Câu chuyện thỏ & cà rốt: Đừng tưởng thưởng hậu hĩnh cho nhân viên là tốt, làm sai cách vừa tốn tiền vừa hại công ty!
Là người lãnh đạo, nếu không cân nhắc kỹ việc sử dụng củ cà rốt thì không những chẳng khích lệ nổi nhân viên chăm chỉ làm việc, ngược lại sẽ chỉ toàn rắc rối.
Kể từ khi Lưu Bị giữ chức Tổng Giám đốc công ty Từ Châu, dưới sự giúp đỡ của Trần Đăng mà ông dập tắt được những lời đàm tiếu, xây dựng được hình ảnh tốt trong mắt nhân viên. Cuối tháng khi ký bảng lương, Lưu Bị muốn thưởng thêm 500 đồng cho Trần Đăng. Lúc này Mi Trúc đã kể cho Lưu Bị nghe câu chuyện về thỏ và củ cà rốt để Lưu Bị thấy rằng thưởng phạt cho nhân viên là việc phải làm, nhưng không thể tùy tiện.
* Nội dung bài viết trích nội dung trong cuốn “Tam Quốc @ diễn nghĩa” của tác giả Thành Quân Ức.
Ở vách núi Nam Sơn có một bầy thỏ. Dưới sự quản lý tài tình của vua Thỏ mắt xanh, bầy thỏ có cuộc sống no đủ, vui vẻ, hạnh phúc. Nhưng thời gian gần đây, thức ăn thỏ kiếm được ngày càng ít. Nguyên nhân do đâu? Vua Thỏ phát hiện, hóa ra có một số con thỏ lười nhác.
Vua Thỏ phát hiện, sự lười nhác của một số con thỏ đã tạo ra ảnh hưởng xấu đến những con khác. Những con thỏ chăm chỉ cũng cho rằng, làm nhiều hay ít cũng đều như nhau, vậy cần gì phải làm chăm chỉ? Do vậy, chúng rủ nhau không làm việc. Trong tình trạng như vậy, vua Thỏ quyết định phải thay đổi: Ông tuyên bố ai làm việc chăm chỉ sẽ giành được phần thưởng cà rốt đặc biệt.
Một chú thỏ xám con đã giành được củ cà rốt khen thưởng đầu tiên của vua Thỏ. Sự kiện này đã gây xôn xao dư luận. Vua Thỏ không ngờ hiệu ứng lại mạnh như vậy, tuy đó là hiệu ứng không tốt. Có một số vị thỏ cao niên đến gặp vua Thỏ, chỉ ra vô số những mặt chưa được của thỏ xám con, đồng thời chất vấn vua Thỏ đã dựa vào tiêu chuẩn nào để thưởng cho thỏ xám con? Vua Thỏ trả lời: “Ta cho rằng, thỏ xám con đã làm việc rất chăm chỉ, nếu như các ngươi cũng như vậy, đương nhiên sẽ nhận được phần thưởng của ta”.
Bầy thỏ đã phát hiện ra bí mật giành được giải thưởng. Hầu như tất cả bầy thỏ đều cho rằng, chỉ cần trước mặt vua Thỏ thể hiện mình là người chăm chỉ, chắc chắn sẽ nhận được phần thưởng. Nhưng cũng có một số con thỏ thật thà vì không biết phải làm cách nào để lấy lòng vua Thỏ nên luôn bị thiệt thòi. Lâu dần, trong bầy thỏ thịnh hành tác phong làm việc lá mặt lá trái (trước mặt thì một kiểu, đằng sau thì một kiểu). Rất nhiều trong số chúng tìm đủ mọi cách để lấy lòng vua Thỏ, thậm chí không từ mọi thủ đoạn. Phẩm chất trung thực yêu lao động vốn có của bầy thỏ đã bị xói mòn.
Để thay đổi vấn nạn trên, dưới sự giúp sức của các bậc thỏ cao niên, vua Thỏ đã ban hành một bộ quy định khen thưởng. Bộ quy định nêu rõ, tất cả những thức ăn mà bầy thỏ đem về đều phải thông qua kiểm tra, sau đó sẽ tiến hành khen thưởng căn cứ theo số lượng hoàn thành. Trong một thời gian ngắn, năng suất lao động của bầy thỏ thay đổi hoàn toàn, lượng thức ăn dự trữ trong kho cũng nhiều lên.
