Vận tải biển: Nửa chìm, nửa nổi (Kỳ 3)
Nhiều công ty vận tải biển trông chờ vào những hỗ trợ từ Nhà nước. Bằng chứng thời gian qua, một số đơn vị tiến hành khoanh giãn được nợ là nhờ có sự lên "lên tiếng" của Chính phủ.
Tìm cửa thoát hiểm
Những trường hợp xoay chuyển kịp thời và hiệu quả như MHC được giới phân tích nhìn nhận chỉ là số ít. Các công ty vận tải biển, nhất là công ty vận tải hàng khô vẫn đang ngụp lặn trong thua lỗ và hy vọng vào những tín hiệu lạc quan trên thị trường để thoát lầy.
Tuy nhiên, theo các nghiên cứu và dự báo của Vinalines, trong giai đoạn 2014 - 2015, ngành vận tải biển thế giới vẫn sẽ tiếp tục dư thừa cung trọng tải trong khi giá cước thấp hơn giai đoạn 2008 tới gần 3 lần và chi phí vận hành vẫn sẽ gia tăng. Chi tiết hơn, ông Nguyễn Văn Quỳnh, Chủ tịch Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam nhận định, dù thị trường năm 2014 sẽ ít nhiều có sự cải thiện nhưng mức độ cải thiện chỉ tập trung ở phân khúc tàu lớn, phân khúc tàu trọng tải nhỏ chưa có nhiều tín hiệu sáng sủa.
Nhiều công ty vận tải biển trông chờ vào những hỗ trợ từ Nhà nước. Bằng chứng thời gian qua, một số đơn vị tiến hành khoanh giãn được nợ là nhờ có sự lên "lên tiếng" của Chính phủ. Trước đó, từ 1/4/2013, với chính sách dừng cấp phép vận tải container tuyến nội địa cho tàu ngoại, thị phần vận tải container nội địa của đội tàu biển Việt Nam đã tăng nhanh chóng, từ mức 58% (2010) tăng lên 80% (2013).
Nếu tính cả đội tàu mang cờ nước ngoài thuộc sở hữu Việt Nam thì con số này là 90-95%. Theo thống kê chung, năm 2013, các hãng tàu container trong nước đều kinh doanh hiệu quả, tăng 10% so với 2012.
Để giảm chi phí vận tải biển, tăng thị phần vận tải của doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam đã kiến nghị Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải biển được mua nhiêu liệu với mức giá ưu đãi tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, miễn thuế thu nhập cá nhân cho sỹ quan, thuyền viên.
Giảm thuế đối với hàng hóa là vật tư, thiết bị phục vụ cho sửa chữa, bão dưỡng tàu biển. Áp mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% trong vòng 3 năm cho vận tải nội địa của tàu mang cờ Việt Nam, được vay ưu đãi khi đầu tư tàu biển tham gia vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu...
Đề án cũng đề xuất giải pháp quy hoạch-đầu tư đồng bộ hệ thống cảng biển, di dời các cảng biển nằm sâu trong sông để giảm chi phí hoa tiêu và luồng lạch. Đầu tư nâng cấp trang thiết bị, công nghệ bốc dỡ, nâng cao năng lực bốc dỡ để giảm thời gian quay vòng của tàu và tiết kiệm chi phí lưu kho bãi, cảng phí. Áp dụng công nghệ thông tin trong trao đổi dữ liệu để giảm chi phí thủ tục giấy tờ , tiết kiệm thời gian...
Tuy nhiên, theo hầu hết chuyên gia, với năng lực cạnh tranh hiện quá thua xa các đơn vị vận tải biển trong khu vực và thế giới, với thực trạng nhiều công ty đã đầu tư tàu quá nhiều, quá nóng vội nhưng lại không nhạy bén để tái cơ cấu, dù được hỗ trợ về chính sách như đề xuất thì không phải công ty vận tải biển nào cũng thoát được thế bế tắc.
Theo Ngọc Thủy
Theo Doanh nhân Sài Gòn
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!