SoftBank bỏ 32 tỷ USD mua nhà thiết kế chip hàng đầu thế giới

18/07/2016 14:26 PM | Kinh doanh

Nhà mạng Nhật Bản SoftBank vừa bỏ ra tới 32 tỷ USD để mua lại ARM, công ty về thiết kế chip di động nổi tiếng thế giới hiện nay.

Nhà mạng viễn thông Nhật Bản SoftBank mới đây vừa đồng ý mua lại Arm Holdings, công ty về thiết kế chip di động đến từ Anh. Được biết, số tiền mà SoftBank bỏ ra cho thương vụ này lên tới 32 tỷ USD. SoftBank hy vọng rằng, việc sở hữu ARM sẽ giúp công ty trở thành kẻ dẫn đầu ở mảng internet of things - mảng được đánh giá sẽ là tương lai của công nghệ trong tương lai không xa.

Thoả thuận này hứa hẹn sẽ được công bố ngay trong hôm nay, theo 2 người biết rõ về thoả thuận giữa 2 công ty. Cả SoftBank và ARM hiện chưa đưa ra bình luận gì về thông tin trên.

ARM có trụ sở tại thành phố Cambridge của Anh, được thành lập cách đây 25 năm và hiện có 4.000 nhân viên. Thương vụ giữa SoftBank và ARM hứa hẹn sẽ là vụ mua bán lớn nhất trong lịch sử làng công nghệ ở châu Âu. SoftBank sẽ trả 22,5 USD tiền mặt cho mỗi cổ phiếu của ARM.

Thoả thuận được đưa ra chỉ vài tuần sau khi tại Anh diễn ra các cuộc bầu cử để tách khỏi Liên minh châu Âu EU. Việc Anh không còn là thành viên EU dấy lên các câu hỏi liệu cộng đồng doanh nghiệp của nước này có còn hấp dẫn nữa hay không.

Tuy nhiên, không như nhiều công ty khác tại Anh, với cương vị là nhà thiết kế chip hàng đầu thế giới, sức hấp dẫn của ARM không hề bị suy giảm. Bên cạnh đó, so với năm ngoái, việc tiền tệ của Anh bị giảm gần 30% giá trị khi so sánh với đồng yen Nhật (hệ quả khi Anh rút khỏi EU) khiến ARM trở thành "con mồi ngon" của SoftBank. Cổ phiếu của công ty thiết kế chip này trong 12 tháng gần đây gần như không có biến động.

SoftBank là nhà mạng thuộc hàng lớn nhất thế giới, được sáng lập bởi Masayoshi Son. Son đã có công xây dựng SoftBank trở thành một công ty viễn thông có quy mô toàn cầu, một "đế chế" về media.

Nhà mạng này hiện có giá trị 68 tỷ USD và hiện nắm giữ một cổ phần lớn tại Sprint - nhà mạng viễn thông lớn thứ tư tại Mỹ, Yahoo Japan - công cụ tìm kiếm internet phổ biến nhất tại Nhật. Masayoshi Son vốn được đánh giá là con người của các "ý tưởng lớn, điên rồ", và ông thường dùng tiền tích góp được từ các vụ đầu tư thành công của mình để tiếp tục mở rộng đầu tư ra các công ty khác.

Một số thương vụ điển hình của Masayoshi Son bao gồm vụ đầu tư 20 triệu USD vào Alibaba năm 2000 (giờ đây nó có gia trị 65 tỷ USD), và vụ mua lại chi nhánh của Vodafone tại Nhật năm 2006 với giá 15 tỷ USD.

Trong 10 năm trở lại đây, SoftBank đã tham gia trong hơn 140 thương vụ với giá trị lên tới 82 tỷ USD, theo dữ liệu của hãng Dealogic. Gần như tất cả thương vụ được thực hiện trong 4 năm qua bởi Arora - một cựu nhân viên của Google nhưng mới đây vừa rời SoftBank.

Arora đã tạo ra hàng loạt vụ đầu tư, từ việc mua cổ phần với giá trị ít triệu USD ở các startup nhỏ cho tới các vụ đầu tư hàng tỷ USD tại các công ty đang có tốc độ phát triển tốt như Didi Chuxing, ứng dụng di động về chia sẻ xe tại Trung Quốc và là đối thủ của Uber.

Arm trước đây thường được đồn đoán là "con mồi" tiềm năng của Intel, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới nhưng từng thất bại trong lĩnh vực chip di động. Kiến trúc chip của Intel, thường được biết dưới cái tên kiến trúc x86, được phát triển cho PC, tuy nhiên, khi thị trường PC đi xuống để nhường chỗ cho thiết bị di động, tương lai của Intel đã không ít lần bị đặt dấu hỏi.

Việc ARM là công ty công nghệ đáng chú ý duy nhất ở Anh khiến hãng trở thành mục tiêu của các công ty công nghệ đến từ Mỹ. Kể từ khi Anh rút khỏi EU, mối quan tâm về việc thâu tóm các doanh nghiệp tại Anh ngày càng tăng lên, tuy nhiên, chỉ có ARM chứ không có công ty công nghệ nào khác của Anh hấp dẫn được các công ty nước ngoài.

Công nghệ của ARM ban đầu được phát triển vào những năm 1980 tại Acorn, một công ty sản xuất máy tính của nước Anh. ARM được tách thành một công ty riêng với sự trợ lưng đáng kể của Apple. Công nghệ của ARM sau đó được dùng cho thế hệ thiết bị di động đầu tiên của "Táo khuyết", trong đó có máy tính cầm tay Newton.

Mô hình kinh doanh của ARM đó là bán bản quyền công nghệ cho các công ty phần cứng như Apple, Samsung, nhờ đó, ARM xuất hiện gần như trên mọi thiết bị di động - mặc dù với người dùng phổ thông thì ARM gần như không được biết đến. ARM chỉ thu một số nhỏ cho mỗi bản quyền, thế nhưng, số lượng rất lớn các thiết bị đã giúp hãng đem về "tiền tấn". Mục tiêu tiếp theo của hãng chính là thiết kế chip dành cho các thiết bị mạng và thiết bị internet of things - mảng được đánh giá sẽ có sự tăng trưởng đột biến trong tương lai không xa.

Không như Intel, ARM đơn thuần là một công ty thiết kế chip chứ không phải sản xuất, bởi vậy, mô hình kinh doanh bán sở hữu trí tuệ của hãng mang lại biên lợi nhuận cao. Tuy nhiên, với doanh thu chỉ khoảng hơn 1 tỷ USD trong năm ngoái, ARM không phải là công ty có vị thế lớn trên toàn cầu. Giá mua 32 tỷ USD của SoftBank cao hơn 70 lần so với thu nhập ròng của ARM trong năm ngoái, và cao hơn 50 lần thu nhập trước lãi, thuế, khấu hao và khấu trừ của công ty này.

Theo New York Times đưa tin hôm Chủ nhật vừa qua, SoftBank đã gần đạt được các thoả thuận mua bán, tuy nhiên, hãng không cung cấp bất kỳ thông tin nào về tài chính trong thương vụ này.

Theo MT

Cùng chuyên mục
XEM