Câu chuyện OYO: Từ chàng trai bỏ học đi lập nghiệp tới case study của trường Kinh doanh Harvard

13/01/2020 13:47 PM | Kinh doanh

Chuỗi khách sạn OYO được lựa chọn để trở thành bài học kinh điển tại Trường Kinh doanh Harvard bởi những thành công vang dội với doanh nghiệp do Ritesh Agarwal lãnh đạo.

Bước ngoặt danh tiếng

Với tiêu đề "OYO: Creating Effective Spaces", Trường Kinh doanh Harvard danh tiếng đã chọn OYO làm ví dụ cho việc xây dựng một đế chế kinh doanh mới trong lĩnh vực có nhiều tên tuổi lớn thống trị suốt nhiều thập niên qua. Bài học này nói về hành trình, thách thức cũng như tăng trưởng của chuỗi khách sạn có tuổi đời chưa tới 10 năm với trụ sở chính tại Gurugram, bang Haryana, Ấn Độ.

Ở thời điểm hiện tại, OYO là chuỗi khách sạn lớn thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, nó được tạo ra bởi một chàng trai bỏ học đi theo nghiệp kinh doanh. Năm 19 tuổi, nhà sáng lập kiêm CEO của OYO, Ritesh Agarwal đã dành 3 tháng để du lịch khắp Ấn Độ. Mọi thứ đều tốt duy chỉ có điều kiện ăn ở là điều khiến Agarwal bị ám ảnh.

Khách sạn bẩn thỉu, cửa không thể đóng kín, sơn tường bong tróc, rệp, gián khắp phòng và phải hứng nước vào xô nhựa để lấy nước tắm là điều mà không chỉ Agarwal mà tất cả các lữ khách khác phải chịu khi sử dụng dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ ở Ấn Độ. Đó cũng là lý do OYO ra đời và làm thay đổi ngành dịch vụ khách sạn không chỉ ở Ấn Độ mà còn trên khắp thế giới.

Câu chuyện OYO: Từ chàng trai bỏ học đi lập nghiệp tới case study của trường Kinh doanh Harvard - Ảnh 1.

"Ở OYO, mọi người đều làm việc nhiệt tình và tận tâm với sứ mệnh của công ty. Chúng tôi vô cùng hạnh phúc và tự hào khi điều này giúp OYO được chọn trở thành bài học điển hình tại trường Kinh doanh Harvard danh tiếng", Abhinav Sinha, CEO phụ trách hoạt động kinh doanh của OYO trên toàn cầu, chia sẻ.

Ở thời điểm hiện tại, công ty khởi nghiệp mà Agarwal lập lên đang được định giá khoảng 10 tỷ USD. Trong 2 năm qua, SoftBank của tỷ phú Son Masayoshi đã đổ 1,6 tỷ USD tiền đầu tư vào OYO, startup được mệnh danh là Uber trong ngành khách sạn.

Hiện tại, OYO cấp vốn và đào tạo cho các chủ khách sạn, những người gia nhập vào mạng lưới với những tiêu chuẩn khắt khe nhằm đảm bảo trải nghiệm của khách. Ngoài ra, công nghệ khai thác dữ liệu độc quyền của OYO cũng giúp họ tối đa hóa doanh thu so với cách kinh doanh truyền thống. Đổi lại, OYO thu 20% doanh thu.

Việc mang lại lợi ích vượt trội cho các đối tác, trong đó tăng gấp nhiều lần số khách tới thuê phòng, khiến OYO có tốc độ mở rộng chóng mặt. Hiện nay, chuỗi khách sạn Ấn Độ đã có mặt ở 800 thành phố thuộc 80 quốc gia trên toàn thế giới. Riêng tại châu Á, tốc độ tăng trưởng của OYO trong vài năm qua được mô tả là vượt bậc.

Địa phương hóa để cạnh tranh

Bên cạnh việc mang sự chuẩn hóa tới các khách sạn gia nhập chuỗi, OYO cũng phải địa phương hóa nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc phát triển. Ngoài ra, địa phương hóa cũng giúp OYO tận dụng tốt nhất lợi thế về cả con người và thiên nhiên ở từng quốc gia để phát triển.

"Việc thích nghi với văn hóa bản địa là thách thức không nhỏ trong một ngành nghề mang đậm tính chất địa phương như khách sạn và lưu trú. Với OYO, chiến lược để vượt qua trở ngại đặc thù này là "địa phương hoá". Trong đó, mỗi quốc gia hoặc cụm khu vực của OYO sẽ được điều hành bởi một lãnh đạo có tư duy tự doanh, có quyền tự chủ hoàn toàn trong việc tạo nên "phiên bản địa phương" của OYO", lãnh đạo OYO chia sẻ.

Lấy ví dụ về Việt Nam, thị trường mà OYO cam kết đầu tư 50 triệu USD, cảnh quan thiên nhiên được xem là một trong những điểm mạnh nhất khi nói đến ngành du lịch. OYO địa phương hóa bằng các chính sách và quy trình phù hợp với ngăn ngừa, xử lý chất thải, xanh hóa nhiều hơn cũng như giảm tiêu hao năng lượng để làm giảm tới mức tối thiểu tác động đến môi trường.

Câu chuyện OYO: Từ chàng trai bỏ học đi lập nghiệp tới case study của trường Kinh doanh Harvard - Ảnh 2.

Ngoài địa phương hóa, những ưu thế vượt trội về mặt công nghệ, vận hành hệ thống cũng được OYO đem tới các nước mà họ kinh doanh. Được coi là ADN của toàn bộ hệ thống, công nghệ của OYO đã chứng minh hiệu quả trên toàn thế giới và cũng là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của startup Ấn Độ.

"Công nghệ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính và là lợi thế cạnh tranh của OYO. Bên cạnh đó, OYO đang sở hữu một kho ứng dụng độc quyền nội bộ, cung cấp hơn 20 ứng dụng cho các bên liên quan, bao gồm, người dùng, chủ khách sạn và nhân viên. Trải nghiệm ổn định hỗ trợ OYO mở rộng hệ thống của mình tốt hơn tại Ấn Độ, Trung Quốc và những thị trường khác.

AI và các công nghệ 4.0 cũng đã được áp dụng. Thậm chí, những căn phòng khách sạn thông minh với sự hiện diện của Amazon Echo, trợ lý ảo của Amazon, cũng đã được xây dựng. Xây dựng nguồn nhân lực theo hướng quy mô, bài bản cũng được triển khai để đáp ứng những đòi hỏi mới trong quá trình phát triển của OYO.

Theo Linh Anh

Cùng chuyên mục
XEM