Trường Cảnh sát mất ngôi tốp đầu, ngành Y "nhường" cho Khoa học máy tính
-Điểm chuẩn hầu hết đều tăng, sự thay đổi đến từ một số ngành "tốp đầu". Các trường vẫn tiếp tục công bố điểm chuẩn hôm nay.
Khoa học máy tính "lên ngôi"
Nhìn vào diễn biến điểm chuẩn năm nay, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có lẽ là một trong số những trường “hạnh phúc” nhất.
Điểm thành công của trường này trong mùa tuyển sinh năm nay là trường đã "lấy được" trên 60% thí sinh trúng tuyển tổ hợp A00 thuộc top 5% toàn quốc. Trong đó, có 1/3 số thí sinh trong diện top 1% có tổng điểm khối A00 cao nhất toàn quốc.
Điểm trúng tuyển vào trường cũng dao động ở mức cao, từ 20 - 27,42 điểm. Ngành Công nghệ thông tin vẫn giữ mức điểm chuẩn cao nhất trong các năm gần đây; và năm nay chuyên ngành Khoa học máy tính "lên ngôi" với 27.42 điểm, tăng 2.4 điểm so với năm ngoái.
Chương trình tiên tiến khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo là một ngành mới của trường nhưng cũng có mức điểm trúng tuyển khá cao là 27 điểm.
Các ngành khác cũng có xu hướng tăng, ví dụ ngành Kỹ thuật cơ điện tử tăng 2,15 điểm; Kỹ thuật Điều khiển - tự động hóa tăng 2,15 điểm; Kỹ thuật Máy tính tăng 3.35 điểm.
Khoa học máy tính cũng là chuyên ngành cao nhất nhì tại Trường ĐH Công nghệ (ĐH quốc gia Hà Nội). Năm nay, chuyên ngành này cũng tăng 3 điểm so với năm ngoái, từ 22 điểm lên 25 điểm. Ngành Công nghệ thông tin của trường này cũng tăng 2,1 điểm so với năm 2018.
Ở Trường ĐH Kinh tế quốc dân, điểm chuẩn của chuyên ngành Khoa học máy tính là 23.7, tăng 2.2 điểm so với năm trước.
Ngành Sư phạm có nhúc nhích
Điểm chuẩn vào các ngành của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2019 dao động từ 16 - 26,4 điểm (bao gồm cả các ngành ngoài sư phạm). Năm 2018, mức điểm chuẩn vào trường này từ 16 - 24.8 điểm.
Ngành Sư phạm Toán học dạy bằng tiếng Anh lấy điểm cao nhất với khối A00 (Toán, Lý, Hóa) là 26.4, hơn năm ngoái 1.6 điểm. Năm ngoái, Ngành Sư phạm Toán học dạy bằng tiếng Anh cũng là ngành lấy điểm cao nhất.
Ngành Sư phạm tiếng Anh cũng tăng 1.44 điểm, từ 22,6 lên 24. 04. Giống như mọi năm, nhiều ngành ngoài sư phạm có điểm chuẩn thấp, chỉ 16-17 điểm, như ngành Công tác xã hội, Sinh học, Triết học hay Việt Nam học, ...
Tại Trường ĐH Sư phạm Huế, mức điểm chuẩn của các ngành năm nay là 18, bằng điểm sàn khối ngành sư phạm, và tăng 1 điểm so với năm 2017.
Công an, quân đội mất ngôi tốp đầu
Một điều bất ngờ là Học viện Cảnh sát nhân dân đã mất ngôi tốp đầu khi mức điểm chuẩn của trường "lao dốc" so với năm ngoái. Cụ thể, điểm chuẩn các ngành nghiệp vụ cảnh sát phía Bắc với thí sinh nam năm nay giảm nhiều so với 2018, thậm chí có ngành giảm 7,5 điểm.
Nếu như năm 2018 khối A1 của đối tượng thí sinh này điểm chuẩn là 27,15 thì năm nay lao dốc còn 19,62; khối D1 năm ngoái là 24,65 thì năm nay còn 19,88; khối C03 "bảo toàn điểm số" hơn cả, nhưng cũng giảm nhẹ hơn 1 điểm, xuống còn 23.
Không “lao dốc” như Học viện Cảnh sát nhân dân, nhưng điểm chuẩn của Học viện An ninh nhân dân năm nay cũng không còn chót vót đầu bảng như những năm trước.
