CEO iPOS.vn Vũ Thanh Hùng: Năm 2021, tâm lý chủ quan là thứ đánh gục thị trường nặng nhất. Năm 2022 ngành F&B chắc chắn sẽ không thể nào "toang" thêm nữa!

02/02/2022 08:40 AM | Kinh doanh

Cùng nhìn lại những khó khăn và thách thức của năm cũ, và dự đoán về năm 2022, giúp các ông chủ F&B tìm ra hướng giải quyết những vấn đề hiện hữu.

Năm Tân Sửu 2021 đã trôi qua. Một năm thật dài khi cả đất nước trải qua nhiều tháng ròng rã đối phó với dịch bệnh, nhiều gia đình chứng kiến nỗi đau bệnh tật và mất mát, giới chủ doanh nghiệp gặp thách thức khi việc kinh doanh đình trệ, không ít người lao động mất việc hoặc phải đổi nghề mưu sinh. Trong hàng loạt áp lực chung đó, một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Covid là ngành bán lẻ nhà hàng ăn uống (F&B).

Tống cựu nghênh tân, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Vũ Thanh Hùng – CEO iPOS.vn, cùng nhìn lại những khó khăn và thách thức của năm cũ, và phần nào dự đoán năm 2022 giúp các ông chủ F&B tìm ra hướng giải quyết cho những vấn đề hiện hữu.

---

PV: Chào ông Hùng. Năm vừa qua được coi là năm khó khăn nhất từ trước đến nay của ngành F&B. Là người có nhiều năm kinh nghiệm quan sát và đồng hành trong thị trường này, ông nhận định như thế nào về năm 2021?

Ông Vũ Thanh Hùng: Trong suốt hơn một thập kỷ đồng hành cùng ngành F&B tại Việt Nam, chưa khi nào chúng tôi chứng kiến sự khó khăn đến vậy của cộng đồng các chủ nhà hàng café. Nếu sử dụng những ngôn từ dân dã như "bung", "toang" chắc cũng không quá.

Để nhìn lại 12 tháng qua thì có lẽ tâm lý chủ quan là thứ đánh gục thị trường nặng nhất. Chúng ta bước vào năm 2021 với tâm thế của một đất nước phòng chống dịch rất tốt với chủ trương Zero Covid, điều này dẫn tới việc tâm lý của người dân nói chung và chủ quán nói riêng đều tích cực và có phần xem nhẹ các biến cố. Tuy nhiên sự sáng sủa trong kinh doanh sau Tết Tân Sửu chưa được bao lâu thì tin xấu liên tiếp xảy đến khi các ổ dịch gia tăng trên cả nước, và từ tháng cuối tháng Tư trở đi, ngành F&B Việt Nam chính thức bị điêu đứng. Giai đoạn này ròng rã suốt 6 tháng.

Tuy vậy, điểm tích cực ở đây là tốc độ phục hồi và sức bật của thị trường quay trở lại khá tốt. Đơn cử như ở hai thị trường trọng điểm là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, chỉ tính trong Quý 4 năm 2021, khi dịch bệnh được kiểm soát và vaccine được phủ mạnh, tâm lý an tâm đi lên và số lượng cửa hàng mở mới đều tăng trưởng rõ rệt.

CEO iPOS.vn Vũ Thanh Hùng: Năm 2021, tâm lý chủ quan là thứ đánh gục thị trường nặng nhất. Năm 2022 ngành F&B chắc chắn sẽ không thể nào toang thêm nữa! - Ảnh 1.

Vậy lý do thị trường F&B hồi phục trong quý 4 là gì? Đây có phải là tín hiệu tích cực không, thưa ông?

Nhiều lý do lắm, nhưng tôi tạm gạch đầu dòng vài ý chính sau

Một là những người chủ đã khôn ngoan hơn nhiều sau những đợt giãn cách xã hội. Những ai đầu hàng thì đã đầu hàng, những thương hiệu còn trụ lại thì đều biết mình phải làm gì: Cắt giảm chi phí tối đa, co gọn mô hình, tăng dòng doanh thu bán online….

