Chẳng riêng Hà Nội, thủ đô Tokyo của Nhật Bản cũng có những dòng sông bị "bức tử"
Nếu như thủ đô Hà Nội có những dòng sông như Tô Lịch đang dần héo mòn thì tại thủ đô Tokyo, hơn 100 con sông và kênh rạch đang dần bị lãng quên dưới lòng đất. Vậy tại sao quốc gia nổi tiếng thân thiện với môi trường này lại quay lưng với những con sông ở chính thủ đô của họ?
Khu Shibuya là nơi đông đúc và tập trung khá nhiều người của thủ đô Tokyo-Nhật Bản. Dẫu vậy, chẳng mấy ai biết rằng dưới chân họ là 2 con sông cổ Uda và Onden.
Trên thực tế, những công trình bằng xi măng kiên cố và sự hào nhoáng của ánh đèn neon của Tokyo được dựng trên những con sông cổ. Ban đầu, những cư dân đầu tiên của Tokyo tụ tập lại với nhau bên những dòng sông để đánh cá và tìm kiếm nguồn nước. Thành phố 37 triệu dân này dần phát triển và nguồn nước là một trong những yếu tố chính giúp Tokyo phát triển được như ngày nay.
Điều kỳ lạ là trong khi hàng loạt thành phố lớn trên thế giới như thủ đô Seoul của Hàn Quốc, thành phố Chicago-Mỹ… cố gắng hồi sinh lại những con sông trong nội đô để tận hưởng thành quả môi trường, kinh tế mà nó đem lại thì Tokyo lại thờ ơ với điều đó.
Hàng loạt các con sông, kênh rạch tại Tokyo bị san lấp, các đường ống, đường cao tốc, dự án bất động sản được xây dựng trên chúng. Các dòng sông thường là yếu điểm quan trọng cho việc vận chuyển cũng như sinh hoạt xã hội, nhưng Tokyo lại để nguồn nước của mình bị vùi lấp, ô nhiễm và cạn khô.
"Sông" Shibuya tại thủ đô Tokyo
Nếu bay trên bầu trời Tokyo, chúng ta có thể thấy 4 con sông chính bao quanh thành phố là Arakawa, Sumidagawa, Edogawa và Tamagawa. Tuy nhiên chúng là những con sông lớn, trong khi hơn 100 con sông, kênh rạch nhỏ hơn bị vùi lấp dưới những công trình.
Một Tokyo đã từng sánh ngang Venice
Trên thực tế, công tác quy hoạch thủy lợi đã khiến thành phố Edo (tên cũ của thủ đô Tokyo) có diện tích lớn hơn cả thủ đô London vào năm 1700. Hàng loạt những nhà kho lớn được xây dựng ngoài vịnh Tokyo, các chuyến hàng được vận chuyển ngang dọc quanh các con kênh, tương tự như các phương tiện vận chuyển trên đường ngày nay. Hàng loạt những tụ điểm sinh hoạt, giải trí như nhà hát, quán trà hay thậm chí khu đèn đỏ mọc lên quanh những con sông này.
Thời kỳ đó, Edo được ví như một nơi yên bình, sánh ngang với những thành phố lớn khác trên khắp châu lục.
"Trên hết, Edo là một thành phố yên bình thơ mộng. Chúng ta có thể tìm được nơi nào tương tự như vậy ở Châu Âu không? Có lẽ chỉ có những dòng sông chạy dọc các ngân hàng, quảng trường của thành phố Venice là so được", Đặc phái viên Aime Humbert của Thụy Sĩ viết vào năm 1863.
Ngày nay, những con sông được ví với Venice chỉ còn nằm dưới lòng đất của Tokyo. Chúng ta có thể dễ dàng thấy những con đường với làn cây xanh tốt được xây dựng dọc trên các con sông cổ.
"Khi Tokyo hiện đại hóa, vai trò của những con sông ngày một suy giảm", Giáo sư Hidenobu Jinnai của trường đại học Hosei thừa nhận.
Trận động đất năm 1923 là yếu tố đầu tiên tàn phá quy hoạch thủy lợi của Tokyo. Sau đó người ta xây dựng lại hệ thống thủy lợi theo lối Phương Tây nhiều hơn với hàng loạt các tòa nhà hiện đại. Thế rồi Thế chiến II khiến hệ thống kênh rạch của Tokyo bị phá hủy và người ta lại xây lại một lần nữa.
Đến khi chạy đua cho đăng cai Thế vận hội năm 1964, chính quyền Tokyo quyết định quay lưng lại với những con sông, biểu tượng một thời của Edo thơ mộng nhằm tận dụng diện tích xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng.
