Chẳng riêng Việt Nam, nước Anh cũng đau đầu với câu chuyện 1 tỷ Bảng để sửa một cái ổ gà

09/08/2019 10:30 AM | Xã hội

Nếu như Việt Nam gặp khó với nhiều dự án BOT (Build-Operate-Transfer) thì nước Anh lại đau đầu với các PFI (Private Finance Initiative).

Ùn tắc giao thông là điều thường xuyên xảy ra tại nhiều nước và trớ trêu thay, ngay cả những nền kinh tế phát triển cũng phải chịu chung cảnh ngộ này. Tại Châu Âu, một quốc gia phát triển như Anh cũng thường xuyên phải chịu cảnh hủy chuyến tàu điện ngầm, các ga tàu chật hẹp, những con đường tắc nghẽn và một hệ thống sân bay quá tải.

Không dừng lại ở đó, cơ sở hạ tầng của Anh đã không còn theo kịp sự phát triển của kinh tế và dân số. Tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở đã lên mức đỉnh điểm khi lượng lớn người lao động nhập cư đổ về đây làm tăng giá nhà, qua đó buộc nhiều cư dân Anh phải chuyển về những vùng nông thôn hay ngoại ô để sinh sống.

Tồi tệ hơn, việc chính quyền London quyết định phát triển năng lượng sạch, chấm dứt nhiệt điện và điện hạt nhân đã khiến hàng trăm nghìn hộ dân của nước này phải sống trong cảnh thiếu điện.

Năm 2016, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) hạ mức xếp hạng chất lượng cơ sở hạ tầng của Anh từ bậc 19 của năm 2006 xuống bậc 24, tương đương với mức trung bình của các nền kinh tế công nghiệp và đứng chót trong nhóm các nước phát triển G7.

Chẳng riêng Việt Nam, nước Anh cũng đau đầu với câu chuyện 1 tỷ Bảng để sửa một cái ổ gà - Ảnh 1.

%GDP đầu tư cho cơ sở hạ tầng của các nước G7

1 tỷ Bảng Anh cho một cái ổ gà

Nguyên nhân chính của sự chậm trễ phát triển cơ sở hạ tầng tại Anh là do các chính trị gia bị mê hoặc bởi các dự án lớn như tuyến đường sắt nối London với miền Bắc nước Anh trị giá 56 tỷ Bảng Anh hay nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point trị giá 20 tỷ Bảng Anh. Trong khi đó, nhiều dự án nhỏ có thể hoàn thành sớm đưa vào sử dụng lại bị chính phủ trì hoãn, thậm chí loại bỏ.

Giáo sư Bent Flyvbjerg của trường đại học Oxford nhận định những chính trị gia thích các dự án lớn, những tượng đài thành quả nhằm thu hút cử tri và tái đắc cử. Ông Flyvbjerg cho rằng những nhà chính trị này sẵn sàng vận động để chi 1 tỷ Bảng chỉ để sửa chữa 1 cái ổ gà trên đường, miễn là chúng gây được tiếng vang thay vì đi xem xét hàng loạt những dự án ít vốn nhưng thực dụng khác.

Bên cạnh đó, việc thiếu tầm nhìn dài hạn cũng như những kế hoạch cho tương lai dài đang khiến các công trình hạ tầng của Anh gặp rất nhiều vấn đề.

Báo cáo của ULIE cho thấy trong khi những thành phố như Copenhagen, Amsterdam hay Berlin đều có những chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng dài hạn, qua đáo khiến nhà đầu tư an tâm đổ tiền vào các dự án thì Anh lại gặp khó trong vấn đề này. Dù có cơ quan chiến lược về phát triển cơ sở hạ tầng (NIC), được thành lập vào năm 2015 nhưng việc quyết định vẫn thuộc về chính phủ và các bộ trưởng thay. Những cơ quan kiểu NIC này chỉ có chức năng góp ý và đưa ra ý kiến.

Hậu quả là những chính sách xây dựng cơ sở hạ tầng của Anh bị ảnh hưởng rất lớn bởi lợi ích chính trị thay vì dựa vào một bản kế hoạch dài hạn.

Hơn nữa, việc chi tiêu không hợp lý đang khiến ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng của nước này dàn trải và thiếu thốn.