Hai là do sự kìm nén trong tiêu dùng của thực khách trong một khoảng thời gian dài, vì vậy khi được phục vụ ăn tại chỗ, các nhà hàng hồi phục rất nhanh và bứt phá những tháng cuối năm. Như thành phố Hồ Chí Minh, tính tới thời điểm hiện tại, mọi thứ trong ngành dịch vụ gần như đã quay trở lại trạng thái bình thường.

Ba là hệ thống các công cụ hỗ trợ từ nhiều đơn vị trong giai đoạn này đã mang đến những trợ lực đáng kể, đơn cử như các nền tảng bán online, chăm sóc khách hàng cũ, menu điện tử, cho vay tài chính…

Ông có nhắc đến những điểm tích cực của hệ thống tín dụng. Ông đánh giá như thế nào về khả năng tiếp cận nguồn vốn vay, khi nhiều mô hình Kinh doanh ẩm thực vẫn phụ thuộc chủ yếu vào vốn chủ sở hữu?

Thực tế ngành F&B đã rất khó khăn về vấn đề tài chính trong năm 2021, từ việc thương thảo giá thuê mặt bằng tới cơ cấu lương tối thiểu để giữ chân nhân sự. Nhưng mặt khác họ cũng bị liệt vào danh sách rất hạn chế giải ngân của ngân hàng vì triển vọng tương lai chưa có gì sáng sủa. Tuy nhiên mọi thứ dần tốt lên trong giai đoạn cuối năm.

Sau một khoảng thời gian giãn cách xã hội, biết rằng nhiều chủ quán dần kiệt quệ về dòng tiền, ngày càng khó khăn xử lý các chi phí cố định hàng tháng, chúng tôi cũng đã xúc tiến hợp tác với ngân hàng Kasikorn Bank (Kbank) từ Thái Lan hay Kim An Group để đưa ra gói hỗ trợ vay tài chính dành riêng cho ngành F&B. Chi phí này nhằm trực tiếp mục tiêu giúp các cửa hàng chi tra chi phí mặt bằng cũng như quỹ lương hàng tháng. Thông qua số khách hàng liên hệ tìm hiểu gói vay liên tục trên hệ thống của iPOS.vn, chúng tôi thấy rằng nhu cầu vốn của ngành là thực sự nhiều.

Tôi chỉ giả sử thôi nhé, nếu thị trường tiếp tục có các cú sốc tiếp theo, ngành F&B sẽ ra sao?

Theo tôi, ngành F&B chắc chắn sẽ không thể nào "toang" thêm nữa, vì các thương hiệu đã thích ứng hết từ Quý 4 năm nay rồi. Khi tiếp tục có các đợt giãn cách xã hội, thị trường F&B sẽ chuyển dịch thành sự phòng bị, chờ đợi thời cơ rồi bứt phá ngay sau khi trở lại bình thường. Việc cho phép đóng hay mở cửa kinh doanh ngay sau một chỉ thị từ chính quyền sẽ không còn xảy ra thường xuyên và nếu có thì các thương hiệu cũng đã có biện pháp thích nghi cả.

Về vĩ mô thì chỉ số lạm phát 2021 thấp nhất trong 6 năm vừa qua với 1,84%, bên cạnh là 5.22% tăng trưởng GDP trong quý 4 so với cùng kỳ năm trước. Giá cả nguyên liệu đầu vào của ngành hiện không bị ảnh hưởng nhiều do chuỗi cung ứng như nhiều ngành khác, trong khi cầu tiêu dùng vẫn cao. Đây là những chỉ số cực tốt, đem lại tính bình ổn cho toàn thị trường dù ảnh hưởng sâu sắc từ dịch bệnh.

Với tỷ lệ tiêm chủng đủ 2 mũi cho 100% người trưởng thành trong năm 2021, tôi tin rằng năm 2022 sẽ sáng cửa hơn rất nhiều. Ngành F&B sẽ hồi phục từng bước trong 6 tháng đầu năm, và tăng trưởng mạnh mẽ vào 6 tháng cuối năm. Điều này do 2 nguyên nhân: một là do diễn biến dịch bệnh cần thời gian để giảm, hai là ngành F&B sẽ hưởng lợi bởi thói quen đặt hàng online, khi xã hội ổn định thì doanh thu sẽ được phát triển từ 2 nguồn, thay vì hầu như chỉ bán hàng ăn tại chỗ như các năm về trước. Nhưng đương nhiên, kinh tế tổng thể và gói hỗ trợ mà Quốc hội vừa thông qua phải phát huy hiệu quả trong năm nay. Người dân có công việc và thu nhập tốt hơn thì mới tăng chi tiêu cho nhu cầu dịch vụ như ngành F&B.

