Chàng trai xóm ngụ cư thành Phó Tổng giám đốc VinBus ở tuổi 27: "Tôi ngừng than vãn về hoàn cảnh, tự nỗ lực thành người mình muốn"
Hoàn cảnh gia đình chính là lý do chủ yếu khiến Phó Tổng giám đốc VinBus Nguyễn Văn Thanh khởi nghiệp từ sớm và đạt được thành quả như ngày hôm nay.
Một đứa trẻ được sinh ra tại vùng quê và lớn lên ở xóm ngụ cư, toàn dân tứ xứ đổ về sẽ trở thành người thế nào?
Không ai biết trước được. Trong những đáp án mà mọi người có thể hình dung, có lẽ ít ai nghĩ rằng đứa trẻ đó sẽ trở thành Phó Tổng giám đốc của công ty thuộc một tập đoàn lớn hàng đầu tại Việt Nam.
Nhưng đó lại chính là câu chuyện của Nguyễn Văn Thanh (sinh năm 1992) - Phó Tổng giám đốc công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Sinh thái VinBus (thuộc Vingroup). Cách đây không lâu, anh là 1 trong 6 đại diện Việt Nam lọt vào danh sách Forbes Under 30 Asia năm 2022, lĩnh vực công nghiệp, sản xuất và năng lượng.
Thanh là một trong những lãnh đạo trẻ nhất tại VinGroup, gia nhập VinBus vào năm 2019 và tập trung vào việc cung cấp phương tiện di chuyển hợp lý và dễ tiếp cận. Trước đó, anh đã thành lập nhà máy dệt của riêng mình vào năm 18 tuổi trước khi bỏ học đại học để làm việc tại các công ty như KFC Việt Nam, Cargill Việt Nam và Lazada Việt Nam...
Khởi nghiệp từ năm 18 tuổi: Sáng điều hành nhân sự, tối học thêm bổ túc kỹ năng thực tiễn
Bắt đầu khởi nghiệp từ năm 18 tuổi với một xưởng may mặc, lý do gì đã khiến anh dấn thân vào chốn thương trường sớm như vậy?
Lý do lớn nhất khiến tôi bắt đầu khởi nghiệp từ sớm có lẽ xuất phát từ hoàn cảnh gia đình.
Gia đình tôi là dân ngụ cư sinh sống tại KCN Sóng Thần - 1 trong những KCN lớn nhất về may mặc ở Bình Dương. Tôi không có điều kiện như các bạn cùng trang lứa và đã có khoảng thời gian tôi rất tự ti vì thua kém bạn bè. Nhưng sau đó tôi nghiệm ra mình không lựa chọn được hoàn cảnh. Nếu tôi cứ mặc cảm và than vãn về hoàn cảnh của mình thì sẽ chẳng có gì thay đổi. Chỉ có nỗ lực mới có thể giúp bản thân trở thành con người mà mình mong muốn.
Lúc đó, mọi người xung quanh, nhất là các anh chị tôi quen đều làm trong ngành may mặc. Bản thân có một chút nhanh nhạy nên sau một lần nói chuyện với họ, tôi phát hiện ra cơ hội kinh doanh của mình. Thấy các công ty trong KCN thường phải đi tìm xưởng gia công ở xa nên tôi mua lại máy may thanh lý, nhận hàng hóa về để gia công. Thời đó tôi cùng với một người chị quen góp vốn tự có của cả hai và làm quy mô nhỏ nhưng đó là bước đầu đặt nền móng cho việc khởi nghiệp của tôi sau này. Dần dà khi công việc tốt hơn, doanh thu đều hơn, tôi đi nhập thêm quần áo về và bỏ sỉ lại ở các chợ trong KCN. Lần khởi nghiệp đầu tiên này đã giúp tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm thực tế và "máu" hơn để thử sức với những dự án khác sau này.
Đâu là điều khó khăn nhất anh từng phải vượt qua ở giai đoạn đó?
Có lẽ đó là thiếu kinh nghiệm, thiếu người dẫn dắt và thiếu cả thời gian. Tôi nghĩ những vấn đề này xảy ra với bất cứ ai khi mới bắt đầu nhưng mình còn trẻ thì không ngại khó, ngại khổ. Quan trọng là trong suốt quá trình này mình học được những gì và giải quyết những khó khăn ra sao.
Thời điểm đó, ban ngày tôi tập trung hết sức vào công việc để nâng cao kinh nghiệm điều hành nhân sự và doanh nghiệp. Tối đến tôi học thêm vài lớp bổ túc kỹ năng thực tiễn. Đi làm thấy mình thiếu kỹ năng gì thì tìm hiểu học thêm cái đó, không thấy tư liệu tự học thì mày mò kiếm lớp, tìm thầy dạy. Có những lớp học tiêu tốn cả vài tháng lương nhưng khoản đầu tư cho bản thân thì không bao giờ mất đi đâu cả. Những điều tôi học đều có thể áp dụng lại trong công việc, đưa năng suất công việc tăng lên cao hơn nên tôi nhận thấy nỗ lực nào cũng được đền đáp xứng đáng.
Thương trường cho anh những bài học lớn nào?
Dấn thân vào thương trường khi còn khá trẻ và đi đến ngày hôm nay, bản thân tôi đã trải qua kha khá thất bại. Từ đó tôi chiêm nghiệm ra 2 điều và vẫn thường chia sẻ với đồng nghiệp của mình:
Thứ nhất, "người ta thường hối hận vì những điều mình không làm hơn là những gì mình đã làm" nên cứ làm đi, không thành công thì cũng thành nhân. Và qua đó mình sẽ đúc kết ra được những trải nghiệm, kinh nghiệm, bài học mà không trường lớp nào dạy.
Thứ hai, luôn cố gắng giữ thái độ suy nghĩ tích cực trong mọi hoàn cảnh với mọi sự thay đổi, không nên chấp nhận sự ổn định quá. Có một câu nói rất hay mà tôi thích của Louis L’Amour là "Có một thứ không bao giờ thay đổi, đó chính là sự thay đổi".
Giữ chức Phó Tổng Giám đốc VinBus ở tuổi 27: Không nghĩ quá nhiều đến rào cản, mà nghĩ đến giải pháp
Trước khi về VinBus, anh từng đảm nhận nhiều vị trí chủ chốt tại nhiều công ty khác. Anh đã xây dựng phong cách quản lý của mình như thế nào?
Tôi quản lý theo quan điểm trao quyền. Tức là tôi luôn khuyến khích nhân viên chủ động tìm kiếm và quyết định cách thức xử lý công việc. Từ đó tạo cho nhân viên môi trường tự làm chủ, sáng tạo và đổi mới cũng như chịu trách nhiệm cho những hành động của mình. Với cách quản lý này, đại đa số các nhân viên của tôi đều có tinh thần rất chủ động trong công việc.
Vậy làm sếp, cái khổ nhất là gì?
Làm sếp sướng mà có chi đâu mà khổ *cười*. Thực ra nếu chỉ chăm chăm nhìn vào những nỗi khổ, khó khăn, tiêu cực thì con người chúng ta sẽ u uất lắm, cái đầu của chúng ta không thoát ra được. Thế nên về cơ bản tôi luôn tạo cho mình những nguồn năng lượng tích cực trong cả công việc lẫn cuộc sống.
Các bạn trẻ thường băn khoăn giữa 2 lựa chọn khởi nghiệp hay làm việc cho các tập đoàn lớn. Anh có lời khuyên gì về vấn đề này không?
Làm việc ở tập đoàn lớn hay khởi nghiệp đều có cái hay riêng của nó. Chẳng hạn khi làm việc cho một tập đoàn lớn, bạn học được rất nhiều thứ mà không có trường lớp nào có thể dạy, từ cách quản trị, lên chiến lược, lập kế hoạch,... cho tới kinh nghiệm thực chiến. Bạn cũng được tiếp xúc, học hỏi với những chuyên gia hàng đầu thế giới. Đó là những cơ hội cực kỳ quý giá, không dễ gì có được. Nhưng dù khởi nghiệp hay làm ở bất cứ đâu thì cũng phải thật kiên trì và lì đòn, cố gắng theo đuổi mục tiêu đến cùng thì cơ hội thành công sẽ cao hơn.