Nhưng vua Thỏ cũng không đắc chí được lâu. Năng suất lao động của bầy thỏ sau một thời gian nhanh chóng đi xuống. Vua Thỏ thấy rất ngạc nhiên, ông đã tiến hành điều tra, thì ra nguồn thức ăn gần chỗ bầy thỏ sinh sống đã sớm bị khai thác kiệt quệ, nhưng không con thỏ nào chịu đi tìm nguồn thức ăn mới.
Có một con thỏ trắng tai dài chỉ trích thuyết số lượng của vua Thỏ, chính thuyết này đã làm nảy sinh ra tư tưởng chủ nghĩa công lợi về hành vi trong một thời gian ngắn, không có lợi cho việc bồi dưỡng động cơ hành vi thực sự phát triển trong dài hạn của bầy thỏ.
Vua Thỏ nhận thấy thỏ trắng tai dài nói cũng có lý nên ông bắt đầu suy nghĩ lại. Một hôm, thỏ xám con không hoàn thành nhiệm vụ của ngày hôm đó, anh bạn thân Đô Đô đã chủ động đưa nấm của mình cho thỏ xám. Sau khi biết chuyện, vua Thỏ rất tán thưởng phẩm chất giúp đỡ người khác. Hai ngày sau, vua Thỏ tình cờ gặp Đô Đô ở cửa nhà kho, cao hứng thưởng cho Đô Đô phần thưởng gấp đôi.
Đã có tiền lệ như vậy, trò lá mặt lá trái lại thịnh hành trở lại. Bầy thỏ đều tìm cách lấy lòng vua Thỏ để gây chuyện, khiến vua Thỏ ăn không ngon, ngủ không yên. Con thì thắc mắc: “Tại sao thần làm nhiều như vậy nhưng lại nhận được ít phần thưởng hơn Đô Đô, bệ hạ dựa vào cái gì lại làm như vậy?”. Con thì chất vấn: “Lần này thần kiếm được rất nhiều thức ăn, nhưng phần thưởng lại ít hơn lần trước, xin hỏi bệ hạ, công bằng ở đâu?”.
Lâu dần sự việc càng trở nên tồi tệ hơn, nếu không có phần thưởng nhiều, không ai chịu làm việc. Nhưng nếu không có ai làm việc, mọi người sẽ ăn bằng gì? Vua Thỏ cảm thấy bất lực. Ông tuyên bố, tất cả những ai đồng ý trở thành tình nguyện viên lập công cho bầy thỏ sẽ lập tức nhận được một giỏ cà rốt to. Lệnh vua vừa ban, bầy thỏ tranh nhau ghi tên lập công. Vua Thỏ mừng thầm, chiêu trọng thưởng quả nhiên phát huy tác dụng. Nhưng đâu ngờ, trong đám thỏ ghi tên lập công đó, không có con nào hoàn thành nhiệm vụ đúng hạn. Vua Thỏ giận run người, chạy đi tìm chúng để trách móc. Cả bọn đồng thanh phản bác lại: “Thưa bệ hạ, chuyện này không thể trách chúng thần được. Xin hỏi bệ hạ, cà rốt đã có trong tay rồi ai còn có tâm trạng đi làm việc nữa đây?”.
Trong mô hình quản trị nhân sự, việc khen thưởng nhân viên cần được cân nhắc kĩ càng và áp dụng hợp lý nếu không sẽ phản tác dụng.
Giống như với một người đang đói lả, cho anh ta bát cơm đầu tiên đồng nghĩ với việc cứu mạng anh ta; đến bát cơm thứ hai là thỏa mãn cơn đói, nhưng bát cơm thứ ba lại trở thành thuốc độc. Đợi đến khi ăn hết bát cơm thứ ba thì giá trị của bát cơm đầu tiên đối với anh ta đã hoàn toàn thay đổi, anh ta sẽ không thể nào hiểu được giá trị của “Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”.
Cùng với ý nghĩa đó, củ cà rốt của vua Thỏ không những không mạng lại tác dụng khích lệ, mà ngược lại đã khiến bầy thỏ trở nên ngạo mạn và chỉ thích hư vinh.
Là người lãnh đạo, nếu không cân nhắc kỹ việc sử dụng củ cà rốt thì không những chẳng khích lệ nổi nhân viên chăm chỉ làm việc, ngược lại sẽ chỉ toàn rắc rối. Điều đó đồng nghĩa với việc không đem lại cho nhân viên niềm vui, mà lại toàn là thuốc độc.