Vì sao doanh nghiệp đường trong nước "sợ" đường của HAGL?
30.000 tấn đường mà Đường Biên Hòa mua của HAGL không lớn. Vấn đề ở chỗ đường của ông Đức quá rẻ. Nó như giọt nước làm tràn ly, phản ánh sự yếu kém của các DN đường trong nước
Nội dung nổi bật:
Việc Bộ Công thương – cơ quan quản lý và cấp hạn ngạch xuất – nhập khẩu đường nhanh chóng đồng ý cho Đường Biên Hòa nhập đường của HAGL cho thấy nhiều vấn đề:
- Bộ Công thương đã quá chán "bài ca than thở" mà Hiệp hội mía đường (VSSA) cất lên mỗi năm. Năm nào VSSA cũng than lỗ, tồn kho gấp mấy lần con số dự tính.
- Chính sách bảo hộ từ mục đích ban đầu đem lại lợi ích cho đất nước, cuối cùng lại đem lại lợi ích cho những doanh nghiệp độc quyền. Người nông dân dần từ bỏ cây mía vì không mang lại lợi nhuận.
- 30.000 tấn đường mà Đường Biên Hòa mua của HAGL không lớn. Vấn đề ở chỗ đường của ông Đức quá rẻ. Trong khi đó, các DN mía đường trong nước được bao cấp quá kỹ, chi phí ngày càng lớn còn chất lượng thì ngày càng thua sút khu vực.
Mới đây, việc đường Biên Hòa có đơn xin nhập 30.000 tấn đường của HAGL từ Lào đã bị Hiệp hội Mía đường (VSSA) ra sức phản đối. Tuy nhiên, Bộ Công thương – cơ quan quản lý và cấp hạn ngạch xuất – nhập khẩu đường lại công khai đồng tình.
Trong số 4 Bộ chịu trách nhiệm (bao gồm Bộ Công thương, Bộ tài Chính, Bộ NN&PT và Bộ Ngoại giao), Bộ Công thương nêu rõ "cho phép Công ty cổ phần Đường Biên Hòa được xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Bản Vược (Lào Cai). Đường được sản xuất, gia công từ nguồn đường thô nhập khẩu của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai sản xuất tại Át-ta-pư, Lào.
Bộ Công thương nhanh chóng bật đèn xanh cho Đường Biên Hòa và HAGL
Sự đối lập giữa Bộ Công thương và VSSA không phải là chuyện mới. Những năm gần đây, Bộ Công thương đã “chán” phải nghe bài ca than thở của Hiệp hội mía đường (VSSA).
Còn nhớ đầu năm 2011, khi nguồn cầu chậm, đường trong nước bị tồn kho tới nửa triệu tấn, các doanh nghiệp kiến nghị cho giãn nhập khẩu đường theo hạn ngạch để ổn định thị trường. Bộ Công thương lúc đó đã nhượng bộ và chấp nhận yêu cầu đề ra, để rồi cuối năm 2011, các công ty đường thi nhau ăn mừng lãi to.
Tới năm 2012, Bộ NN&PT Nông thôn dự báo sẽ tồn kho khoảng 70.000 tấn đường, Hiệp hội lại tính ra tồn kho tới tận 300.000 tấn, rồi thì đường Thái Lan lại được mùa, khiến DN trong nước phải cạnh tranh với đường nhập lậu. Thế là Hiệp hội lại kiến nghị Bộ Công thương cho xuất khẩu 250.000 tấn đường, đồng thời có chính sách hỗ trợ vốn, lãi suất mua tạm trữ 200.000 tấn đường trong sáu tháng.
Sang năm nay cũng vậy, câu chuyện cứ lặp lại, dự kiến cuối năm ngành đường sẽ dư thừa 300.000 tấn. Dường như không có năm nào các DN đường không gặp khó, mà cái sau lúc nào cũng khó hơn cái trước.
Đây là điểm lạ bởi mía đường là mặt hàng nhạy cảm được Chính phủ bảo hộ. Hiện thuế suất nhập khẩu cho mặt hàng đường đang được đánh khá cao, đường thô là 25%, các loại đường khác là 40%. Kết quả là các DN đường trong nước có quyền bán với giá đắt, bất chấp chất lượng thấp hơn so với khu vực và đường tồn kho thì ngày một tăng.