Tại sao anh lại quyết định đầu quân về VinBus và học được gì khi làm việc tại đây?
Tôi bắt đầu vị trí Phó Tổng Giám đốc phụ trách dự án xe buýt điện đầu tiên tại Việt Nam khi vừa tròn 27 tuổi. Ngay từ lúc đó tôi đã tôi thấy đây là dự án ý nghĩa, góp phần xây dựng cuộc sống tốt hơn cho cộng đồng, còn là doanh nghiệp của người Việt Nam, vậy tại sao không làm? Lời quá trời luôn chứ có mất gì đâu!
Thực tế, làm việc tại đâu thì cũng đều có những áp lực riêng nhưng cái gì cũng có giá trị của nó. Áp lực tạo nên kim cương, nói cách khác môi trường áp lực cao sẽ giúp rèn luyện bản thân tốt hơn, tích cực, chủ động và năng động hơn.
Cái hay của tập đoàn nằm ở quá trình triển khai thần tốc của các dự án và sự quyết tâm cao độ của mỗi thành viên trong mỗi dự án. Vì vậy tôi cũng tập trung vào bức tranh toàn cảnh và phải làm việc thật hiệu quả để tiến đến gần mục tiêu do lãnh đạo tập đoàn đặt ra. Sự phát triển của xã hội không thể thiếu được sự nâng cấp cơ sở vật chất, đặc biệt là sự đồng hành phát triển phương tiện giao thông công cộng. Tôi cảm thấy mình có thể góp sức tạo nên sự khác biệt, một cuộc cách mạng trong phương tiện điện nên đã nắm lấy cơ hội tham gia vào thời khắc đặc biệt này.
Khi đảm nhiệm vai trò lãnh đạo, tôi không nghĩ quá nhiều đến những rào cản, khó khăn mà chỉ tập trung vào làm sao để có thể tìm ra giải pháp tốt nhất, tối ưu nhất mang lại hiệu quả cao nhất cho bộ máy của mình. Một điều may mắn là tôi gặp được nhiều người, bất kể tuổi tác, có cùng chung chí hướng, chung mục đích, một lòng nhiệt huyết để sớm đưa dự án vào thực tiễn nên dù có nhiều áp lực, cả tập thể vẫn luôn kiên trì tiến tới.
Thành tựu nào mà VinBus đạt được khiến anh tự hào?
Tôi tự hào nhiều lắm. Xe buýt điện đầu tiên ở Việt Nam, phương tiện giao thông công cộng được khen nhiều nhất, xe buýt được đông đảo khách hàng yêu mến,... và VinBus cũng được truyền thông trong nước và quốc tế rất quan tâm.
Điều đáng nói ở đây là VinBus được thành lập trong khoảng thời gian hết sức khó khăn, khi mà cả thế giới đang lao đao vì đại dịch Covid-19, tất cả mọi lĩnh vực đều gặp rất nhiều khó khăn, giao thông công cộng bị ảnh hưởng không nhỏ. Năm 2020 và 2021 trong thời gian dịch là thời gian chúng tôi tạo nền tảng cho dịch vụ của mình. Và chỉ 1 năm sau khi triển khai dịch vụ đã có hơn 8 tuyến tại Hà Nội, 1 tuyến tại TP.HCM, 5 tuyến nội bộ tại Phú Quốc cũng khá "thần tốc".
Khi chúng tôi đưa "VinBus xin chào" và "VinBus tạm biệt" vào dịch vụ, ban đầu có nhiều hành khách bất ngờ nhưng bây giờ mọi người còn chào lại cả tài xế và tiếp viên một cách vui vẻ. Tôi cho rằng đây cũng là một cách lan tỏa sự tích cực, để con người trở nên lịch sự, dịu dàng, vui vẻ với nhau hơn và cũng góp phần tạo nên sự thay đổi trong nhận thức, hành vi của người dùng. Đây là điều đáng mừng và quan trọng là chúng tôi phải luôn tiếp tục giữ vững chất lượng dịch vụ như vậy.
Cảm ơn anh vì những chia sẻ!