Bản đồ Tokyo năm 1849
Việc xây đường cao tốc trên những con sông giúp chính phủ tiết kiệm được tiền đền bù nhưng cũng khiến nguồn nước của Tokyo trở nên ô nhiễm hơn.
Năm 2004, chính quyền Tokyo tiếp tục nới lỏng những quy định xây dựng dự án tại các vùng phòng lụt thuộc những con sông nội đô. Một đợt nới lỏng tiếp theo được thực hiện vào năm 2011 khi lượng người đổ về đây ngày một tăng khiến đất chật người đông.
Nếu bạn du lịch trên những chuyến tàu qua các con sông nội đô, một không khí ảm đạm và thê lương có thể khiến mọi người ngạc nhiên. Khoảng thời gian 2 tiếng rưỡi sẽ khiến du khách nhàm chán bởi chẳng có mấy tàu bè qua lại.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là quy định giới hạn ở các bến tàu khi chúng được ưu tiên giành cho những trường hợp khẩn cấp. Thêm nữa, việc quản lý các bến tàu khá phức tạp với sự tham gia của nhiều bên khiến các doanh nghiệp khó lòng khai thác dịch vụ du lịch hay vận chuyển.
Hệ quả là các con sông tại Tokyo ngày càng ô nhiễm, đìu hiu và ít giá trị.
Không phải tiền, ý thức của người dân mới là vấn đề
Quay trở lại sự kiện chạy đua đăng cai Thế vận hội năm 1964. Thủ đô Tokyo chấp nhận san lấp nhiều con sông để xây cơ sở hạ tầng nhằm tiết kiệm chi phí giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên động thái này lại khiến nhiều con sông khác nữa trở nên ô nhiễm hơn.
Việc đóng những chiếc cọc bê tông cùng hàng tấn vật liệu khiến các dòng sông lân cận những công trình này bị ô nhiễm dần, trở nên đục ngầu và bốc mùi.
Như một hệ quả tất yếu, khi cả thế giới nhìn về Tokyo cho cuộc chạy đua đăng cai Thế vận hội, chính quyền nơi đây chịu áp lực phải hy sinh những thứ không mấy đẹp đẽ. Hơn nữa, những con sông hay kênh rạch này đã mất giá trị hoàn toàn cả về kinh tế lẫn văn hóa.
Có lẽ điểm sáng duy nhất trong quá trình hủy hoại các con sông của Tokyo là họ không xả thải quá nhiều ra những nguồn nước. Hệ thống nhà vệ sinh và xử lý rác thải tại đây khá tốt để ngăn chặn việc đổ thải thẳng ra các con sông.
Ý tưởng về những chuyến tàu du lịch trên sông nội đô Tokyo
Trong những năm gần đây, Tokyo đang có kế hoạch xây dựng lại các dòng sông nội đô, hướng tới đăng cai Olympic 2020. Việc tổ chức các môn thi đấu dưới nước ở một thành phố có nguồn nước bẩn và bị san lấp là điều chẳng mấy vui vẻ với chính quyền địa phương.
Các dự án ở vùng Odaiba nhằm biến nơi đây thành khu vực xanh đang được lên kế hoạch. Trong khi cầu Nihonbashi được dự tính bị phá để xây lắp thành đường ngầm dưới lòng sông.
Thành phố cũng đang có kế hoạch tăng lưu lượng các phương tiện đường sông nội đô để tạo diện mạo mới cho Tokyo.
Trớ trêu thay, khó khăn của các dự án kết nối lại dòng sông không phải là tiền. Kiến trúc sư Norihisa Minagawa của Suribachi Gakkai nhận định chính phủ nếu muốn cải tạo các con sông sẽ khá dễ và tiền không là vấn đề. Tuy nhiên để thay đổi được tư duy của người dân và các cơ quan quản lý để khôi phục các dòng sông là rất khó.
Người Tokyo ngày nay chẳng còn quan tâm đến những con sông nội đô nữa. Họ đã quen với lối sống bận rộn đông đúc và chẳng còn hơi sức đâu để ý đến chuyện khôi phục lại những con sông. Giá trị kinh tế, văn hóa đều không có nên việc đăng cai Olympic 2020 là yếu tố duy nhất thúc đẩy chính phủ vào cuộc.
Bởi vậy, vấn đề ở đây nằm ở giáo dục và ý thức người dân, khi tư tưởng về thành phố với những con sông vẫn còn khá mơ hồ trong cộng đồng.
"Tại Treviso miền bắc Italy, rất nhiều kênh rạch trải dài khắp thành phố. Họ thậm chí chẳng thèm lợi dụng chúng cho du lịch bởi các con sông nội đô đã là một phần tất yếu của thành phố giàu sang này", Giáo sư Jinnai dẫn chứng.
"Sông" Kanda tại thủ đô Tokyo