Luật sư Trương Thanh Đức: Không có cơ sở kết luận thương vụ M&A giữa Uber và Grab vi phạm luật cạnh tranh

28/03/2018 15:09 PM | Kinh doanh

Ông Đức cho rằng việc xem xét xác định thị phần và quy mô doanh thu của 2 công ty vẫn chưa rõ. Vì vậy việc kết luận thương vụ M&A này có vi phạm luật cạnh tranh hay không vẫn chưa có cơ sở.

Gần đây, một số người hoài nghi việc Uber sáp nhập vào Grab (M&A) có thể vi phạm luật cạnh tranh. Tuy nhiên, trao đổi với Người Đồng Hành, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật TNHH Ngân hàng - Chứng khoán - Đầu tư (BASICO) cho rằng không có cơ sở khẳng định thương vụ M&A này vi phạm luật cạnh tranh.

Giải thích cho nhận định của mình, ông cho biết việc sáp nhập là 2 doanh nghiệp là ở nước ngoài, còn Grab Việt Nam là pháp nhân Việt Nam độc lập, chỉ có 49% vốn của Grab nước ngoài.

Do đó, việc xem xét xác định thị phần thế nào là chưa rõ. Giống như Google chiếm thị phần tra cứu thông tin rất lớn ở Việt Nam, nhưng nếu có việc sáp nhập thì được áp dụng theo luật của Mỹ, chứ không áp dụng luật Việt Nam.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng chưa xác định rõ Uber, Grab là kinh doanh taxi hay kinh doanh dịch vụ công nghệ, nên chưa đủ cơ sở khẳng định thị phần kinh doanh taxi thế nào.

"Ít nhất cũng phải tách bạch được phần liên kết giữa các hãng taxi và phần còn lại (nếu có)", ông Đức nói.

Kể cả trường hợp đã xác định rõ 2 hãng này là kinh doanh taxi và thị phần liên quan thì các cơ quan còn phải xem xét tính toán quy mô doanh thu trên toàn bộ 100% hay chỉ trên 20% số tiền họ được hưởng từ tài xế và phải nộp thuế.

Câu hỏi đặt ra là tính thị phần riêng loại taxi công nghệ hay tính toàn bộ thị trường taxi đối với Grab và Uber?

"Theo tôi phải tính toàn bộ, vì các hãng cạnh tranh và thay thế nhau, trong đó có thể coi taxi công nghệ chỉ như là một phân khúc thị trường hay một dòng sản phẩm", ông Đức nói.

Có rất nhiều hãng taxi, nên người tiêu dùng và lái xe có thể lựa chọn. Taxi công nghệ cũng có nhiều hãng đang và sẽ triển khai, nên chưa thấy rõ khả năng độc quyền. Trường hợp sau khi sáp nhập, xuất hiện yếu tố độc quyền thì sẽ phải tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan.

Hôm 26/3, Grab Việt Nam cho biết hoàn tất thương vụ thâu tóm Uber tại khu vực Đông Nam Á. Theo đó, Grab mua toàn bộ hoạt động kết nối di chuyển và giao nhận thức ăn của Uber tại Đông Nam Á, và tích hợp các hoạt động này vào nền tảng di chuyển và công nghệ tài chính hàng đầu của Grab.

Uber sẽ giữ 27,5% cổ phần trong Grab và CEO của Uber, ông Dara Khosrowshahi, sẽ tham gia vào ban lãnh đạo của Grab.

Điều 18 về "Trường hợp tập trung kinh tế bị cấm", Luật Cạnh tranh năm 2004 quy định: Cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan.

Các doanh nghiệp tập trung kinh tế có thị phần kết hợp từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan thì đại diện hợp pháp của các doanh nghiệp đó phải thông báo cho Cục quản lý cạnh tranh, bộ Công thương trước khi tiến hành tập trung kinh tế. Nếu việc sáp nhập (tập trung kinh tế) thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật nước nào thì phải tuân thủ quy định đó, nên việc phải làm thủ tục tại một số hay cả 11 nước trong khu vực là tùy thuộc vào phạm vi ảnh hưởng và Luật cạnh tranh của các nước.


Theo Đức Quỳnh

Từ khóa:  grab , uber , taxi
Cùng chuyên mục
XEM