Xiaomi bị cấm bán tại Ấn Độ vì cáo buộc vi phạm bản quyền
Việc bị cấm bán điện thoại tại Ấn Độ không chỉ ngăn cản tham vọng mở rộng tại một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới mà còn có thể là khởi đầu cho hàng loạt khó khăn sắp tới của “hạt gạo nhỏ” Xiaomi.
Tòa án Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm Xiaomi bán điện thoại của hãng tại nước này. Động thái này ngăn cản tham vọng mở rộng tại một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới và có thể đây sẽ là khởi đầu cho hàng loạt khó khăn sắp tới của “hạt gạo nhỏ” Xiaomi.
Xiaomi chỉ mới chính thức bán các dòng điện thoại của hãng tại Ấn Độ vào tháng 7 và nhanh chóng trở thành thương hiệu điện thoại phát triển nhanh nhất Ấn Độ. Với rất ít hoạt động tiếp thị, Xiaomi thậm chí bán chạy hơn cả mẫu điện thoại giá rẻ Android One của Google.
Hugo Barra – cựu lãnh đạo của Google hiện về đầu quân cho Xiaomi nói trong bài phỏng vấn với tờ Reuters vào tháng 11 rằng: Xiaomi đã phát triển rất mau lẹ tại Ấn Độ.
“Thật hơn cả mong đợi. Cộng đồng người tiêu dùng Ấn Độ thực sự rất cởi mở đón nhận chúng tôi”, ông nói.
Nguyên nhân dẫn đến lệnh cấm phát đi vào thứ 4 về việc ngừng bán sản phẩm là bởi nhà sản xuất thiết bị viễn thông Ericsson đưa đơn kiện lên tòa án với nội dung cáo buộc Xiaomi vi phạm bản quyền. Lệnh cấm này sẽ tồn tại đến ít nhất ngày 5/2 khi tòa án xét xử vụ việc này.
Gặp nhiều vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ
Nhiều nguồn tin thân cận với Xiaomi cho biết, các nhà lãnh đạo của hãng dù không công khai nhưng đã thừa nhận từ nhiều năm nay về lỗ hổng với các vấn đề liên quan tới sở hữu trí tuệ. Vấn đề này đặc biệt nguy hiểm hơn tại thị trường châu Âu chính vì vậy, nó ảnh hưởng rất lớn đến việc định hình chiến lược mở rộng của Xiaomi tại thị trường Ấn Độ và Đông Nam Á.
Xiaomi từng tuyên bố rằng: “Không hề dễ dàng” để xây dựng một danh mục bằng sáng chế khi còn là một công ty mới khởi nghiệp nhưng hãng nhắm mục tiêu đệ trình khoảng 8.000 ứng dụng trong năm 2016.
Tại quê nhà Trung Quốc, Xiaomi cũng gây tranh cãi với những công ty khác và hầu hết liên quan đến vấn đề bản quyền cho dịch vụ truyền hình trực tuyến.
Trong mảng kinh doanh điện thoại thông minh, dù đứng ở vị trí nhà cung cấp số 1 tại thị trường Trung Quốc và đang chờ đợi sẽ còn tiếp tục phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích dự đoán trong tương lai gần, công ty này sẽ phải hứng chịu áp lực cao hơn nữa tại quê nhà, đặc biệt kể từ khi đối thủ mạnh nhất của hãng là Huawei và ZTE Corp trở thành một trong số những nhà sở hữu bằng sáng chế hàng đầu tại quốc gia này.
Tốc độ phát triển chậm lại
Trước hết, lệnh cấm tại Ấn Độ hiển nhiên sẽ gây khó khăn đặc biệt với triển vọng phát triển của Xiaomi. Tại một quốc gia mà cứ 1 trong số 10 người sử dụng điện thoại thông minh thì tiềm năng tại đây thực sự rất rộng lớn. Thị trường này đã phát triển 82% trong quý 3 trong khi đó con số tương tự tại Trung Quốc chỉ ở mức tương đối khiêm tốn là 10,8% theo nghiên cứu của công ty IDC.
Barra đã đăng một thông điệp trên website của công ty vào ngày thứ 6 để trấn an các fan hâm mộ của hãng rằng: “Hãy yên tâm, chúng tôi đang làm mọi việc có thể để thay đổi tình thế. Mọi người chờ đợi để biết thêm các thông tin tiếp theo”.
Tại Trung Quốc, Xiaomi đã có doanh số bán hàng vượt cả Apple và Samsung riêng trong mảng điện thoại thông minh. Thậm chí, vào tháng 10 nó đã trở thành nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ 3 trên thế giới mặc dù tên tuổi của hãng vẫn rất ít được biết đến tại châu Á.
CEO Lei Jun trong buổi công bố tốc độ phát triển doanh số bán hàng của Xiaomi.
Không giống như Apple khi luôn giới thiệu 1 năm 1 dòng điện thoại iPhone mới, Xiaomi thường xuyên cập nhập các mẫu mã mới với số lượng nhỏ và được bán hết chỉ sau vài giây. Hãng cũng chỉ bán hàng trực tuyến và rất ít sử dụng các hình thức tiếp thị quảng cáo mà chủ yếu sử dụng sự truyền miệng của khách hàng để tạo dựng những mong chờ của người tiêu dùng với mỗi sản phẩm mới ra mắt.
Tại Ấn Độ, Xiaomi ban đầu nhập khẩu 10.000 thiết bị/tuần nhưng nhanh chóng tăng lên mức 60.000 – 100.000 để đáp ứng nhu cầu. Lãnh đạo Xiaomi tại Ấn Độ là Manu Jain chưa đưa ra bất cứ phản ứng và bình luận nào về ảnh hưởng kinh doanh của hãng sau khi lệnh cấm này được ban hành.
Rushabh Doshi, một chuyên gia phân tích tại công ty nghiên cứu Canalys ở Singapore cho biết: “Lệnh cấm sẽ tạo ra một khoảng trống trên thị trường nhưng nó sẽ nhanh chóng được lấp đầy bởi các nhà cung cấp trong nước và quốc tế vốn đang khao khát tăng thị phần của mình”.
Ngoài ra, vụ việc này cũng sẽ khiến các nhà sản xuất điện thoại thận trọng hơn với danh mục sở hữu trí tuệ hiện tại và thúc đẩy họ chi nhiền hơn cho mảng nghiên cứu và phát triển.
>> Tại sao Alibaba, Baidu và Xiaomi chỉ 'nổi' tại Trung Quốc?
Phương Linh