Việt Nam ơi, đừng sợ! Đã có một “chàng David” hàng xóm sẵn sàng tuyên chiến với "gã Goliath khổng lồ" Grab
Uber không linh hoạt bằng Grab, nhưng Grab lại không linh hoạt bằng Go-Jek.
"Chàng David" Go-Jek
Được thành lập tại Jakarta vào năm 2010, Go-Jek khởi đầu một cách khiêm tốn khi chỉ đặt ra mục tiêu "hợp thức hóa" dịch vụ vận chuyển hành khách của những bác tài 2 bánh tại quê nhà. Và đội ngũ bác tài 20 người đó nay đã trở thành … 200.000 người! Bao gồm xe máy, xe hơi và cả xe tải.
Không dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ vận tải, Go-Jek còn sở hữu hệ sinh thái Go-Life – cung cấp các dịch vụ đời sống hàng ngày, và Go-Pay – ứng dụng ví tiền điện tử.
Go-Jek còn đa dạng hóa các "vũ khí" của mình bằng cách mua lại 5 dự án khác nhau chỉ trong 12 tháng vừa qua, bao gồm nền tảng điện thoại Pianta, hãng phát triển phần mềm C42 Engineering, Startup thanh toán điện tử MVCommerce, công ty phần mềm điện thoại Leftshift, và cả nền tảng bán vé Loket. Tất cả thương vụ trên vừa củng cố thêm sức mạnh công nghệ cho Go-Jek, vừa hỗ trợ phát triển một hệ sinh thái phần mềm cho người dùng.
Xét về những khía cạnh quan trọng nhất của một nền tảng gọi xe, trong khi Grab chỉ mới bắt đầu cung cấp dịch vụ gọi xe 2 bánh vào năm 2016, Go-Jek đã ra đời và hoạt động hiệu quả từ tận năm 2010. Và Go-Jek cũng vượt mặt gã khổng lồ Grab với ứng dụng Go-Pay cực kỳ phổ biến của mình, trong khi Grab phải mua lại một startup tương tự mang tên Kudo và đang tiêu tốn một khoảng chi phí khổng lồ để vận hành mảng kinh doanh "mới" này.
"Go-Jek không chỉ là một ứng dụng gọi xe thông thường mà Go-Jek là cả một hệ sinh thái, nó gắn kết một cách chặt chẽ với cuộc sống hàng ngày của người dùng, từ giao nhận đến thanh toán, chưa kể là giặt ủi và thậm chí là … massage." - theo Xiaofeng Wang, chuyên viên phân tích tại Forrester.
Ông nói thêm: "Đó chính là yếu tố thuyết phục các nhà đầu tư lớn như Google và Tencent quyết định đổ tiền vào Go-Jek. Các gã khổng lồ công nghệ đó đã biết quá rõ về tầm quan trọng của một hệ sinh thái như Google đã từng thành công tại Mỹ và WeChat đã thống lĩnh thị trường tại Trung Quốc."
Uber không linh hoạt bằng Grab, nhưng Grab lại không linh hoạt bằng Go-Jek
Thị trường gọi xe tại Đông Nam Á được các chuyên gia, trong đó có cả Google dự đoán sẽ tăng mạnh từ 2,5 tỷ USD lên đến 13 tỷ USD vào năm 2025, với thị trường lớn nhất là Indonesia với dự đoán tổng doanh thu là 5,6 tỷ USD trong vài năm tới. Con số ấn tượng này đã thúc đẩy cả các startups và tập đoàn lớn trong khu vực đồng loạt nhảy vào cạnh tranh giành thị phần.
Trong khi Grab đẩy mạnh các dịch vụ hỗ trợ như GrabNow và GrabReward, Go-Jek tăng tốc mạnh mẽ khi cho ra đời hàng loạt tính năng và ứng dụng mới trong Go-Jek, Go-Life và Go-Pay. Chẳng hạn như Go-Life với hơn 3.000 thành viên cung cấp dịch vụ nhà ở và ăn uống, Go-Jek "một mình một chợ" chiếm lĩnh thị trường với hơn 15% lợi nhuận trên mỗi giao dịch.
