hãng phân tích Pictet Wealth Management dựa trên số liệu của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cho thấy lượng thoái vốn ròng khỏi thị trướng trái phiếu Châu Âu tính đến tháng 3/2016 đã đạt hơn 500 tỷ Euro.

Rõ ràng, việc giữ mức lãi suất âm đang khiến nhà đầu tư quay lưng lại với thị trường Châu Âu. Hiện các nhà đầu tư đang tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn hơn như trái phiếu Mỹ hay đầu tư vào các thị trường mới nổi khác với mức lãi suất hấp dẫn hơn, qua đó đẩy chỉ số chứng khoán tại nhiều thị trường đi lên.

Năm 2015, Châu Âu vẫn được các quỹ đầu tư quốc tế đánh giá cao khi phục hồi lại từ cuộc khủng hoảng nợ công giai đoạn 2010-2012. Dẫu vậy, việc các dòng vốn tháo chạy khỏi Châu Âu đầu năm 2016 cho thấy những nhận định tích cực này đang phai nhạt nhanh chóng trong giưới đầu tư.

Hãng BNP Paribas cho rằng cuộc thoái vốn này là điều dễ hiểu khi nhà đầu tư mua một thứ gì đó không đem lại lợi nhuận và họ quyết định bán ra.

Trong năm ngoái, chính sách kích thích kinh tế và nới lỏng tiền tệ của ECB đã khiến nền kinh tế Châu Âu có sự phục hồi nhẹ và thu hút nhiều nhà đầu tư quay trở lại sau cuộc tháo chạy khỏi cuộc khủng hoảng nợ công tại đây. Chỉ số Stoxx Europe 600 của Châu Âu đã tăng 6,8% trong năm 2015 trong khi chỉ số S&P của Mỹ lại giảm gần 1%. Dẫu vậy, các nhà đầu tư hiện lại quay đầu rút vốn khỏi Châu Âu.

Vài tuần trở lại đây, các nhà đầu tư đã bán bớt cổ phiếu và trái phiếu trên toàn cầu do lo ngại về tình hình kinh tế, nhưng tình trạng bán ra nhiều nhất và rõ rệt nhất là tại Châu Âu.

Hiện các quỹ đầu tư đã bán ròng khoảng 22,6 tỷ USD cổ phiếu ETF, tương đương 9,4% tổng mức đầu tư của các quỹ này.

Trong khi đó, hãng Bank of America Merrill Lynch cho biết phân bổ tài chính của các công ty quản lý quỹ cho thị trường khu vực Eurozone tháng 5/2016 đã xuống mức thấp nhất trong 17 tháng qua.

Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số Stoxx Europe 600 đã giảm gần 8% trong khi S&P 500 lại đi ngang. Cổ phiếu ngành ngân hàng tại Châu Âu là rơi thê thảm nhất khi mất gần 19% từ đầu năm.

Nhiều nhà đầu tư lo ngại chính sách lãi suất âm sẽ khiến lợi nhuận ngành ngân hàng Châu Âu bị ảnh hưởng, trong khi nhiều một số quốc gia tại Nam Âu như Hy Lạp đang phải vật lộn với nợ công và nợ xấu.

Ngành ngân hàng đang đóng một vai trò vô cùng quan trọng tại Châu Âu khi 3/4 nguồn cung vốn cho các công ty đến từ đây. Cổ phiếu ngành ngân hàng cũng đóng vai trò chủ chốt trên thị trường chứng khoán khu vực này.

Động thái bán ra hàng loạt của nhà đầu tư thời gian gần đây bắt đầu sau hàng loạt những kết quả báo cáo kinh doanh nghèo nàn của các công ty và tổ chức tài chính tại Châu Âu.

Những thông tin ảm đạm về lợi nhuận không chỉ khiến các nhà đầu tư lo lắng về mảng ngân hàng mà còn khiến họ nghi ngờ khả năng sinh lời tại thị trường Châu Âu.

Hãng UBS nhận định sau 10 năm không có tăng trưởng lớn nào về lợi nhuận khi đầu tư tại Châu Âu, các nhà đầu tư hiện đã mất kiên nhẫn.

Thêm vào đó, hàng loạt những yếu tố tiêu cực khiến nhà đầu tư không cảm thấy an toàn khi bỏ tiền vào thị trường thị trường Châu Âu.

Ngày 23/6 tới đây, Anh sẽ bỏ phiếu quyết định xem nước này có ở lại trong EU hay không. Nếu kết quả là Anh rời Châu Âu, thị trường tài chính tại đây có thể đối mặt với một đợt biến động lớn và đây cũng là một nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư e ngại.

Riêng tại thị trường trái phiếu, việc các dòng vốn rút khỏi đây lại do một nguyên nhân chủ yếu khác. Chính sách kích thích kinh tế và giữ lãi suất âm của ECB nhằm thúc đẩy tỷ lệ lạm phát lên mức mục tiêu đã khiến lãi suất trái phiếu chính phủ ở đây đi xuống, buộc các nhà đầu tư đi tìm kênh đầu tư mới.

Theo Bank of America Merrill Lynch, khoảng 3,5 nghìn tỷ Euro trái phiếu, tương đương 54% tổng giá trị trên thị trường hiện đang được giao dịch với mức lãi suất âm. Trong khi đó, trái phiếu 10 năm của Mỹ với lãi suất 1,85% rõ ràng có lời hơn.

Dẫu vậy, không phải tất cả nhà đầu tư đều bi quan. Việc đồng Euro giảm khiến một số chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp Châu Âu sẽ có lợi thế xuất khẩu hơn, qua đó cải thiện lợi nhuận kinh doanh thời gian tới.

Ngoài ra, nhiều cuộc khảo sát cũng cho thấy có khả năng người dân Anh sẽ bỏ phiếu ở lại EU, qua đó giải tỏa tâm lý nhà đầu tư và kích thích mua vào.

Thêm vào đó, hệ số P/E 12 tháng của Stoxx Europe (14,8) cũng thấp hơn so với S&P 500 (16,5).

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM