CEO Masayoshi Son của SoftBank - Vị thuyền trưởng tài ba với những quyết định khiến cả TG ngã ngửa

18/07/2016 19:43 PM | Kinh doanh

Có thể nói Masayoshi Son là nhà đầu tư vĩ đại, khi giúp SoftBank trở thành tập đoàn công nghệ viễn thông lớn nhất Nhật Bản. Nhưng cũng có thể nói ông là một tay cờ bạc dám làm liều.

Tập đoàn viễn thông và công nghệ khổng lồ SoftBank của Nhật Bản chính thức tuyên bố sẽ bỏ ra số tiền 32 tỷ USD để có thể thâu tóm hãng thiết kế chip di động ARM . Đây là một quyết định vô cùng bất ngờ, trong tình cảnh SoftBank đang gặp nhiều vấn đề mâu thuẫn nội bộ và vừa bán hãng game Supercell cho Tencent với giá 8,6 tỷ USD.

SoftBank là tập đoàn lớn của Nhật Bản, với truyền thống là đầu tư vào rất nhiều các công ty công nghệ, viễn thông và startup trên khắp thế giới. Nhưng một trong những thương vụ lớn nhất của tập đoàn là mua 70% cổ phần của nhà mạng Sprint tại Mỹ với giá 20 tỷ USD đã đem lại trái đắng.

Tập đoàn công nghệ viễn thông lớn nhất Nhật Bản SoftBank vừa khiến cả thế giới ngã ngửa với thương vụ 32 tỷ USD.

Cùng với nhiều khoản đầu tư khác thua lỗ, SoftBank bắt buộc phải thay đổi và tập trung vào những mảng kinh doanh mũi nhọn thay vì dàn trải như trước đây. SoftBank bắt đầu bước sang kỷ nguyên 2.0 bằng thương vụ bán lại Supercell và một vụ lục đục nội bộ.

Cách đây vài tháng, giới truyền thông vẫn còn bàn tán về việc vị thuyền trưởng Masayoshi Son của SoftBank và người kế nhiệm Nikesh Arora.

Năm 2014, ông Masayoshi Son đã mời Nikesh Arora từ Google về làm COO của tập đoàn SoftBank. Sau đó, hứa hẹn với ông Arora về cái ghế giám đốc điều hành của tập đoàn sau khi ông Son về hưu.

Nhưng có vẻ như vị thuyền trưởng này vẫn chưa sẵn sàng để rời bỏ con thuyền của mình. Cách đây không lâu, giám đốc hoạt động Nikesh Arora đã chính thức rời khỏi SoftBank. Đồng thời CEO Son tuyên bố một cách mạnh mẽ rằng sẽ tiếp tục chèo lái con thuyền SoftBank trong một kỷ nguyên mới.

Masayoshi Son và những quyết định khiến cả thế giới ngã ngửa

Khi còn là sinh viên trường Đại học California, chàng thanh niên trẻ Masayoshi Son đã biết cách khiến cả thế giới phải thán phục. Đó là khi chàng sinh viên 19 tuổi khoa kinh tế học không có một đồng vốn, cũng chả có chút kiến thức gì về công nghệ, nhưng lại có thể tập hợp một nhóm các chuyên gia.

Để rồi phát minh thành công một chiếc máy dịch thuật biết nói và bán lại cho tập đoàn Sharp với giá 100 triệu yên (gần 1 triệu USD). Không ai tin rằng câu chuyện này là có thật.

SoftBank điên cuồng đặt cược vào những khoản đầu tư của mình.

Từ số vốn ban đầu này, Masayoshi Son thành lập công ty tiền thân của SoftBank hiện nay, kinh doanh phần mềm và máy tính cá nhân. Công ty của ông bắt đầu bành chướng và mở rộng đầu tư vào lĩnh vực mạng viễn thông. SoftBank bắt đầu hình thành từ đó.

Năm 2006, ông quyết định mua lại bộ phận điện thoại di động của Vodafone và đặt ra kế hoạch vượt mặt gã khổng lồ DoCoMo của Nhật trong vòng 10 năm. Lúc đó, “tất cả mọi người đều chế nhạo tôi vì quyết định hoang tưởng này”, ông Son nhớ lại.