Sau thời kỳ khủng hoảng 2008, chính phủ Anh đã cắt giảm chi tiêu ngân sách nhằm hỗ trợ khoản nợ công khổng lồ, qua đó làm suy giảm đáng kể chất lượng cơ sở hạ tầng của nước này.

Chẳng riêng Việt Nam, nước Anh cũng đau đầu với câu chuyện 1 tỷ Bảng để sửa một cái ổ gà - Ảnh 2.

Đầu tư công ròng (tỷ Bảng-xanh) và %GDP cho đầu tư công (hồng) của Anh

Mặc dù vào năm 2015, chính quyền London đã quyết định tái đầu tư mạnh nhằm thúc đẩy kinh tế với bản kế hoạch 500 tỷ Bảng Anh cho cơ sở hạ tầng. Dẫu vậy, con số này chỉ tương đương 2,8% GDP của Anh, thấp hơn tỷ lệ khuyến cáo 3,5% của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).

Thậm chí nền kinh tế phát triển Anh đang phải phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn tư nhân để xây dựng cầu đường. Trong bản báo cáo kế hoạch phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng năm 2016 của chính phủ cho đến năm 2021, hơn một nửa số vốn được lấy từ các quỹ hưu trí và nhà đầu tư tư nhân.

Trên thực tế, dù các nhà đầu tư tư nhân khá hào hứng với những dự án cơ sở hạ tầng do ít có rủi ro thanh toán chậm hay tín dụng, nhưng hầu hết các dự án này là những công trình đã từng được đầu tư thành công. Trong khi đó, những dự án mới hay chưa từng được kiểm nghiệm lại khiến các quỹ đầu tư do dự.

Bằng chứng rõ ràng nhất là lời kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng năm 2010 của chính phủ đã thu được cam kết 20 tỷ Bảng từ các quỹ hưu trí, nhưng cuối cùng chỉ có 1 tỷ Bảng rót vốn cho những dự án mới trong khi phần lớn số tiền được dành cho xây dựng trường học hay bệnh viện, những công trình đảm bảo sẽ thu hồi được lợi nhuận.

Chính phủ Anh đã từng thực hiện các dự án PFI (Private Finance Initiative), qua đó chuyển giao trách nhiệm xây dựng cũng như bảo hành công trình cho nhà đầu tư tư nhân, sau đó cho chính phủ thuê lại với thời hạn nhất định, thông thường là từ 30-60 năm. Hàng năm, chính phủ sẽ thanh toán một khoản phí nhất định để thanh toán cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, những công trình kiểu này tốn kém quá nhiều cho nhà đầu tư tư nhân và hệ quả là các dự án PFI cho cơ sở hạ tầng tại Anh giảm dần qua các năm.

Câu chuyện tư nhân xây đường

Nếu như Việt Nam gặp khó với nhiều dự án BOT (Build-Operate-Transfer) thì nước Anh lại đau đầu với PFI.

Khái niệm PFI được manh nha từ năm 1992 tại Anh và chỉ thực sự bùng nổ vào cuối thập niên 1990. Theo đó, chính phủ sẽ mở thầu một dự án và các nhà đầu tư tham gia đấu thầu. Doanh nghiệp nào trúng thầu sẽ chịu trách nhiệm xây dựng, bảo trì dự án nhưng cho chính phủ thuê lại để nhận tiền phí hàng năm.

Hết hạn, những dự án này sẽ được chuyển giao lại cho chính phủ với một khoản phí nhất định. Nói cách khác, “cứ xây và thanh toán sau” (Buy now Pay later) là khẩu hiệu của những công trình PFI.

Chẳng riêng Việt Nam, nước Anh cũng đau đầu với câu chuyện 1 tỷ Bảng để sửa một cái ổ gà - Ảnh 3.

Số dự án theo diện PFI tại Anh đã giảm mạnh do thiếu hiệu quả.

Ban đầu những dự án PFI được chính phủ Anh thúc đẩy mạnh do họ không phải chi ngân sách trong những giai đoạn đầu nhưng vẫn có thể xây dựng được hàng loạt các công trình cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, mức lãi suất cho những công trình PFI cũng như khoản tiền mà chính phủ phải trả khi chuyển giao là rất cao, qua đó khiến ngân sách phải chịu thiệt hại nặng hơn trong tương lai. Hơn nữa, hầu hết những khoản vốn nhà đầu tư dùng để xây dựng là vay nợ từ ngân hàng với mức lãi suất ưu đãi, qua đó tạo nên rủi ro không đáng có cho ngành tài chính khi những công ty này không thể hoàn vốn đúng hạn.

