‘Cha đẻ’ Squid Game – biểu tượng sinh tồn ngoài đời thực: Kịch bản bị từ chối suốt 10 năm, phải bán cả laptop, tạm dừng viết vì kẹt tiền
Còn giờ đây, kịch bản đó đã tạo nên seri phim thịnh hành hàng đầu tại 90 quốc gia, sắp trở thành show được xem nhiều nhất lịch sử Netflix.
Squid Game đang là cái tên "làm mưa làm gió" trên toàn cầu, tuy nhiên, không phải ai cũng biết seri phim này từng suýt nữa không được sản xuất. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Korea Times, đạo diễn Hwang Dong-hyuk đã tiết lộ một số điều thú vị về "bom tấn" này.
"Tôi nảy ra ý tưởng về Squid Game từ năm 2008 nhưng không được đón nhận vì nó quá kỳ cục. Nhưng sau hơn 12 năm, thế giới đã thay đổi thành nơi mà những câu chuyện sinh tồn kỳ dị như Squid Game được yêu thích. Khi xem, mọi người cảm thấy Squid Game có liên quan đến cuộc sống thực và đáng buồn là thế giới của chúng ta đã thay đổi theo hướng đó.
Những trò chơi khiến người tham gia trong phim ‘phát cuồng’ cũng giống như ham muốn trúng số độc đắc của mọi người ngoài đời thực bằng tiền kỹ thuật số, bất động sản và cổ phiếu. Do đó, nhiều người thấy chính mình trong Squid Game", Hwang chia sẻ.
Squid Game là seri phim xoay quanh một nhóm người đang vật lộn để trả nợ. Sau đó, họ được mời tham gia một trò chơi sinh tồn bí ẩn bao gồm các trò chơi dành cho trẻ em để nhận tiền thưởng trị giá khoảng 40 triệu USD. Đi kèm với phần thưởng lớn là rủi ro rất lớn. Thậm chí, đã có án mạng xảy ra và họ phải chiến đấu đến cùng để bảo toàn mạng sống cũng như trở thành người cuối cùng giành được giải thưởng.
Hwang cho biết ông viết kịch bản cho Squid Game khi đang sống cùng bà và mẹ. Tuy nhiên, bộ phim liên tục bị các hãng phim từ chối suốt 10 năm. Họ cho rằng cốt truyện của Squid Game "quá kỳ cục và phi thực tế".
Trong thời gian đó, có lần vì rơi vào cảnh kẹt tiền nên "cha đẻ" Squid Game đã phải tạm ngưng viết kịch bản và bán cả chiếc laptop của mình với giá 675 USD.
Năm 2019, cuối cùng Squid Game cũng lọt vào mắt xanh của Netflix và kể từ khi ra mắt vào tháng trước, nó đã trở thành seri ăn khách hàng đầu tại hơn 90 quốc gia trên thế giới.
Squid Game có phụ đề bằng 31 thứ tiếng khác nhau và được lồng tiếng bằng 13 ngôn ngữ. Theo thống kê của Netflix, khoảng 95% người xem Squid Game đến từ các quốc gia bên ngoài Hàn Quốc.
Đến nay, Squid Game đang trên đà vượt qua Bridgerton và Lupin để trở thành seri phim được xem nhiều nhất mọi thời đại của Netflix. Chia sẻ về thành công của Squid Game, Hwang cho biết ông tin rằng đại dịch Covid-19 đã làm cho tác phẩm của ông trở nên hấp dẫn hơn đối với các hãng phim, cụ thể là Netflix bởi nội dung của nó đề cập nhiều đến sự chênh lệch kinh tế trong xã hội hiện nay.
"Squid Game cũng làm nên lịch sử khi trở thành seri phim đầu tiên của Hàn Quốc đạt vị trí thịnh hành nhất của Netflix tại Mỹ", Netflix cho biết. Minyoung Kim - phó chủ tịch phụ trách nội dung của Netflix tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, cũng đồng quan điểm với Hwang và nói thêm rằng Squid Game đã đặt ra nhiều câu hỏi đạo đức về giá trị của một người.
"Chúng ta không phải động vật mà là con người. Đó là thông điệp mà Squid Game muốn truyền tải", bà chia sẻ với Wall Street Journal.
Theo Wall Street Journal, Netflix đang đầu tư vào truyền hình và điện ảnh Hàn Quốc nhiều hơn bao giờ hết, với 500 triệu USD được phân bổ cho nội dung Hàn Quốc vào năm 2021.
Nguồn: Yahoo