Vì sao năm 2014 người châu Á đổ xô đến du lịch Nhật?
Sự bùng nổ du lịch tại Nhật Bản bắt đầu từ đầu năm ngoái và đạt được kết quả vượt qua tất cả những gì chính phủ nước này dám hy vọng.
Nội dung nổi bật:
- Nhật Bản đang đón nhận sự bùng nổ du lịch khi đón trên 13 triệu lượt khách nước ngoài trong năm 2014.
- Kết quả này một phần nhờ chính sách nới lỏng tiền tệ, giảm giá đồng yen của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.
Sự bùng nổ du lịch tại Nhật Bản bắt đầu từ đầu năm ngoái và đạt được kết quả vượt qua tất cả những gì chính phủ nước này dám hy vọng. Trên 13 triệu lượt khách nước ngoài (trong đó 11 triệu người ở châu Á) đã tới Nhật Bản trong năm 2014. Con số này tăng gần 30% so với năm trước đó và gần gấp đôi so với năm 2010. Riêng lượng khách Trung Quốc đến đây cũng đã tăng hơn 4/5 kể từ năm 2013. Đặc biệt vào tuần lễ nghỉ tết Nguyên đán vừa qua, đã có 450.000 khách Trung Quốc tới Nhật Bản.
Một động cơ lớn thúc đẩy bùng nổ kể trên là do sự suy yếu của đồng yen trước chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng trung ương Nhật Bản. Đồng tiền này đã giảm tới gần 2/5 giá trị so với đồng NDT.
Năm 2014, lượng khách du lịch nước ngoài đến Nhật Bản đã tiêu gần 2 nghìn tỷ yên (tương đương 18,9 tỷ USD), tức là gần gấp đôi so với năm 2012. Đây có thể là kết quả của chính sách kinh tế Abenomic do thủ tướng Shinzo Abe khởi xướng nhằm thúc đẩy nền kinh tế thông qua việc nới lỏng tiền tệ. Từng khét tiếng là nơi có giá cả đắt đỏ, Nhật Bản hiện tại rẻ hơn một cách bất ngờ. Song Yuanyin, một du khách Trung Quốc cho hay, hàng hóa tại Nhật nay còn rẻ hơn so với Thượng Hải.
Lượng khách đến Nhật Bản tăng đột biến trong 1 năm trở lại đây.
Chính sách nới lỏng visa cũng giúp thúc đẩy du lịch ra nước ngoài. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang thích nghi với hoàn cảnh. Nhiều khách sạn có thiết kế cổ điển ở Nhật đang được cải thiện để đáp ứng nhu cầu khách nước ngoài. Đa số chúng đều thu hút du khách bởi thiết kế cổ điển và giá rẻ. Michi no eki – khu nghỉ dưỡng thuộc quản lý của chính phủ thậm chí còn thiết kế cả nhà hàng, cửa hiệu mua sắm và suối nước nóng nhằm phục vụ các du khách đến từ châu Á.
Bản thân người Nhật từng bị chỉ trích vì có những hành động không đẹp tại một số điểm du lịch ở châu Âu. Tuy nhiên hiện tại, rất nhiều người Nhật Bản lại phàn nàn tương tự về những vị khách châu Á.
Hàn Quốc là một ví dụ. Theo lời của Kazuchi Komatsuzaki – quản lý cửa hàng quần áo nam tại Daikanyama thì người Hàn luôn yêu cầu giảm giá khi mua.
Trung Quốc là một minh họa khác. Một vị quản lý cửa hàng quần áo khác nói rằng, khách Trung Quốc luôn mua 30 sản phẩm cùng lúc và vừa ăn vừa tìm và chọn sản phẩm.
Nhiều nhân viên tại suối nước nóng thì tố khách du lịch luôn làm trái những quy tắc truyền thống của Nhật Bản, đặc biệt là người Trung Quốc. Một số khách Trung Quốc không tráng qua người mà tắm luôn khi đang mặc quần áo, thậm chí họ còn cố tạo ra bong bóng bằng cách pha xà phòng. Tại Kyoto, khách Trung Quốc còn bị bắt gặp rung cây hoa anh đào để… tạo cảnh hoa rơi.
Tuy nhiên, tất cả những phàn nàn này đều có giá của nó. Mỗi khách du lịch nước ngoài đến Nhật Bản đã tiêu trung bình 130.000 yen. Bên cạnh đó, các khách du lịch dường như về nhà với nhiều món quà lưu niệm hơn, vali chật hơn và chụp hình nhiều hơn.
Zeng Yang – đến từ Thẩm Quyến, Trung Quốc nói rằng, cô cực kỳ thích không khí trong lành ở Nhật Bản. Với những người Trung Quốc thăm Hakone, bầu trời trong xanh và môi trường cổ kính tại Nhật tạo ra một ấn tượng vô cùng mạnh mẽ đối với họ. Hong Kongers thậm chí còn mua cả vali rau và hoa quả sạch để mang về Trung Quốc sau chuyến du lịch tới vùng Naha, Okinawa.
Thậm chí, Sina Weibe – một mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc còn lập một trang blog với tiêu đề “lòng tốt thật sự” làm nơi chia sẻ cho những tín đồ du lịch Nhật Bản.
>> "Cháy vé" du lịch hè Nhật Bản
Vân Đàm