Chỉ sau đó 1 năm, SoftBank là công ty đầu tiên bán ra chiếc iPhone tại Nhật với chiến dịch marketing rất khác thường vào năm 2007. Nhờ đó, số lượng thuê bao đã tăng gấp đôi và bám sát đối thủ lớn nhất của họ là DoCoMo.

Canh bạc Sprint trị giá 20 tỷ USD của SoftBank.

Tiếp đó vào năm 2012, ông Son lại có một quyết định vô cùng táo bạo là thâu tóm 70% cổ phần nhà mạng Sprint tại Mỹ với giá trị 20 tỷ USD. Thương vụ này giúp SoftBank trở thành nhà mạng lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau AT&T Wireless và Verizon.

Nhờ đó, ông đã thực hiện được tham vọng của mình là vượt mặt đối thủ DoCoMo sớm hơn tới tận 4 năm. SoftBank tiếp tục chiến lược là đầu tư dàn trải, Yahoo hay Alibaba cũng đều nằm trong tầm ngắm.

Tập đoàn Nhật Bản này đầu tư nhiều đến mức mà CFO của họ cũng phải lo ngại, bởi rất nhiều khoản đầu tư chỉ là ngẫu hứng khi thấy một công ty nào đó đang phát triển và có tương lai tốt. Nhưng kết quả là kinh doanh thua lỗ và khiến SoftBank phải gánh chịu hậu quả.

Tất nhiên, ai cũng có sai lầm.

Thương vụ thâu tóm ARM cũng là một canh bạc lớn

Có người nói rằng CEO Masayoshi Son điều hành SoftBank cũng giống như một canh bạc. Ông không ngại rót những khoản tiền khổng lồ để đầu tư hoặc thâu tóm các công ty, rồi để mặc các công ty đó phát triển và thu về lợi nhuận.

Các khoản đầu tư thua lỗ thì được coi là thua bạc, để rồi sau đó tiếp tục tìm những canh bạc mới. Chính vì vậy mà canh bạc lớn nhất của SoftBank là Sprint đã khiến tập đoàn Nhật Bản phải chịu hậu quả vô cùng nặng nề, lợi nhuận sụt giảm 50% và phải chịu khoản nợ khổng lồ 30 tỷ USD.

ARM tiếp tục là một canh bạc lớn của ông Masayoshi Son.

Thương vụ thâu tóm ARM cũng được coi là một canh bạc lớn của ông Son, với giá trị lên đến 32 tỷ USD tức là cao hơn cả thương vụ Sprint. Tuy nhiên ARM đang có một vị thế khác hẳn với Sprint trước đây.

Kiến trúc chip xử lý di động của ARM đang được sử dụng phổ biến nhất hiện nay, với các khách hàng lớn như Apple hay Samsung. Số lượng các con chip di động sử dụng kiến trúc ARM đã tăng lên 15 tỷ, đủ để thấy tiềm lực phát triển của hãng thiết kế này.

Có vẻ như lần này vị CEO của SoftBank đã có một thương vụ đầu tư đúng đắn, hay như đánh giá của các chuyên gia là khả năng chiến thắng rất cao. Mặc dù vậy, truyền thống của SoftBank không phải là điều hành các công ty và giúp các công ty này phát triển thành công.

Sprint là một minh chứng rõ ràng nhất. Vì vậy mà thương vụ ARM hoàn toàn có thể đi theo vết xe đổ đó. Hoặc cũng có thể giúp SoftBank thắng cược lớn.

Masayoshi Son sẽ được vinh danh như một nhà đầu tư tài ba, có tầm nhìn xa trông rộng nếu như thương vụ thâu tóm ARM thành công. Còn nếu thất bại, CEO Masayoshi Son có lẽ sẽ không còn cơ hội nào khác để đặt cược nữa. Năm nay ông đã gần 60 tuổi.

Cùng chuyên mục
XEM