Vietjet khát “mảnh đất cắm dùi”
Vietjet đang là hãng hàng không duy nhất mà toàn bộ các dịch vụ cung ứng tại các cảng hàng không đều không do hãng tự cung cấp.
Đăng đàn tại hội thảo về xã hội hóa đầu tư hàng không tuần này, đã có lúc ông Nguyễn Đức Tâm, Phó tổng giám đốc Vietjet Air khiến nhiều cử tọa phải bật cười.
Đó là khi ông nói về mong muốn có một “mảnh đất cắm dùi” tại các sân bay của hãng hàng không này.
Dịch vụ phải thuê 100%
Sau 3 năm cất cánh, Vietjet đã trở thành một hãng hàng không có 23 máy bay và đang hoạt động với khoảng 150 chuyến bay hàng ngày.
Thành quả này được vị Phó tổng giám đốc mô tả là “một điều dường như không thể trong một cơ chế độc quyền nhà nước nặng nề”.
Vận hành một hãng hàng không với 23 máy bay trong khi 100% dịch vụ mặt đất đều phụ thuộc khiến ông Tâm liên tưởng tới cách nói dân gian “không một tấc đất cắm dùi”. Và ông nói, đó là động lực để Vietjet muốn được tiên phong tham gia xã hội hóa các sân bay.
Cho đến nay, Vietjet đã hai lần gửi đề xuất lên Bộ Giao thông Vận tải về việc xin khai thác nhà ga T1 sân bay Nội Bài. Cho dù ngay sau khi Vietjet có đề xuất thì “anh cả đỏ” Vietnam Airlines cũng đưa ra đề xuất tương tự, dễ thấy nhu cầu của Vietjet là có thật.
Ông Tâm thừa nhận, cho tới nay Vietjet đang là hãng hàng không duy nhất mà toàn bộ các dịch vụ cung ứng tại các cảng hàng không đều không do hãng tự cung cấp.
Vậy nếu được phép tham gia lĩnh vực này, Vietjet sẽ làm gì? Trong phương án xin nhượng quyền khai thác đã gửi lên Bộ Giao thông Vận tải, hãng này đã nhấn mạnh đến mong muốn hợp tác, liên minh liên kết với các đơn vị hoạt động trong ngành hàng không, nhất là các doanh nghiệp cảng hàng không và các hãng hàng không để cùng xây dựng và phát triển ngành.
“Chúng tôi không lo vấn đề xung đột lợi ích. Hợp tác và sử dụng dịch vụ chung giữa các hãng hàng không, giữa các doanh nghiệp hoạt động hàng không, hình thành các liên minh, liên kết, liên danh đang là xu hướng mạnh mẽ trên thị trường hàng không quốc tế”, ông Tâm khẳng định.
Thực tế trong thời gian qua Vietjet đã sử dụng nhiều dịch vụ của hãng hàng không quốc gia như xăng dầu, mặt đất, suất ăn, dịch vụ kỹ thuật. Tuy có gặp một số vấn đề của cơ chế nhà nước, nhưng theo ông Tâm đó không phải là những điểm trọng yếu.
“Những quan ngại về độc quyền, cạnh tranh đề có thể giải quyết bằng các quy định, những chuẩn mực chặt chẽ mà Cục Hàng không, Bộ Giao thông Vận tải đang xây dựng. Ví dụ, slot cho các hãng hàng không là do hội đồng của Cục cấp, không có hãng hàng không nào có quyền quyết định; trong khi đơn giá thu phí, dịch vụ tại sân bay, nhà ga do Bộ Tài chính quy định, không doanh nghiệp nào có thể độc quyền về giá”, ông nói.
Lợi ích xã hội hóa
Năm nay, Vietjet đã nhận 5 chiếc máy bay đầu tiên của hợp đồng với Airbus mà hoàn toàn không có bảo lãnh hay cấp vốn của Chính phủ.
Hãng cũng đã ra mắt liên doanh Thai Vietjet và công ty Vietjet Cargo, phủ rộng mạng bay trong nước và mở thêm nhiều đường bay quốc tế đến Thái Lan, Singapore, Campuchia, Hàn Quốc, Đài Loan…
Mặc dù Nhà nước không phải đầu tư vốn, nhưng năm 2014 doanh thu hãng đạt trên 8100 tỉ đồng, nộp ngân sách và thu hộ các lệ phí đạt trên 1400 tỉ đồng.
Nhưng, sự có mặt của Vietjet cũng trở thành thách thức cho bức tranh hàng không vốn đã nhuốm màu độc quyền nhiều năm.
Về hạ tầng hàng không trong khu vực, ông Tâm nói rằng với 21 sân bay thương mại, Việt Nam đang đứng sau Malaysia (38 sân bay, 30 triệu dân), Thái Lan (38 sân bay, 68 triệu dân), Philippines (85 sân bay, 98 triệu dân), Indonesia (245 sân bay, 250 triệu dân).
“Rõ ràng là nhu cầu mở rộng, nâng cấp, xây mới các nhà ga sân bay đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, để đáp ứng được tốc độ tăng nhu cầu vận chuyển của người dân mà ngân sách nhà nước không thể tiếp tục bao cấp. Xã hội hóa sẽ thúc đẩy ngành hàng không phát triển nhanh chóng, vừa thu lại vốn đầu tư của nhà nước, vừa hình thành được hạ tầng hàng không hiện đại, vừa tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh hạ tầng”, ông nói.
Bên cạnh kinh doanh vận tải hàng không và thúc đẩy du lịch, Vietjet hiện đang đặt ra các mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài vào sản xuất linh kiện máy bay và hàng không vũ trụ vào các khu công nghiệp của Việt Nam; thu hút các hoạt động đầu tư nước ngoài vào các cơ sở bảo dưỡng kỹ thuật máy bay, cơ sở đào tạo…
“Mọi việc đang diễn biến thuận lợi và tích cực”, ông Tâm nói.
>> [Q&A] Muốn mua nhà ga T1, VietJet đang ấp ủ tham vọng gì?
Theo Anh Minh