CEO mất chức, nhà đồng sáng lập còn lại của WeWork giờ ra sao?

30/11/2019 10:31 AM | Kinh doanh

Tính đến thời điểm WeWork được bảo lãnh bởi SoftBank, Forbes ước tính giá trị tài sản ròng của McKelvey giảm xuống còn 900 triệu USD, so với thời kỳ đạt đỉnh trước đó là 2,9 tỷ USD.

Từng là một công ty khởi nghiệp chuyên về mảng chia sẻ văn phòng được quan tâm bậc nhất trên thị trường, thế nhưng WeWork đã sụp đổ nhanh chóng chỉ khoảng hai tháng trước đây. Các nhà đầu tư tức giận đến nỗi quyết định phế truất nhà đồng sáng lập đồng thời là cựu CEO của công ty Adam Neumann. Vậy, số phận của các nhà đồng sáng lập khác thì sao?

Miguel McKelvey, 45 tuổi, trái ngược hoàn toàn với Neumann khi không bị "hất cẳng" ra khỏi chính công ty mà mình đã chung tay gây dựng. Ông hiện nắm vai trò giám đốc phát triển văn hóa doanh nghiệp của công ty.

McKelvey đóng vai trò quan trọng trong quá trình gây dựng và phát triển của WeWork. Ông chính là người xuất hiện bên cạnh Neumann trong bức ảnh mà Forbes sử dụng để giới thiệu về WeWork lần đầu tiên vào năm 2014. Nhưng khi SoftBank cân nhắc đầu tư vào công ty năm 2017, Neumann lại là người duy nhất có những cuộc trao đổi trực tiếp với Masayoshi Son - ông chủ của tập đoàn hàng đầu Nhật Bản này, người sau đó đã quyết định đầu tư 4,4 tỷ USD vào WeWork trên quy mô toàn cầu.

Trong năm nay, khi WeWork tăng tốc để có thể hoàn thành thương vụ IPO mà nhiều người mong đợi, cái tên McKelvey không hề xuất hiện nhiều trong các văn kiện chính thức của công ty. Trong một tài liệu chính thống về việc xin thực hiện IPO hồi tháng 8 vừa qua của WeWork, Adam được nhắc tên đến 169 lần, trong khi cái tên McKelvey chỉ xuất hiện vỏn vẹn 6 lần.

Thậm chí, Rebekah Paltrow, vợ của Neumann, chị họ của diễn viên nổi tiếng Gwyneth, người được liệt kê vào danh sách các nhà đồng sáng lập của WeWork hồi tháng 1 năm nay, cũng được xướng tên lên đến 20 lần. Chính Neumann là người thông qua các kế hoạch mở rộng kinh doanh "điên rồ" của WeWork, trong đó bao gồm dự án trường học WeGrow, một ý tưởng của Rebekah.

"Vì Miguel tập trung vào những vấn đề liên quan đến văn hóa doanh nghiệp nhiều hơn, còn Adam, thành thật mà nói, luôn muốn nhắm vào những thứ mà ông tin rằng sẽ trở thành chủ đề ‘hot’ trên các mặt báo", theo một lãnh đạo cũ của WeWork. "Giá trị của công ty đến phần nhiều từ khả năng gọi vốn của Adam từ Masayoshi, điều mà Miguel không tham gia trực tiếp vào".

Nhưng khi kế hoạch IPO của WeWork đổ bể trong tháng 9 vừa qua và công ty này đã phải xin bảo lãnh từ chính SoftBank, một nhà đầu tư của mình, thì chính McKelvey là người đã gửi một bức tâm thư đến toàn bộ nhân viên của công ty. "Đây là một giai đoạn khó khăn và chúng ta phải thật kiên cường, tiếp tục tin tưởng", trích lá thư của McKelvey viết trong tháng 10 vừa qua. "Chúng ta có những nhân viên tuyệt vời và một thương hiệu mạnh, và với những định hướng mới, chúng ta hoàn toàn có cơ hội để xây dựng nên một công ty lớn mạnh".

Hôm 23/10, Marcelo Claure từ SoftBank, người được chỉ định giữ vị trí chủ tịch WeWork đã đăng dòng tweet rằng ông đã dành ra gần một đêm trắng để nói chuyện với McKelvey tại trụ sở chính Sprint để biết nhiều hơn về văn hóa doanh nghiệp của WeWork.

Việc McKelvey quyết định tiếp tục ở lại làm việc tại WeWork, và đó cũng chính là nguyện vọng của các nhà đầu tư, là điều hoàn toàn đối nghịch với trường hợp của Neumann, khi ông bị chính các cổ đông "đá" với khoản bồi thường lên đến 1,7 tỷ USD.

