CEO Grab: Thiếu gia nhà giàu, tốt nghiệp Harvard, bỏ sự nghiệp sẵn có để bước vào cuộc chiến khốc liệt trên thị trường gọi xe
Từ bỏ sự nghiệp được trải thảm đỏ, chấp nhận những lời từ chối và chê bai, Anthony Tan chứng minh cho gia đình thấy họ đã không sai khi quyết định cho anh một cơ hội.
Ở tuổi lên 6, khi những đứa trẻ khác nói rằng muốn trở thành bác sĩ hoặc lính cứu hỏa, Anthony Tan – đồng sáng lập và CEO Grab tiết lộ anh mơ ước làm một doanh nhân. Là con trai của gia đình đang điều hành Công ty Tan Chong Motors - một trong những nhà phân phối và lắp ráp ôtô lớn nhất Malaysia - để thực hiện mơ ước của mình, Anthony đơn giản chỉ cần tiếp quản công việc kinh doanh sẵn có. Nhưng không, điều anh muốn là tạo dựng sự nghiệp của riêng mình và có ảnh hưởng nhất định đến xã hội.
Ý tưởng về một ứng dụng di động đặt taxi đến với Anthony khi một người bạn nước ngoài của anh đến Malaysia và phàn nàn về dịch vụ taxi địa phương. Người bạn này không chắc tài xế có đi đúng lộ trình và thu cước hợp lý hay không. Câu chuyện đó thôi thúc Anthony tìm ra giải pháp để giải quyết những bất cập taxi đang gặp phải. Anh quyết định phát triển nó thành một đề án tại Trường Kinh doanh Harvard – nơi Anthony đang theo học tại thời điểm đó.
Thế nhưng, khi trình bày trước các giáo sư, mọi người nói với Anthony rằng ý tưởng của anh ‘khó để hiện thực hóa’ và ‘chưa được kiểm chứng trong thực tế’. Về sau, Anthony cùng người bạn học là Hooi Ling Tan tiếp tục phát triển đề án về ứng dụng đặt xe và đạt giải nhì trong cuộc thi Kế hoạch kinh doanh của Harvard.
Anthony Tan bỏ sự nghiệp trải thảm đỏ để bước chân vào cuộc đua khốc liệt trên thị trường gọi xe
Ban đầu, gia đình phản đối việc Anthony bỏ việc kinh doanh của công ty để khởi nghiệp. Cha anh cho rằng ứng dụng này chỉ là một trò tào lao và Harvard đã làm hại não của con trai ông. Mẹ Anthony đã thuyết phục cha anh, nói rằng hãy để anh thử trong vòng 6 tháng, nếu không thành công thì Anthony sẽ quay về với công việc của gia đình.
Được sự đồng ý của cha, năm 2012, Anthony và Hooi Ling đưa ứng dụng vào hoạt động tại Malaysia với tên gọi MyTeksi. Anthony đảm nhiệm vị trí CEO. Thời gian đầu, anh phải đến gặp từng hãng taxi lớn để thuyết phục họ thử sản phẩm của mình, nhưng câu trả lời mà Anthony nhận được là “Đừng bán cái ứng dụng ngu ngốc đó. Chẳng ai dùng nó đâu”. Mọi người cũng khuyên anh nên quay về làm việc cho gia đình.
Dù bị từ chối và chê bai, Anthony vẫn không bỏ cuộc. Anh kiên trì thuyết phục các tài xế, đồng thời, giải thích cho họ thấy những lợi ích có được khi sử dụng ứng dụng này. Dần dần nhiều người chấp nhận và biết cách sử dụng chúng thành thạo chỉ trong vòng 2 tuần.
Anthony và Hooi Ling, 2 người đồng sáng lập Grab
Tháng 8/2013, MyTeksi đổ bộ vào thị trường Philippines dưới tên GrabTaxi. Tháng 10 cùng năm, GrabTaxi có thêm thị trường Singapore và Thái Lan, bốn tháng sau đó là thị trường Việt Nam và Indonesia. Năm 2014, GrabTaxi chuyển trụ sở chính sang Singapore. Một số nguồn tin cho biết Anthony hiện cũng lấy quốc tịch nước này. Đầu năm 2016, GrabTaxi chính thức đổi tên thành Grab.
Ở các thị trường Grab hoạt động, cuộc chiến giành thị phần luôn diễn ra rất quyết liệt. Ngoài việc phải cạnh tranh với các hãng gọi xe địa phương, đối thủ lớn và ‘khó nhằn’ nhất của Grab chính là gã khổng lồ Uber.
Ra đời sau Uber 3 năm, ngay từ đầu Grab đã bị xem là ‘bản sao’ của của start-up do Travis Kalanick sáng lập. Xét về cả kinh nghiệm và giá trị công ty, Grab đều được xếp ở ‘chiếu dưới’. Thế nhưng, nhờ am hiểu thị trường địa phương và phát triển các giải pháp không theo khuôn mẫu, Grab khiến Uber bị tụt lại phía sau trong cuộc đua chiếm lĩnh thị phần. Thương vụ thâu tóm mảng kinh doanh của Uber Đông Nam Á đánh dấu thắng lợi của Anthony và Grab tại thị trường 620 triệu dân.
Nhờ am hiểu thị trường địa phương, từ một công ty được coi là bản sao, Grab đã vượt qua người khổng lồ Uber
Đến nay, sau gần 6 năm thành lập, từ một ứng dụng gọi xe khiêm tốn ở Malaysia, Grab có hơn 90 triệu lượt tải ứng dụng trên điện thoại di động ở 195 thành phố lớn khắp 8 nước Đông Nam Á, trong đó Myanmar và Campuchia là 2 nước mới nhất gia nhập mạng lưới.
Ngoài dịch vụ gọi taxi, công ty tiếp tục mở rộng ra các dịch vụ khác từ gọi xe cá nhân, xe ôm, xe đi chung và giao hàng. Năm ngoái, Grab cũng bước chân vào hoạt động thanh toán di động với ví điện tử GrabPay. Trong thời gian tới, dịch vụ giao thức ăn GrabFood cũng dự kiến được triển khai.
Trong vòng gọi vốn mới nhất, Grab huy động thành công 2,5 tỷ USD từ SoftBank, Didi Chuxing (Trung Quốc) và một số nhà đầu tư khác. Với khoản đầu tư này, công ty của Anthony được định giá 6 tỷ USD và trở thành start-up có giá trị lớn nhất Đông Nam Á.
Thành công của Grab giúp Anthony có mặt trong danh sách 50 người giàu nhất Malaysia do tạp chí Forbes công bố đầu tháng 3. Ở tuổi 36, anh là người trẻ nhất trong Top 50 với tài sản ước tính khoảng 300 triệu USD.