Vì sao nhiều người Việt đổ xô đi bán thực phẩm chức năng?
Theo báo cáo của Nielsen, sau tình hình kinh tế chung, hóa đơn chi trả thiết yếu hàng ngày, độ ổn định công việc, tăng giá thực phẩm thì sức khỏe là mối quan tâm tiếp theo của người Việt Nam.
Người Việt ngày càng chuộng thực phẩm chức năng
Chỉ cần vào Google gõ cụm từ “thực phẩm chức năng”, trong vòng 0,43 giây bạn sẽ nhận được hơn 1,3 triệu kết quả, tràn ngập các đường link quảng cáo với đủ chủng loại, công dụng lẫn nguồn gốc nhập khẩu.
Không những vậy, các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng cũng tăng cường hiện diện trên các phương tiện truyền thông như quảng cáo vào các khung giờ vàng hay tài trợ cho các chương trình game show.
Việc đầu tư mạnh vào quảng cáo cho thấy ngành kinh doanh này tại Việt Nam đang có tiềm năng vô cùng lớn. Theo PGS.TS Trần Đáng, chủ tịch Hiệp hội thực phẩn chức năng Việt Nam chỉ riêng giá trị xuất khẩu mặt hàng này đã đạt khoảng 1 triệu USD/năm và thị trường trong nước không ngừng mở rộng với tốc độ khoảng 9-10%/năm.
Theo nghiên cứu của IndustryARC, thị trường thực phẩm chức năng toàn cầu ước tính đặt khoảng 168 tỷ USD, quy mô trên 305 tỷ USD đến năm 2020 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 8,5%.
Mỹ và Nhật Bản là hai thị trường lớn trong ngành này, tiếp theo là châu Á Thái Bình Dương và châu Âu. Sự phát triển của thị trường thực phẩm chức năng xuất phát từ xu hướng xã hội ngày càng quan tâm tới việc phòng ngừa các bệnh liên quan tới sức khỏe nhiều hơn trước.
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Một kết quả nghiên cứu thị trường của Euromonitor cho thấy thị trường thực phẩm chức năng Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh với tốc độ trên 20%/năm trong những năm tới.
Tại châu Á cũng như Việt Nam, lối sống hiện đại hiện nay gây ra nhiều tác động đến sức khỏe từ việc tiêu thụ đồ ăn nhanh, thuốc lá đến thói quen uống rượu bia. Trong khi những thực phẩm này không tốt cho sức khỏe, gia tăng các bệnh liên quan đến huyết áp, tiểu đường, béo phì hay tim mạch.
Bên cạnh đó nhóm dân số có thu nhập trung bình trở lên ngày càng gia tăng cũng là động lực tăng trưởng cho ngành thực phẩm chức năng bởi nhu cầu quan tâm chăm sóc sức khỏe cũng như khả năng chi trả.
Theo báo cáo của Nielsen năm 2013, sau tình hình kinh tế chung, hóa đơn chi trả thiết yếu hàng ngày, độ ổn định công việc, tăng giá thực phẩm thì sức khỏe là mối quan tâm tiếp theo của người Việt Nam.
Miếng bánh hấp dẫn cho các doanh nghiệp
Nếu như năm 2010 doanh nghiệp nội chiếm hơn 66% thị phần thị trường thực phẩm chức năng thì đến nay phần lớn nằm trong tay doanh nghiệp ngoại như Amway, Tiens Vietnam, Herbalife, Unicity Vietnam, Synergy, Aloe Trading,…
Với sức hấp dẫn từ thị trường Việt Nam, các công ty thực phẩm chức năng lớn trên thế giới lẫn doanh nghiệp trong nước ra sức đầu tư nhà máy, tăng cường quảng cáo nhằm củng cố vị trí, gia tăng thị phần.
Ví dụ như Amway, sau 5 năm gia nhập thị trường Việt Nam kể từ 2008 đã đạt doanh số gần 90 triệu USD. Năm 2014, công ty này tiếp tục khởi công nhà máy sản xuất thứ 2 tại Việt Nam.
Một tên tuổi khác là Herbalife đặt chân đến Việt Nam năm 2009 và nhanh chóng xây dựng mạng lưới bán hàng trải rộng cả nước với tốc độ 50%/năm. Việt Nam đứng vị trí 16 trong bảng xếp hạng toàn câu của tập đoàn này về chỉ số kinh doanh.
Hay như Nuskin mới vào gia nhập từ năm 2013, nhưng với danh mục khoảng 20 sản phẩm chống lão hóa và 5 sản phẩm thực phẩm chức năng, doanh thu của hãng này tăng trưởng 30-50%. Bà Pakapin Leevutinun, Chủ tịch điều hành Nuskin Thái Lan và Việt Nam từng khẳng định đạt doanh thu 15 triệu USD tại thị trường Việt Nam trong năm 2013.
Những công ty dược phẩm trong nước như CTCP dược Hậu Giang, Traphaco, Hoa Thiên Phú, Nam Dược, Sao Thái Dương,… cũng không bỏ qua thị trường này khi đầu tư xây dựng vùng trồng nguyên liệu, nhà máy, sản xuất từ sản phẩm chăm sóc sức khỏe theo hướng đông dược.
Trăm hoa đua nở ‘lộn xộn’
Thị trường tiềm năng kéo theo sự phát triển bùng nổ của các doanh nghiệp sản xuất cũng như kinh doanh thực phẩm chức năng.
Việc kinh doanh tràn lan khiến tình trạng hàng giả, hàng nhái trở nên phổ biến kèm theo đó là những lời quảng cáo đánh bóng quá mức về công dụng của sản phẩm mặc dù quy định của nhà nước buộc phải ghi rõ “Sản phẩm không phải là thuốc”.
Một báo cáo năm 2014 của Moore cho biết kết quả điều tra của Cục an toàn thực phẩm năm 2011 cho thấy cứ 10 quảng cáo về thực phẩm chức năng trên truyền hình thì 2 quảng cáo chưa có giấy phép, cứ 10 quảng cáo đã có giấy phếp nhưng có 5 quảng cáo còn sai về nội dung so với công bố tiêu chuẩn.
Theo khảo sát của một tờ báo, nguồn tham khảo phổ biến của người tiêu dùng tại Tp.HCM và Hà Nội chủ yếu thông qua giới thiệu của bạn bè, người thân trong gia đình (52%), tiếp theo là lời khuyên từ bác sĩ, dược sĩ (43%).
Do đó kênh bán hàng đa cấp thực phẩm chức năng luôn được các doanh nghiệp nước ngoài ưu tiên hàng đầu tại Việt Nam. Chính điều này khiến người tiêu dùng khó kiểm định về chất lượng sản phẩm khi các doanh nghiệp cạnh tranh về hoa hồng để quảng cáo, tăng doanh thu.
Trong số những địa điểm mua hàng, nhà thuốc/cửa hiệu thuốc tây là nơi được người tiêu dùng tại 2 thành phố lớn là Tp.HCM và Hà Nội lựa chọn đầu tiên.