Chắc hẳn bạn chưa biết Tim Cook chứ không phải Steve Jobs, đã từng kéo Apple khỏi vũng lầy nhờ tài năng thiên bẩm của mình
Từng hứng chịu nhiều lời chỉ trích về lối điều hành kiểu “tay buôn” và thiếu nhiệt huyết với các sản phẩm công nghệ, Tim Cook thực sự đóng vai trò đối với Apple? Tại sao Steve Jobs lại quyết định chọn mặt gửi vàng cả cơ đồ giao cho ông?
Trên thực tế, Tim Cook không phải một nhân vật “visionary” truyền cảm hứng như Steve Jobs nhưng lại đóng vai trò cực kỳ thiết yếu trong thành công ngày nay của Apple nhờ tài quản lý chuỗi cung ứng bậc thầy. Chính những nỗ lực cải tổ chuỗi cung ứng của ông đã giúp Táo khuyết lấy lại quyền kiểm soát hầu như mọi khía cạnh của sản phẩm cũng như thực thi theo đúng được tầm nhìn của Jobs.
Trong một bài báo đăng tải từ năm 2008, Cook được ca ngợi như một chuyên gia đã cứu sống Apple nhờ việc kéo công ty thoát khỏi vũng lầy mang tên “gia công”.
Kể từ khi bước chân vào Apple năm 1998 theo lời mời của Steve Jobs cho đến năm 2008, Cook dành phần lớn thời gian của mình để đi… đóng cửa các nhà máy, kho bãi của công ty trên khắp thế giới. Thay vào đó, ông thiết lập quan hệ với các đối tác gia công, sản xuất, thiết lập cho Apple một chuỗi cung ứng khép kín mà trong đó, hãng nắm quyền kiểm soát toàn bộ nhưng đồng thời cũng chỉ phải tập trung đảm nhiệm khâu nghiên cứu và thiết kế sản phẩm.
Theo thông tin thu được từ hàng chục cuộc phỏng vấn với cựu nhân viên và lãnh đạo bộ phận cung ứng và vận hành của Apple, công ty đã xây dựng được một hệ sinh thái kín và nắm toàn quyền kiểm soát chuỗi giá trị, từ thiết kế cho đến các cửa hàng offline. Và cũng chính nhờ quy mô lớn của mình, thậm chí đôi khi là cả sự thô bạo trong kinh doanh, Apple có được những hợp đồng linh kiện và vận chuyển béo bở với mức chiết khấu cao, thu về lãi lớn mà không cần phải bận tâm về những kho hàng tồn gặm nhấm lợi nhuận mà nhiều công ty gặp phải. Ngay cả cựu lãnh đạo chuỗi cung ứng của HP, ông Mike Fawkes cũng phải nhận định rằng “Họ đã đưa hệ thống vận hành lên một tầm cao chưa từng thấy.”
Những đột phá về vận hành của Apple bắt đầu nổi lên ngay từ khi Steve Jobs mới quay về công ty năm 1997. Khi đó, hầu hết các hãng máy tính đều vận chuyển qua đường biển, lựa chọn chậm nhưng rẻ hơn nhiều so với đường hàng không. Để đảm bảo dòng máy tính iMac xanh có sẵn dịp Giáng sinh năm 1998, Jobs đã trả 50 triệu USD để mua toàn bộ kho hàng còn trống trên các chuyến bay những ngày này. Động thái liều lĩnh này đã chặn đứng hoàn toàn nỗ lực mua chỗ trống sau đó của đối thủ Compaq.
Tương tự như vậy, khi doanh thu iPod bắt đầu đi lên vào năm 2001, Apple nhận ra rằng vận chuyển những chiếc máy nghe nhạc nhỏ nhẹ này từ các xưởng sản xuất Trung Quốc về Mỹ qua đường hàng không hóa ra lại rẻ hơn cả tàu biển. Khi nhân viên HP mua iPod và xem lại lịch sử vận chuyển, họ đã được một phen bất ngờ. Các vụ việc tương tự cũng từng xảy ra vào năm 2010, khi Apple chi mạnh đặt hàng thật nhiều màn hình smartphone trước khi ra mắt iPhone 4, khiến các hãng như HTC không thể tìm đủ nhà cung ứng màn hình bởi họ đều đang bận sản xuất cho Apple. Thời gian sản xuất iPad 2, Apple cũng từng mua sạch các máy khoan cao cấp, khiến cho các hãng đối thủ muốn mua phải đợi tới 6 tháng thay vì 6 tuần như thông thường.
Chính lối vận hành liều lĩnh sẵn sàng chi mạnh để thu về đậm hơn nhờ quy mô lớn về dài hạn đã giúp Apple vượt mặt nhiều công ty phần cứng. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà những bên làm bạn với Táo khuyết có thể bỗng chốc kiếm được một núi tiền, nhưng cũng có lúc chỉ biết khóc ròng vì phải lệ thuộc vào những điều khoản nghiệt ngã trong cuộc chơi của ông lớn này.
Quyền kiểm soát chặt chẽ toàn bộ chuỗi giá trị từ thiết kế sản phẩm cho đến bán lẻ cũng mang lại cực nhiều lợi thế cho Apple. Chuyên gia thiết kế Jony Ive cùng các đồng sự cũng đã từng dành nhiều tháng liền sống tại khách sạn để được ở gần các bên cung ứng và sản xuất, giúp đẩy nhanh quá trình thử nghiệm và ra mắt sản phẩm.
Đến khâu bán tại từng cửa hàng offline, Apple cũng theo dõi một cách vô cùng sát sao. Mỗi khi có một sản phẩm được bán ra, công ty đều theo dõi nhu cầu thị trường theo từng cửa hàng và từng khung giờ để dự báo và điều chỉnh sản lượng lắp ráp mỗi ngày.
Mức lợi nhuận biên 40% của Apple so với mức phổ biến chỉ khoảng 10-20% của các hãng khác là con số minh chứng rõ ràng nhất cho điều này.
Nó cũng cho thấy tài năng quản trị vận hành của Tim Cook – "cánh tay thép" của Steve Jobs ngày nào. Tuy không có tài năng thiên bẩm về sản phẩm như Jobs nhưng Cook lại có khả năng tạo ra một chuỗi cung ứng hùng mạnh như Michael Dell từng làm với Dell.
Một thành tích đáng nể khác của Cook là công lao tiết giảm lượng đối tác cung ứng chủ chốt của Apple từ 100 xuống còn 24, ép họ phải từ bỏ các thương vụ béo bở khác bên ngoài để dồn toàn lực cho Apple, thậm chí là thuyết phục nhiều bên đặt xưởng sản xuất kề sát nhà máy của Apple. Ông cũng chính là người đã đóng cửa 10 trên 19 kho hàng của Apple, cắt giảm số ngày quay vòng hàng tồn kho từ 1 tháng xuống 6 ngày chỉ trong 9 tháng đầu năm 1998. Tới năm 1999, Cook đã cắt giảm số ngày quay vòng này xuống còn đúng 2 ngày. Ấn tượng hơn, ông còn cắt giảm quy trình sản xuất một chiếc máy tính Apple từ tháng xuống còn 2 tháng.
Có thể nói Tim Cook khó lòng thế chỗ được Steve Jobs nhưng lại là nhân tố quyết định sự thành bại của Apple, hay nói đơn giản hơn thì, khi đã có sản phẩm (phần cứng) đủ tốt, việc làm thế nào để nhân rộng, bán và kiểm soát chúng chặt chẽ chính là chiếc chìa khóa tiếp theo mà một công ty cần phải có.