Vietnam Airlines giảm dần vốn vay có bảo lãnh của Chính phủ

05/08/2015 08:56 AM |

Riêng trong năm 2015, Vietnam Airlines huy động được 138,5 triệu USD vốn vay thương mại không bảo lãnh, bằng 16,7% tổng số vốn huy động đầu tư đội tàu bay.

Đây là khẳng định của Chủ tịch HĐQT TCT Hàng không VN (Vietnam Airlines) Phạm Viết Thanh trong buổi làm việc do Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì sáng qua (4/8) về bảo lãnh bộ hợp đồng thuê mua bốn tàu bay Boeing B787-9 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Giảm dần bảo lãnh sau cổ phần hoá

Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Phạm Viết Thanh cho biết, hoạt động đầu tư máy bay chiếm 90% tỷ trọng đầu tư của Vietnam Airlines và đã được triển khai từ trước năm 2010.

Theo ông Thanh, Vietnam Airlines đã chủ động rà soát tất cả các hoạt động đầu tư, trong đó, với đầu tư máy bay, Vietnam Airlines dự kiến bán và thuê lại ba tàu bay A350 giai đoạn 2016 - 2017 (có thể tăng thêm hai tàu bay A350 giai đoạn 2018 - 2020). “Khi đó, tỷ lệ tàu bay sở hữu sẽ giảm từ 60% xuống còn gần 50% để vẫn bảo đảm tính chủ động trong điều hành nguồn lực tàu bay cũng như bảo đảm về khả năng cân đối dòng tiền và an toàn tài chính doanh nghiệp”.

Được biết, đảm bảo duy trì đội tàu bay trẻ, công nghệ hiện đại, Vietnam Airlines đã triển khai bán thành công hai tàu bay Fokker 70 và đang bán ba tàu bay ATR72, đồng thời xây dựng phương án bán bốn tàu bay Boeing 777.

Khẳng định từ cuối năm 2011, Vietnam Airlines đã bắt đầu thực hiện huy động vốn vay thương mại trong nước để giảm dần quy mô vay vốn có bảo lãnh Chính phủ, ông Thanh cho biết, tính tổng giai đoạn 2011 - 2014, DN này đã huy động được 178 triệu USD vốn vay thương mại trong nước không bảo lãnh, tương đương 12,4% tổng vốn huy động đầu tư đội tàu bay, tăng mạnh so với con số 2,5% của giai đoạn 2006 - 2010.

“Riêng trong năm 2015, Vietnam Airlines huy động được 138,5 triệu USD vốn vay thương mại không bảo lãnh, bằng 16,7% tổng số vốn huy động đầu tư đội tàu bay”, ông Thanh nói và cho biết thêm.

Cùng với việc thực hiện giải pháp bán và thuê lại ba tàu bay A350, dự kiến nhu cầu vay vốn có bảo lãnh Chính phủ sẽ giảm khoảng 450 triệu USD giai đoạn 2016 - 2020.

Tổng nguồn vốn vay không có bảo lãnh của Tổng công ty cho cả 2 giai đoạn từ 2011 - 2020 dự tính sẽ đạt 599,8 triệu USD, tương đương 15,6% tổng nhu cầu vay vốn đầu tư đội tàu bay.

Có thể thấy, tổng nguồn vay có bảo lãnh của Chính phủ của Vietnam Airlines đã và đang giảm dần. Cụ thể, so với phương án đầu tư đội tàu bay đã được Chính phủ phê duyệt, tỷ lệ vay có bảo lãnh của Chính phủ giảm từ 97,5% giai đoạn 2006 - 2010 xuống mức 86%, giai đoạn 2011 - 2015 và tiếp tục giảm xuống mức 82% giai đoạn 2016 - 2020.

Đảm bảo cân đối dòng tiền và khả năng trả nợ

Hoan nghênh Vietnam Airlines đã chủ động trong việc triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1190 về việc bảo lãnh bộ hợp đồng thuê mua bốn tàu bay Boeing B787-9, Bộ trưởng Đinh La Thăng đồng tình với báo cáo của Tổng công ty mà theo đánh giá của Bộ trưởng là “đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ cũng như các giải pháp tương đối khả thi”.

Bộ trưởng yêu cầu Vietnam Airlines tính toán, cập nhật lại số liệu cho phù hợp, trong đó, đặc biệt lưu ý đến chỉ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng giao Vụ Quản lý doanh nghiệp thống nhất lại với Vietnam Airlines, có văn bản chính thức để trình Thủ tướng Chính phủ về các nội dung liên quan đến chỉ đạo của Thủ tướng tại Văn bản 1190.

Vụ KH&ĐT làm thủ tục phê duyệt kế hoạch phát triển 5 năm của Tổng công ty theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là giãn được tiến độ đầu tư, đảm bảo cân đối dòng tiền và khả năng trả nợ. Vụ Quản lý doanh nghiệp tăng cường giám sát tình hình đầu tư và tài chính của Vietnam Airlines để đảm bảo quản lý rủi ro theo quy định Chính phủ và thực hiện theo đúng quy chế giám sát tài chính.

Về phía Vietnam Airlines, Bộ trưởng nhấn mạnh cần khẩn trương đàm phán với các nhà đầu tư để lựa chọn cổ đông chiến lược. Cố gắng làm sao đưa vốn Nhà nước xuống còn 65%. Tập trung nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. “Cổ phần hóa là phải thay đổi được bản chất. Cùng với đó cần đẩy mạnh thoái vốn và tập trung cho sản xuất của kinh doanh”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đồng tình với các phương thức huy động vốn khác của Vietnam Airlines, Bộ trưởng lưu ý từng thời điểm phải cân nhắc các phương thức phù hợp. “Tôi cho rằng tốt nhất là khi chúng ta đã cổ phần hoá xong, cần tính toán niêm yết trên sàn chứng khoán để huy động vốn, phục vụ mục đích đầu tư phát triển”, Bộ trưởng gợi ý.

Theo Thanh Bình

Cùng chuyên mục
XEM