Trong khi đó, người nông dân – những người đáng lẽ phải được hưởng lợi nhất từ chính sách bảo hộ, lại cho thấy điều ngược lại. Sau chu kỳ đạt đỉnh của cây mía, bắt đầu từ năm 2008, lợi nhuận ngành mía đường bắt đầu giảm dần. Để giảm chi phí, các nhà máy tiến hành thu mua mía nguyên liệu từ nông dân với giá thấp hơn. Nông dân bỏ sang trông cây khác, diện tích trồng mía liên tục giảm.
Người nông dân lại là đối tượng ít được hưởng lợi từ chính sách bảo hộ cây mía
Bảo hộ từ mục đích ban đầu đem lại lợi ích cho đất nước, cuối cùng lại đem lại lợi ích cho những doanh nghiệp độc quyền. Vì thế, việc Bộ Công Thương bỏ ngoài tai tiếng than vãn của VSSA không chỉ giúp HAGL, vốn đang “tắc” đầu ra cho cây mía, mà còn có thể coi là sự “răn đe” giành cho những “đứa con” đang được nuông chiều quá đáng.
Trên thực tế, con số 30.000 tấn đường mà Đường Biên Hòa tính nhập của HAGL không lớn. Riêng 9 tháng đầu năm 2013, Bộ Công thương đã cho phép các DN trong nước xuất sang Trung Quốc hơn 200.000 tấn đường để giảm hàng tồn kho.
Việc “làm khó cho hàng triệu người nông dân” mà Hiệp hội nói cũng thiếu chính xác. Đường Biên Hòa chuyên sản xuất đường tinh luyện, sản lượng sản xuất từ các nhà máy không đủ nên Đường Biên Hòa từ lâu vẫn phải nhập từ các DN đường khác, trong đó có cả DN nước ngoài.
Cụ thể, Đường Biên Hòa còn mua đường thô nhập khẩu từ các tập đoàn đa quốc gia lớn trong lĩnh vực nông nghiệp như Cargill hay Olam International. Vì vậy, việc chuyển qua nhập đường thô do HAGL sản xuất không phải là vấn đề gì mới mẻ, thậm chí có thể nói là tốt hơn vì xét cho cùng, HAGL cũng là một DN “nội”, việc mua đường từ HAGL không những ích nước, lợi nhà, mà còn tăng cường tình thâm giao giữa Việt Nam và nước bạn Lào. Vấn đề duy nhất còn lại ở đây đó là lo ngại liệu Đường Biên Hòa có thực sự xuất được hết đường sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch không, hay lại phải để lại trong nước.
Chỉ 30.000 tấn đường mà các doanh nghiệp đã lo sốt vó, cho thấy năng lực cạnh tranh yếu kém của các doanh nghiệp trong ngành. Các DN đường phản đối chưa chắc vì số lượng, mà vì đường của ông Đức quá rẻ. Cùng một đồng doanh thu, mía đường HAGL lãi gấp 3-4 lần doanh nghiệp trong nước. Một phần là nhờ những chính sách ưu đãi của Lào, nhưng một phần không nhỏ khác là việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, đem về năng suất cao hơn nhiều lần.
Chịu đầu tư, đường của HAGL có tỉ suất lợi nhuận cao hơn nhiều so với các DN trong nước
Trong khi đó, các DN mía đường trong nước được bao cấp quá kỹ làm cho các nhà máy ỷ lại không mạnh dạn đổi mới, tiết giảm giá thành khiến chi phí ngày càng lớn nhưng chất lượng lại thua các nước trong khu vực.
Vụ HAGL chỉ giống như giọt nước tràn ly, cho thấy sự yếu kém và phụ thuộc vào cơ chế độc quyền của các doanh nghiệp ngành đường.
Trang Lam
Theo Trí Thức Trẻ
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!
http://ttvn.toquoc.vn/search.htm?keyword=V%C3%AC+sao+doanh+nghi%E1%BB%87p+%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng+trong+n%C6%B0%E1%BB%9Bc+%22s%E1%BB%A3%22+%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng+c%E1%BB%A7a+HAGL%3F