CEO iPOS.vn Vũ Thanh Hùng: Năm 2021, tâm lý chủ quan là thứ đánh gục thị trường nặng nhất. Năm 2022 ngành F&B chắc chắn sẽ không thể nào toang thêm nữa! - Ảnh 2.

Vài năm gần đây, ngành F&B đang được gắn liền với cụm từ "chuyển đổi số". Covid dường như càng tạo điều kiện cho việc đó diễn ra nhanh hơn. Ông dự đoán xu hướng này trong các năm tới sẽ diễn ra theo chiều hướng như thế nào?

Vài năm trở lại đây chứng kiến sự chuyển dịch rất lớn trong công cuộc chuyển đổi số ngành F&B tại Việt Nam. Trong đại dịch, việc số hóa dữ liệu, hay xa hơn là chuyển đổi số, đã giúp nhiều nhãn hàng F&B duy trì và vượt qua đại dịch nhờ kinh doanh online. Theo tôi, xu hướng chuyển đổi số năm 2022 sẽ toàn diện hơn. Đơn thuần từ việc số hóa dữ liệu và quản lý doanh thu, xu hướng 2022 sẽ là quản lý thêm nhiều khía cạnh hơn, từ kế toán, quản lý tồn kho hay thậm chí là quản lý nhân sự.

Bên cạnh đó, hệ thống thanh toán điện tử sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Nhờ cú sốc Covid, thanh toán điện tử phát triển thần tốc, ước tính tới 16,4 triệu ví điện tử đang hoạt động. Hiện nay, chúng tôi cũng đang bắt tay với MoMo – "kỳ lân" mới của Việt Nam để đưa các gian hàng ẩm thực và đồ uống lên ứng dụng ví điện tử MoMo, giúp khách hàng đặt đồ và thanh toán thuận tiện, đồng thời tích hợp cả ứng dụng Menu điện tử giúp giảm tiếp xúc khi ăn uống tại chỗ. Nhiều ý tưởng tích hợp mới để giúp đỡ tốt hơn cho các chủ cửa hàng vẫn đang được hai bên trao đổi thường xuyên.

Ông đánh giá như thế nào về thị trường F&B năm 2022?

Theo tôi, thị trường F&B tại Việt Nam năm 2022 sẽ tiếp tục bùng nổ sau một khoảng thời gian dài giãn cách. Đặc biệt khi đang có thông tin, chính phủ thí điểm mở lại du lịch Quốc tế. Tại các thị trường lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, các mô hình kinh doanh mới sẽ xuất hiện và đem lại nhiều sự thuận tiện hơn cho khách hàng thành phố bận rộn, như mô hình Kiosk bán hàng.

Kinh doanh online tiếp tục phát triển, với sự tiên phong của các ông lớn trong thị trường giao đồ ăn trực tuyến như ShopeeFood, Baemin hay GrabFood, bên cạnh đó là các kênh bán hàng chủ động để đỡ chi phí chiết khấu như iPOS WebOrder.

Sẽ có rất ít các mô hình kinh doanh chưa chuyển đổi số, khi vận hành bằng máy bán hàng và kiểm soát số liệu kinh doanh real-time trở thành tiêu chuẩn của bất kỳ thương hiệu F&B mở mới nào. 2020 và 2021 như một đợt thanh lọc thị trường, những người kinh doanh F&B "lướt sóng" hay chậm thay đổi đã ra khỏi thị trường gần hết, chỉ còn những người trụ lại với tư duy khác. Những lực lượng mới gia nhập thị trường cũng sẽ có cách kinh doanh khoa học và số hóa hơn.

Nhìn chung, năm 2022 hứa hẹn là một năm bứt phá. Nửa đầu năm 2022 sẽ là sự lạc quan thận trọng, sau đó sẽ là bùng nổ và phát triển.

Cảm ơn những chia sẻ của ông. Chúc ông một năm mới nhiều sức khỏe và thành công!

Mỹ Anh

Cùng chuyên mục
XEM