Một số ngành của trường này năm nay giảm hơn so với năm ngoái, ví dụ, Ngành Nghiệp vụ an ninh đối với nam ở tổ hợp C01 giảm 2,35 điểm ở phía Bắc; 4,15 điểm ở phía Nam.
Khối ngành kinh tế "khởi sắc"
Khối ngành kinh tế và luật có mức điểm chuẩn tăng. Khi trường top đầu như ĐH Ngoại thương có mức điểm chuẩn nhìn chung tăng hơn 2 điểm mỗi nhóm ngành.
Chẳng hạn các nhóm ngành Kinh tế, Kinh tế quốc tế và Luật (NTH01), Nhóm ngành Kinh doanh quốc tế và Quản trị kinh doanh quốc tế (NTH02) và Nhóm ngành Kinh tế và Quản trị kinh doanh của Cơ sở II-TP. Hồ Chí Minh (NTS01) có điểm trúng tuyển tổ hợp A00 cao nhất năm 2018 tương ứng là 24,1; 24,1 và 24,25. Thì năm 2019 đã tăng lên lần lượt thành 26,2; 26,25 và 26,4.
Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng tương tự khi có điểm chuẩn các ngành hầu hết tăng lên 2 điểm so với năm ngoái.
Năm 2018 ngành có điểm chuẩn cao nhất là Kinh tế quốc tế với 24,35 điểm; Kinh doanh quốc tế có điểm chuẩn cao thứ 2 với 24,25 thì năm nay cả 2 ngành này đều có mức điểm chuẩn lên đến 26,15.
Hai ngành cùng có mức điểm chuẩn thấp nhất năm ngoái của Trường ĐH Kinh tế quốc dân là Quản lý đất đai và Quản lý tài nguyên và môi trường (20,5 điểm) thì năm nay cũng tăng lần lượt lên 22,5 và 22,65.
Trường ĐH Thương mại cũng vậy. Hai ngành có điểm chuẩn cao nhất năm ngoái là Marketing (21,55) và Kinh tế quốc tế (21,25) thì năm nay vẫn là những ngành có điêm chuẩn cao nhất nhưng lần lượt lên đến 24 và 23,7.
Học viện Ngân hàng mức điểm chuẩn cũng có phần “khởi sắc” so với năm ngoái khi năm nay thí sinh có 21 điểm không thể đỗ vào được Học viện này. Mức điểm chuẩn các ngành của Học viện này năm 2019 khá đồng đều và dao động từ 21,5 đến 24,75.
Một ngành khá "đắt giá" của Học viện Hàng không là "Quản lý bay" cũng tăng điểm chuẩn từ 21,35 lên 24,2.
Ngành Khoa học Xã hội năm nay cũng có điểm chuẩn khá cao. Thậm chí, tại Trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), mức điểm chuẩn vào ngành Đông phương học, tổ hợp C00 còn lên tới 28,50 điểm; ngành Đông Nam Á học có điểm chuẩn là 27 điểm, tăng 2 điểm so với năm ngoái.
Có trường "đứng yên"
Trong khi đó, các trường thuộc khối kỹ thuật vẫn tiếp tục có mức điểm chuẩn tương tự năm ngoái. Một nửa trong số các ngành của Trường ĐH Xây dựng có mức điểm chuẩn chỉ từ 15 đến 16 điểm. Trong đó có đến 9 ngành có mức điểm chuẩn trúng tuyển là 15; cao nhất vẫn là ngành Kiến trúc với 19,5 điểm.
Mức điểm trúng tuyển của Trường ĐH Giao thông vận tải phong phú hơn, với một số ngành lên tới 20,95. Tuy nhiên, cũng có những nggành chỉ lấy điểm chuẩn còn chưa đến 15 điểm.
Cụ thể, ngành Toán ứng dụng có điểm chuẩn trúng tuyển chỉ 14,8; ngành Công nghệ kỹ thuật giao thông (chuyên ngành Kỹ thuật an toàn giao thông) là 14,6 điểm; ngành Kỹ thuật môi trường (chuyên ngành Kỹ thuật môi trường giao thông) và chuyên ngành Máy xây dựng có cùng mức điểm chuẩn là 14,65; Ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy là 14,5. Đặc biệt, ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông có nhiều nhóm chuyên ngành có mức điểm chuẩn thấp dao động từ 14,1 đến 14,93.