Từng rất thân thiết với nhau và cùng nhau nắm giữ cổ phần của WeWork thông qua một pháp nhân riêng biệt - We Holdings, được thành lập năm 2010, nhưng dường như cả hai đã có sự xa cách trong khoảng thời gian một vài năm trở lại đây, thời điểm mà giá trị của WeWork không ngừng tăng lên và đạt đỉnh ở mốc 47 tỷ USD. Trong cùng khoảng thời gian đó, công ty cũng thu về hơn 9 tỷ USD tiền đầu tư qua các lần gọi vốn.

CEO mất chức, nhà đồng sáng lập còn lại của WeWork giờ ra sao? - Ảnh 1.

Miguel McKelvey và Adam Neumann. Ảnh: WeWork

Khi WeWork công bố báo cáo tài chính để chuẩn bị cho kế hoạch IPO, công ty này lỗ đến 1,9 tỷ USD trong khi doanh thu họ thu về chỉ vỏn vẹn 1,8 tỷ USD tính đến cuối năm 2018. Và điều này còn có xu hướng trầm trọng hơn khi chỉ trong quý III năm nay, công ty cũng phải hứng chịu khoản lỗ lên đến 1,25 tỷ USD, theo một báo cáo gửi đến các chủ nợ của công ty.

Tính đến thời điểm WeWork được bảo lãnh bởi SoftBank, Forbes ước tính giá trị tài sản ròng của McKelvey đã giảm xuống còn 900 triệu USD, so với thời kỳ đạt đỉnh trước đó là 2,9 tỷ USD. Nhiều người cũng quan tâm đến tình hình của We Holdings, nhưng McKelvey đã từ chối trả lời phóng viên Forbes và SoftBank cũng không đưa ra bất cứ bình luận nào.

Tuy đảm nhận vai trò kém quan trọng hơn khi tập trung chủ yếu vào các nhân viên và văn hóa của doanh nghiệp, nhưng đó lại là một mảnh ghép hết sức phù hợp đối với McKelvey. Tại WeWork, ông nổi tiếng là người chủ trì các buổi nói chuyện bên lề về nhiều chủ đề khác nhau. Ông cũng là người đề xuất ý tưởng mời các huấn luyện viên và chuyên gia về để cải thiện thể chất cũng như tinh thần của toàn bộ nhân viên của công ty, trong đó nổi bật nhất phải kể đến nhà tâm lý trị liệu nổi tiếng Esther Perel.

Cả McKelvey và Neumann đều sinh ra và lớn lên trong môi trường cộng đồng. Neumann được sinh ra trong một khu tái định cư tại Israsel và McKelvey là một trong 6 người con trong một gia đình mà cha ông có đến 5 người vợ tại Eugene, Oregon. McKelvey sau đó đã hoàn thành chương trình kỹ sư ngành kiến trúc tại Đại học Oregon. Ông cũng là thành viên đội bóng rổ của trường trong vòng 2 năm. Sau khi tốt nghiệp, McKelvey chuyển đến làm việc tại Nhật Bản, xây dựng nên một website giúp kết nối những người bạn qua thư đến từ Nhật và các quốc gia nói tiếng Anh trên toàn cầu. Cuối cùng, ông quay trở lại Mỹ và đầu quân cho một công ty kiến trúc có trụ sở tại Brooklyn.

McKelvey gặp Neumann trong một bữa tiệc và Neumann ngỏ lời đề nghị ông thiết kế không gian làm việc cho một ý tưởng kinh doanh của mình. "Chúng tôi là những người hoàn toàn khác nhau. Không hiểu sao mà sau đó chúng tôi lại trở thành bạn", McKelvey chia sẻ trên chương trình phát thanh radio có tên How I Built This vào tháng 09/2017.

Ý tưởng của Neumann nhen nhóm vào tháng 1/2008 khi ông quyết định cho thuê một phần văn phòng của mình cho một khách hàng ông tìm thấy trên website Craigslist nhằm chia sẻ chi phí. Sau khi Neumman ký kết xong hợp đồng thuê nhà với chủ sở hữu Joshua Guttman, McKelVey đã thức thâu đêm để thiết kế thiết kế logo và website cho Greendesk, một không gian làm việc thân thiện với môi trường. Cho dù cuối năm đó, cuộc khủng hoảng tài chính phủ bóng đen lên toàn thế giới, nhưng không gian làm việc trên lại được lấp đầy một cách nhanh chóng.