Từ đầu năm 2017 đến nay, chính phủ Anh đã phải trả 10 tỷ Bảng tiền phí hàng năm cho các dự án PFI và ước tính số tiền nay sẽ còn tăng thêm trong vòng 10 năm tới. Khoản tiền này đã khiến nhiều chính trị gia chỉ trích cách đầu tư của chính phủ.

Báo cáo năm 2011 cho thấy bình quân mỗi hộ gia đình Anh phải trả 400 Bảng hàng năm cho các dự án PFI. Tính đến năm 2015, Anh nợ các ngân hàng và nhà đầu tư tới 222 tỷ Bảng Anh cho các dự án PFI và con số này thực sự khiến nhiều cử tri phẫn nộ. Tính bình quân, mỗi người dân kể cả trẻ em tại Anh phải cõng 3.400 Bảng Anh tiền nợ công và các khoản phí PFI đóng một phần không hề nhỏ.

Việc không phải thanh toán ngay đã khiến các chính trị gia đầu tư vô tội vạ vào các công trình mà không có một chiến lược hiệu quả. Hệ quả là rất nhiều công trình bị bỏ hoang hoặc không được sử dụng hiệu quả.

Tờ Independent cho biết những công trình cơ sở hạ tầng được lên kế hoạch xây dựng cuối thập niên 1990 có tổng giá trị thực tế khoảng 56,5 tỷ Bảng nhưng chính phủ Anh đã chi trả gấp 5 lần số tiền này do lãi suất và các khoản phụ thu khác từ PFI.

Thậm chí nhiều ước tính cho thấy nếu Anh không có biện pháp đối phó, tổng số tiền chính phủ nước này sẽ phải trả cho những dự án PFI có thể lên đến 310 tỷ Bảng từ nay đến năm 2050.

Tồi tệ hơn, việc muốn thu hồi vốn và lợi nhuận nhanh nhằm hoàn trả cho các ngân hàng đã khiến nhiều công trình PFI gặp khuất tất về giá cả. Nhiều ngôi trường đầu tư theo dạng PFI bị tính giá tới 320 Bảng cho mỗi ổ cắm điện, cao gấp 5 lần so với những thiết bị cắm vào đó, hay phí 2,600 Bảng Anh cho việc dọn dẹp bảo trì khu hút thuốc lá riêng. Nhiều hạng mục có thể hoàn thành chỉ với 750 Bảng Anh bị đội giá lên tới 52.000 Bảng Anh.

Một bệnh viện được xây ở Bromley, miền nam London theo diện PFI có giá thành 1,2 tỷ Bảng, cao gấp 10 lần so với giá xây dựng thực tế. Trong khi đó, trường học Belfast được xây theo diện PFI đã phải đóng cửa sau 7 năm hoạt động nhưng vẫn khiến ngân sách phải trả 370.000 Bảng Anh mỗi năm từ nay đến 2027.

Chẳng riêng Việt Nam, nước Anh cũng đau đầu với câu chuyện 1 tỷ Bảng để sửa một cái ổ gà - Ảnh 4.

Số tiền khổng lồ chính phủ Anh phải trả cho các dự án PFI (triệu Bảng)

Và còn rất nhiều những dự án và công trình khác được xây theo diện PFI. Hiện vẫn chưa rõ mối liên hệ giữa các nhà chính trị với nhà đầu tư xây dựng các dự án này. Tuy nhiên điều rõ ràng là Anh đã tốn cả đống tiền cho cơ sở hạ tầng nhưng chúng chẳng khiến chất lượng công trình tốt hơn mà phần lớn làm giàu cho các công ty.

Một cuộc điều tra của tờ Independent với 4 công ty lớn là Balfour Beatty, Carillion, Interserve và Kier cho thấy họ đã thu về hơn 300 triệu Bảng Anh bằng cách phát hành thêm cổ phiếu khi tham gia xây dựng một dự án PFI kéo dài 25 năm.

AB

Cùng chuyên mục
XEM