Vì sao các dự án tỷ đô "chê" các khu công nghiệp Hà Nội
Kế hoạch thu hút 200 triệu USD vốn đầu tư vào các khu công nghiệp của Hà Nội năm 2015 đang gặp thách thức khi đến hết quý III mới đạt 30% kế hoạch.
Vốn tăng chậm, Hà Nội hạ chỉ tiêu
Theo số liệu mới nhất từ Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, tổng vốn đầu tư, bao gồm cả vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các khu công nghiệp (KCN) tại Hà Nội 9 tháng đầu năm 2015 ước đạt 70 triệu USD, bằng 42% cùng kỳ năm 2014 và đạt 30% kế hoạch cả năm 2015.
Trong đó, các dự án đăng ký đầu tư mới đều có quy mô nhỏ. Tính cả 12 dự án FDI đăng ký từ đầu năm đến nay mới đạt gần 9 triệu USD. Các dự án này chủ yếu của nhà đầu tư Hàn Quốc thuê lại nhà xưởng của doanh nghiệp Việt Nam ngừng hoạt động.
Số dự án FDI đăng ký đầu tư mở rộng cũng không nhiều, có khoảng 20 dự án, trong đó có chỉ có 2 dự án điều chỉnh tăng vốn trên 10 triệu USD.
Ông Phạm Khắc Tuấn, Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội thừa nhận, số vốn thu hút đầu tư đạt khá thấp. “Lý do chính là giá chuyển nhượng hạ tầng và giá thuê đất tại các KCN của Hà Nội cao hơn từ 1,5 đến 2 lần so với các địa phương lân cận”, ông Tuấn lý giải.
Ngoài ra, theo ông Tuấn, việc triển khai thực hiện Luật Đầu tư năm 2014 những tháng đầu còn nhiều lúng túng, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động thu hút đầu tư của Hà Nội.
Trước thực trạng này, tại Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 3 tháng cuối năm 2015, Ban quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội đã hạ chỉ tiêu thu hút đầu tư vào KCN xuống còn 120 triệu USD.
Vì đâu nên nỗi?
Đi kèm chỉ tiêu mới là 120 triệu USD, Hà Nội đã công bố danh mục 11 dự án thu hút đầu tư, trong đó mục tiêu hướng tới các nhà đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 90% tổng chỉ tiêu. Các dự án này tập trung ở các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ chất lượng cao, các ngành y tế, du lịch, bảo vệ môi trường, phát triển năng lượng mới, phát triển vật liệu mới, phát triển cơ sở hạ tầng…
Để hoàn thành kế hoạch trên, ông Nguyễn Gia Phương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch TP. Hà Nội cho biết, Hà Nội xác định rõ phải cải thiện môi trường đầu tư, đã đặt ra chỉ tiêu phấn đấu cụ thể về số thủ tục hành chính, thời gian thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu, thời gian khởi sự kinh doanh.
“Tôi tin rằng, những thay đổi cụ thể, từ đơn giản hóa thủ tục hành chính đến việc công bố rộng rãi và cập nhật các thông tin về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội,… sẽ góp phần cải thiện hình ảnh của Hà Nội trong mắt các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước”, ông Phương nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đây là công việc không dễ với Hà Nội. Cuộc khảo sát do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) thực hiện gần đây cho thấy, lý do các nhà đầu tư chọn Hà Nội để đầu tư chủ yếu vì cơ hội kinh doanh (65%). Các yếu tố còn lại đều không cao, cơ sở hạ tầng 29%, chất lượng nguồn lao động 19%, quy mô thị trường 39%. Đặc biệt, tính hấp dẫn từ chất lượng điều hành tốt chỉ chiếm 3%.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) phân tích, cơ hội để Hà Nội thu hút được các dự án chất lượng cao, công nghệ cao là rất khó. “Nhà đầu tư trong lĩnh vực này thường quan tâm hơn đến chất lượng điều hành của chính quyền địa phương”, ông Tuấn nói.
Có thể thấy thực tế này qua sự chuyển dịch của dòng vốn FDI trong lĩnh vực công nghệ cao ở các địa phương lân cận Hà Nội như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng với hàng loạt dự án tỷ đô của Samsung, LG, Posco… song chưa có dự án nào dừng chân tại Hà Nội.