Vietnam Airlines có thể sẽ bán 20% cổ phần cho hãng hàng không Nhật Bản ANA

05/10/2015 09:55 AM | Kinh doanh

Một nguồn tin thân cận cho biết, ANA có thể sẽ đạt được thỏa thuận mua lại 20% cổ phần của Vietnam Airlines.

Tập đoàn ANA của Nhật Bản đang có ý định củng cố vị thế tại thị trường hàng không phát triển nhanh bậc nhất thế giới là châu Á với kế hoạch mua cổ phần chiến lược của Vietnam Airlines – hãng hàng không quốc gia Việt Nam.

Shinichiro Ito – chủ tịch ANA nói rằng công ty đang trong quá trình thảo luận với “hàng loạt hãng vận chuyển” như một phần nỗ lực mở rộng hoạt động ra toàn cầu và tìm đồng minh tại thị trường châu Á. Ông Ito cho rằng sự củng cố vị thế là vấn đề đặc biệt cần thiết trong thị trường hàng không giá rẻ ở châu Á – nơi có quá nhiều đối thủ cạnh tranh.

Thực tế ANA Holdings đã nhắm đến việc đầu tư vào thị trường hàng không Đông Nam Á trong nhiều năm sau khi huy động thêm vốn lên 1,4 tỷ USD trong năm 2012. Tuy nhiên, nhiều cuộc đàm phán đã diễn ra và vẫn chưa có bất kỳ thỏa thuận nào được công bố.

Năm ngoái, ANA cũng bị tuột mất thương vụ chi 25 triệu USD để mua 49% cổ phần tại hãng hàng không Asian Wing của Myanmar.

Ông Ito nói rằng số lượng những hãng vận chuyện thuộc sở hữu một phần hoặc toàn bộ của nhà nước khiến kế hoạch đầu tư, mở rộng hoạt động ra nước ngoài của hãng trở nên khó khăn hơn tại châu Á so với châu Âu và Mỹ.

“Thỏa thuận gần như không thể xảy ra. Bởi vậy, thay vì mua toàn bộ một công ty, chúng tôi sẽ nắm giữ lượng cổ phần nhỏ tại nhiều hãng và từ đó tạo ra mạng lưới hợp lực chung”, ông nói.

Chiến lược của ANA được cho là gần giống với hãng hàng không Vùng vịnh Etihad đã thực hiện trước đó. Chuyên gia phân tích Ryota Himeno của Barclay dự đoán rằng sự hợp nhất giữa các hãng hàng không châu Á có thể xảy ra trong 5 năm tới.

“Khi những hãng hàng không giá rẻ ngày càng nắm thị phần nhiều hơn, những hãng hàng không lớn sẽ chịu áp lực và hợp nhất là điều dễ xảy ra. ANA đang rất thận trọng với những cơ hội này”. Ông nói thêm rằng, hãng hàng không của mình có thể đóng vai trò quan trọng trong việc cải tổ ngành công nghiệp hàng không bởi lợi thế nắm trong tay nhiều tiền mặt của mình.

Thực tế Vietnam Airlines cũng đang tìm kiếm đối tác chiến lược để giúp hoạt động của hãng được mở rộng. Năm ngoái, Vietnam Airlines đã chính thức IPO và bán ra 5% cổ phần. Một nguồn tin thân cận cho biết, ANA có thể sẽ mua 20% cổ phần của Vietnam Airlines.

Từ trước tới nay, Việt Nam luôn là một thị trường thu hút các công ty Nhật Bản, nhất là khi họ muốn giảm sự hiện diện tại Trung Quốc. Số liệu cho thấy, đầu tư trực tiếp bởi các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam đã tăng gấp 3 lên mức 9 tỷ USD từ năm 2011 – 2014 so với 4 năm trước đó. Aeon, nhà bán lẻ lớn nhất Nhật Bản cũng đã mở 2 trung tâm thương mại lớn tại Việt Nam vào năm ngoái.

Tuy nhiên, theo ông Himeno đầu tư trực tiếp vào các hãng hàng không châu Á lại chưa tăng mạnh như vậy. Và chính điều này đã tạo ra tiềm năng cho ANA tiến tới thỏa thuận với Vietnam Airlines để đảm bảo cho kế hoạch mở rộng của mình.

Hưởng lợi từ giá dầu giảm và lượng khách du lịch Trung Quốc tới Nhật Bản ngày một nhiều đã khiến áp lực cấp thiết của ANA theo đuổi các thương vụ mua bán, sáp nhập ở nước ngoài dịu bớt.

Tuy nhiên, hãng này lại đang có kế hoạch mở rộng hoạt động dịch vụ quốc tế khi ra mắt đường bay mới nối Tokyo với Houston (Mỹ) vào tháng 7. Họ cũng có kế hoạch tăng gấp đôi tần suất chuyến bay đến Bắc Kinh và Thượng Hải cũng như mở một đường bay mới từ sân bay Haneda tới Quảng Châu vào tháng 10.

Mùa hè này, ANA cũng đánh bại Delta Airlines của Mỹ để mua 16,5% cổ phần tại hãng hàng không giá rẻ đang gặp khó khăn của Nhật Bản là Skymark.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM