CEO Tiki: "Chúng tôi muốn người tiêu dùng mua bảo hiểm dễ dàng như mua một cuốn sách"

11/11/2021 12:41 PM | Kinh doanh

Khi mọi nhu cầu của người tiêu dùng đang dần phát triển theo hướng "online hóa", bài toán nào đang được đặt ra cho các sàn TMĐT?

Xu hướng All-in-one đang đặt ra thách thức mới cho các sàn TMĐT

Mới đây Blooberg đã dự báo Việt Nam sẽ có 53 triệu người tiêu dùng trực tuyến, tương đương 71% dân số từ 15 tuổi trở lên trong năm 2021. Cùng chung dự báo khả quan về thị trường, tháng 8/2021 Facebook và Bain&Co đã đưa ra con số 12 tỷ USD là giá trị hiện tại của thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam, ước tính con số này sẽ tăng lên 56 tỷ USD vào năm 2026.

Quá trình phát triển của thị trường được ghi nhận khi phần lớn người tiêu dùng đã chuyển dịch từ phương thức mua sắm truyền thống sang digital. Sự chuyển dịch ấy cũng đồng thời diễn ra từ phía các trang TMĐT và ứng dụng mua sắm khi phần lớn đã chuyển sang xu hướng all-in-one, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng đa dạng của khách hàng. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhu cầu của thị trường với các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm tươi sống tăng cao thì các sàn TMĐT càng cần có sự linh hoạt trong việc cung cấp sản phẩm đến tay khách hàng.

CEO Tiki: Chúng tôi muốn người tiêu dùng mua bảo hiểm dễ dàng như mua một cuốn sách - Ảnh 1.

Sự linh hoạt giúp sàn TMĐT "tăng tốc" nhanh chóng trong mùa dịch

Lấy ví dụ như Tiki trước đây chủ yếu bán các sản phẩm vật lý, sau đó tích hợp thanh toán hóa đơn, mua vé qua nền tảng Ticket Box... nhưng trước nhu cầu cấp thiết của người tiêu dùng đã nhanh chóng triển khai TikiNgon, chính thức lấn sân sang ngành hàng lương thực thực phẩm. Tiki Trading chỉ mất đúng 2 tuần để chuyển đổi và set-up hệ thống cho ngành hàng mới như về sân bãi, kho lạnh, xây dựng quy cách đóng gói… Từ chỗ không có kinh nghiệm cung cấp hàng tươi sống, sau đó TikiNgon còn mở ra chương trình From farm to table để hỗ trợ bà con nông dân bán nông sản online. Nhờ vào chiến lược kinh doanh linh hoạt, Tiki đã ghi nhận mức tăng trưởng "khủng" khi quý 3/2021 ghi nhận mức tăng 2000% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với TikiNgon, các dịch vụ giá trị gia tăng như TikiNOW giao siêu nhanh 2H, TikiPro giao và lắp đặt theo lịch hẹn… cũng được người tiêu dùng đánh giá cao về tính hiệu quả hoạt động trong mùa dịch.

Làm thế nào để khai thác tốt hơn nữa thị trường mua sắm online tại Việt Nam?

Từ câu chuyện lấn sân sang ngành hàng thực phẩm tươi sống và căn cứ vào số liệu nghiên cứu thị trường, Tiki nhận ra rằng All-in-one đang trở thành xu hướng tất yếu trong lĩnh vực TMĐT toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Bởi vậy, việc lựa chọn ngành hàng, sản phẩm cần phải đa dạng hơn nữa mới đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước.

CEO Tiki: Chúng tôi muốn người tiêu dùng mua bảo hiểm dễ dàng như mua một cuốn sách - Ảnh 2.

Xu thế tiêu dùng mới đang đặt ra nhiều thách thức cho Tiki

Khi đặt mình vào vai trò của người tiêu dùng, có những vấn đề, những câu hỏi tưởng chừng như "điên rồ" đã được Tiki đặt ra. Điển hình như câu hỏi: Bạn có bao giờ nghĩ rằng mình sẽ mua bảo hiểm thông qua một sàn TMĐT? Thay bằng việc phải làm việc trực tiếp với hãng bảo hiểm thì hiện nay bạn chỉ cần "kích hoạt" chế độ online là đã mua được gói sản phẩm phù hợp với yêu cầu của bản thân? Từ những câu hỏi này, Tiki đã lựa chọn giải pháp ký hợp tác thỏa thuận độc quyền trong 10 năm với AIA Việt Nam để cùng nghiên cứu, triển khai xây dựng nền tảng insurtech với đa dạng lựa chọn về sản phẩm bảo hiểm, dịch vụ hỗ trợ tài chính thiết thực giúp tiết kiệm thời gian, công sức, thủ tục giấy tờ cho khách hàng.

Dự kiến vào cuối tháng 12/2021, khách hàng có thể mua bảo hiểm sức khỏe AIA Việt Nam ngay trên Tiki và trong tương lai gần có thể sử dụng tính năng quản lý hồ sơ bảo hiểm và gửi các yêu cầu giải quyết quyền lợi thông qua nền tảng thương mại điện tử này. Ông Trần Ngọc Thái Sơn - CEO Tiki cho biết, khi ký kết hợp tác 10 năm với AIA, Tiki không chỉ mong người Việt có thể mua bảo hiểm dễ dàng như mua một cuốn sách, mà còn muốn nâng cao nhận thức cho người Việt Nam về việc bảo vệ bản thân và gia đình. Mục tiêu cuối cùng của Tiki là cung cấp mọi thứ, phục vụ mọi nhu cầu mà người Việt cần, để người Việt Nam có cuộc sống thuận tiện, thoải mái hơn.

CEO Tiki: Chúng tôi muốn người tiêu dùng mua bảo hiểm dễ dàng như mua một cuốn sách - Ảnh 3.

Gọi vốn thành công, Tiki có thêm nguồn lực để đa dạng hóa hệ sinh thái dịch vụ

Một động lực lớn giúp Tiki tự tin tiến gần hơn tới mục tiêu All-in-one khi thông báo đã huy động thành công 258 triệu USD trong vòng đầu tư thứ 5 của công ty. Đại diện Tiki cho biết trong số vốn kêu gọi thành công đợt này thì tập đoàn bảo hiểm toàn cầu AIA góp nhiều nhất với 60 triệu USD. Ngoài ra, vòng đầu tư này còn có sự góp mặt của nhiều nhà đầu tư danh tiếng khác như Mirae Asset - Naver Asia Growth Fund, Taiwan Mobile, Yuanta Fund, STIC Investments.

Chốt đơn 258 triệu được xem là một trong những deal gọi vốn lớn nhất Việt Nam, Tiki khẳng định sẽ dành hoàn toàn số vốn tập trung đầu tư vào thị trường Việt Nam thông qua việc đẩy mạnh chuỗi cung ứng và phát triển các công nghệ "Make in Việt Nam". "Chúng tôi có một niềm tin mãnh liệt vào tiềm năng của thị trường TMĐT và nền kinh tế số tại Việt Nam. Khoản đầu tư 258 triệu đô sẽ được Tiki tập trung hoàn toàn vào Việt Nam, cụ thể nhằm xây dựng hạ tầng, từ công nghệ, chuỗi cung ứng, đào tạo nguồn nhân lực... Điều này thể hiện cam kết lâu dài của Tiki trong việc mang lại lợi ích bền vững cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, để biến những tiềm năng của thị trường Việt Nam trở thành hiện thực", ông Sơn cho biết thêm.

Ánh Dương

Từ khóa:  tiki
Cùng chuyên mục
XEM