Giành lại thị trường khổng lồ Indonesia, Go-Jek chứng tỏ mình không thua kém gì Grab
Tính đến thời điểm hiện nay, Grab đang sở hữu hơn 63 triệu lượt tải ứng dụng tại Đông Nam Á, trong khi Go-Jek cũng đang sở hữu hơn 20,2 triệu lượt tải. Vào tháng 6 năm 2017, Grab tự tin tuyên bố, "Hiện nay Grab đã trở thành sự lựa chọn số 1 cho người dùng tại Indonesia nói riêng và Đông Nam Á nói chung, với hơn 2,5 triệu cuốc xe mỗi ngày và chiếm hơn 70% số lượng xe cá nhân, Grab đang cùng 930.000 đối tác của mình giải quyết thực trạng vận tải trong khu vực, đồng thời cung cấp cho đối tác và khách hàng một cuộc sống chất lượng hơn."
Không kém cạnh, CEO đồng thời là nhà sáng lập Go-Jek – Nadiem Makarim phản pháo rằng: "Go-Jek mới là ứng dụng sở hữu hơn 50% thị trường gọi xe tại Indonesia, chưa kể đến 95% thị trường giao nhận thức ăn tại quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á này."
Số liệu không cụ thể của Grab cho thấy một thị trường rất lớn và hơi mơ hồ mà gã khổng lồ này đang nắm giữ, trong khi đó, Go-Jek chỉ tập trung giành lại sân nhà với một thị phần vượt trội và một hệ sinh thái cực kỳ đa dạng.
Tiềm lực tài chính và những tên tuổi "chống lưng": Kẻ tám lạng, người nửa cân
Vào năm ngoái, Go-Jek được đầu tư 500 triệu USD từ hai quỹ lớn tại Mỹ là KKR & Co và Warburg Pincus LLC. Và vào năm nay, hai đại gia công nghệ Trung Quốc là JD.com và Tencent đã mạnh tay chi hơn 1,2 tỷ USD để trở thành cổ đông lớn nhất tại Go-Jek.
Với sự hỗ trợ của các đại gia công nghệ Trung Quốc, Go-Jek không chỉ tự tin phát triển và cạnh tranh trên thị trường gọi xe mà còn tiến xa hơn với ứng dụng thanh toán điện tử Go-Pay, góp phần cải thiện trải nghiệm người dùng và biến họ trở thành các khách hàng thân thiết.
Trong khi đó, gã khổng lồ khu vực Grab với sự đầu tư của Didi Chuxing và Softbank đã đưa tổng số vốn của mình lên tới 3,9 tỷ USD. Với số tiền khổng lồ này, Grab cam đoan sẽ sử dụng ít nhất 700 triệu USD cho một "kế hoạch bốn năm" để lấy lại thị trường Indonesia, đặc biệt là mảng thanh toán và tài chính điện tử.
Điều đặc biệt ở đây là kế hoạch phát triển của Go-Jek gần như được "copy" lại từ câu chuyện thành công của Alipay - ứng dụng thanh toán điện tử của Jack Ma. Alipay cũng đã tạo ra cho mình một "hệ sinh thái" cho người dùng và dần dần đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của người dân Trung Quốc.
Và như thế, Grab thoạt nhìn tuy có vẻ đáng sợ với số vốn khổng lồ và chiến công vang dội "đánh đuổi" Uber ra khỏi địa bàn, nhưng cũng ngay tại khu vực này đang tồn tại một Go-Jek đã "ăn miếng trả miếng" với Grab ngay tại sân nhà và tự tin tuyên bố sẽ tiếp tục mở rộng "kỳ tích" đó ra khắp Đông Nam Á chỉ trong vài tháng tới.
Không biết rằng Grab hay Go-Jek sẽ chiến thắng sau cuộc chiến này, nhưng có một điều chắc chắn rằng những người tiêu dùng tại Việt Nam rất mong chờ một "cuộc chiến" nảy lửa để tiếp tục tận hưởng ưu đãi như thời Grab và Uber.
Suy cho cùng, chỉ có Trung Quốc mới là người thắng cuộc khi cả Grab và Go-Jek đều được các công ty Trung Quốc sở hữu phần lớn cổ phần, khi cả hai công ty ngày càng chứng tỏ vị thế độc tôn của mình cũng là lúc Trung Quốc đang nắm trọn thị trường Đông Nam Á trong lòng bàn tay.