Sau đó, họ đã bán Greendesk cho Guttman và dành số tiền thu về từ thương vụ đó tập trung phát triển công ty mới của mình: WeWork. Khi mà công ty ngày một mở rộng, Neumann nhanh chóng trở thành bộ mặt của WeWork. "Tôi thích đứng ngoài và quan sát các tâm điểm. Tôi thích các ý tưởng, nhưng tôi không thích mình trở thành những tâm điểm đó mà đơn giản là đứng một bên và tận hưởng nguồn năng lượng tỏa ra từ chúng", McKevey chia sẻ trên How I Built This.

CEO mất chức, nhà đồng sáng lập còn lại của WeWork giờ ra sao? - Ảnh 2.

McKevey không còn là tỷ phú sau bê bối của WeWork. Ảnh: WeWork

Bộ máy quản lý của WeWork đã gặp phải rất nhiều khó khăn để có thể đảm nhiệm những vai trò mới cũng như đối mặt với nhiều trách nhiệm hơn khi công ty phát triển quá nhanh và phải thuê thêm hàng nghìn nhân viên. Vai trò trước kia của McKelvey là thiết kế và thi công văn phòng giờ đây đã được đảm nhận bởi một đội ngũ chuyên trách, do đó McKelvey đã chuyển sang vị trí giám đốc phát triển văn hóa doanh nghiệp vào mùa hè năm 2017.

"Ông ấy nói rất nhiều về một Culture OS, một hệ điều hành mà ông ấy nghĩ các công ty có thể áp dụng như là một cách thức để làm mới văn hóa của của doanh nghiệp mình", một cựu lãnh đạo WeWork nhớ lại.

KcKelvey cũng là một tín đồ ăn chay, người đã kỷ niệm sinh nhật thứ 45 của mình bằng một bữa tiệc nướng không có thịt. Ông cũng là người đề xuất ý tưởng hạn chế sử dụng thịt tại WeWork trong năm 2018, trong đó bao gồm việc cấm các nhân viên sử dụng thịt trong các bữa ăn được đài thọ bởi công ty. "Đó chắc chắn là điều tự hào nhất mà chúng tôi đã làm", ông viết trên tài khoản Instagram.

Không có gì là hoàn hảo cả. Đã xuất hiện những rắc rối trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại WeWork. Trong năm 2018, một cựu nhân viên của công ty - Ruby Anaya, đã kiện WeWork lên tòa án tối cao New York rằng văn hóa "coi trọng đàn ông" của công ty đã dẫn đến những hệ quả xấu trong đó bao gồm nhiều hành động quấy rối tình dục. Cô đã nêu tên McKelvey, với tư cách là cấp trên của mình, đã lờ đi những lời thỉnh cầu giúp đỡ của cô. WeWork đã lên tiếng phủ nhận việc trên. Một vài cáo buộc cũng bị bãi bỏ hồi tháng 4 vừa qua, nhưng vụ án này vẫn chưa chính thức khép lại. WeWork từ chối đưa ra bình luận về vụ việc trên.

Tuy nhiên, danh tiếng của McKelvey hầu như không hề bị ảnh hưởng khi mà ngay trước khi kế hoạch IPO diễn ra, mọi sự chú ý đều đổ dồn về hành động của Neumann khi đã "yêu cầu" công ty bỏ ra hàng triệu USD để xây dựng một bể bơi và tài trợ cho dự án trường học thực nghiệm của vợ mình.

Các tài liệu cũng chỉ ra những biểu hiện đáng ngờ khi chính Nuemann đã kiếm hàng triệu USD từ WeWork với tư cách chủ của các bất động sản mà công ty này thuê lại. Adam cũng thu về 5,9 tỷ USD cho quyền sử dụng thương hiệu "We" sau khi thay đổi thương hiệu WeWork thành We Co. vào tháng 1/2019 (sau đó Adam đã hoàn trả lại số tiền này). Trong tháng 9 vừa qua, tờ Wall Street Journal hé lộ những thông tin về việc Neumann sử dụng chất kích thích trên một chuyên cơ tư nhân Guldstream mà ông ta đi mượn. Những hành động đó được coi là "giọt nước tràn ly" khiến các nhà đầu tư "hất cẳng" ông ra khỏi công ty chỉ một tuần sau đó.

Vào ngày 6/11, Masayoshi Son thừa nhận rằng đầu tư vào WeWork là một sai lầm khi mà quỹ đầu tư công nghệ khổng lồ của ông đã báo cáo khoản thua lỗ lớn nhất trong vòng 38 năm hoạt động. WeWork hiện tại đang trong quá trình tìm kiếm một CEO mới và lên kế hoạch sa thải hàng nghìn nhân viên. Nhưng McKelvey vẫn ở đó!

Theo Trọng Đại

Cùng chuyên mục
XEM