CEO VinaCapital, tỷ phú Trịnh Văn Quyết lý giải vì sao đây là thời của bất động sản nghỉ dưỡng
Theo tỷ phú Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch tập đoàn FLC thì bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam mới ở giai đoạn đầu phát triển, còn CEO VinaCapital Don Lam nhận định ngành du lịch Việt Nam chưa thực sự phát triển bàng những nước láng giềng như Thái Lan hay Malaysia nên tiềm năng của BĐS nghỉ dưỡng còn rất lớn.
Ông Don Lam cho biết, lượng du khách đến Việt Nam đạt kỷ lục trong năm 2016 (khách quốc tế cán mốc 10 triệu lượt, khách nội địa đạt 62 triệu lượt - PV) và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm nay. Cùng với đó, ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa phát triển bằng nước láng giềng như Thái Lan và Malaysia, cho thấy tiềm năng vẫn còn rất lớn đối với BĐS nghỉ dưỡng.
Chính vì lý do trên, VinaCapital sẽ tiếp tục tập trung đầu tư vào các công ty hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng nội địa đang phát triển mạnh của Việt Nam. Ông Lam cho biết thêm đó sẽ là các công ty vật liệu xây dựng, bất động sản, giáo dục và y tế... Các lĩnh vực này vẫn đang tiếp tục tăng trưởng vững chắc vì tiêu chuẩn sống của người Việt đang tăng lên.
Đặc biệt, ông Lam cho rằng kể từ khi Luật nhà ở sửa đổi có hiệu lực từ 1/7/2015, khách hàng nước ngoài quan tâm đến BĐS Việt Nam tăng đột biến. Rõ ràng Luật này đã tạo ra những tác động tích cực trên thị trường BĐS nói chung và BĐS nghỉ dưỡng nói riêng. Bởi phần lớn khách hàng nước ngoài muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư hoặc một ngôi nhà thứ hai để nghỉ dưỡng khi đến Việt Nam sinh sống và làm việc.
Tỷ phú Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch tập đoan FLC thì cho rằng 10 năm trước hầu hết người dân coi đi nghỉ dưỡng còn là xa xỉ, nhưng năm 2015 - 2016 lại có nhu cầu rất cao. Không chỉ các dự án của FLC mà nhiều doanh nghiệp khác cũng rơi vào tình trạng cháy phòng vào mùa cao điểm.
"Thu nhập tăng lên, xu hướng dịch chuyển của giới trẻ và đặc biệt là toàn cầu hóa đang mở ra cơ hội phát triển bất động sản nghỉ dưỡng cho Việt Nam. Nhìn vào mật độ và trình độ phát triển bất động sản nghỉ dưỡng của Thái Lan sẽ thấy rằng, Việt Nam vẫn chỉ trong giai đoạn đầu và thời gian tới sẽ thu hút được lượng lớn nhà đầu tư", ông Quyết cho biết.
Một số báo cáo gần đây cho thấy, 2016 là một năm thăng hoa của BĐS nghỉ dưỡng. Sang năm 2017, thị trường này sẽ có sự cạnh tranh gay gắt, đòi hỏi các doanh nghiệp phải cân nhắc điều chỉnh giá cả hợp lý và đưa ra nhiều chính sách linh hoạt hơn nữa để thu hút khách hàng.
Trong thời gian tới, BĐS nghỉ dưỡng vẫn tập trung phát triển tại những địa danh có thương hiệu về du lịch như Phú Quốc, Nha Trang, Vũng Tàu, Phan Thiết, Đà Nẵng… Trong đó nổi bật là Nha Trang và Phú Quốc sẽ có nguồn cung lớn.
Tuy nhiên, tại Phú Quốc, thực tế cho thấy bên cạnh ưu thế về cảnh quan tự nhiên thì các tiện ích công cộng, tiện ích giải trí vẫn còn khá khiêm tốn, chưa thật sự thu hút. Ngòai ra, các chủ đầu tư những dự án BĐS nghỉ dưỡng tại đây vẫn chủ yếu là nhà phát triển bất động sản trong nước. Tại Nha Trang, năm 2016, BĐS nghỉ dưỡng ghi nhận thanh khoản tốt, thị phần dẫn đầu thuộc về loại hình condotel.
Các chuyên gia cũng đưa ra dự báo, ưu thế của BĐS nghỉ dưỡng phía Nam trong năm 2017 sẽ nghiêng về Vũng Tàu, Phan Thiết do hai địa phương này tận dụng được lợi thế thương hiệu du lịch và gần TP.HCM. Đồng thời, việc cải thiện giao thông hạ tầng, rút ngắn thời gian di chuyển giúp Vũng Tàu, Phan Thiết thu hút thêm nhiều lượng khách du lịch địa phương.
Đây là thuận lợi rất lớn để phát triển và nâng cao tính thanh khoản của thị trường Bất động sản nghỉ dưỡng ở hai khu vực này.
Theo bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn phát triển của CBRE Việt Nam, tốc độ tăng trưởng khách du lịch tại các khu nghỉ dưỡng ven biển trong cả nước thời gian qua rất khả quan. Khách tới các địa phương như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc tăng mạnh qua mỗi năm với khả năng chi trả cũng tăng rất cao, đặc biệt chi trả cho các dịch vụ du lịch 4 và 5 sao. Do đó, công suất phòng tại phân khúc nghỉ dưỡng 4-5 sao tại những nơi trên hầu như đều tăng trên 90%. Đây sẽ là lý do phân khúc nghỉ dưỡng sẽ có bước phát triển đột phá trong thời gian tới.