Từ 1/3/2016 sẽ thay đổi tốc độ của ô tô di chuyển trong nội thành
Theo Quy định mới của Bộ Giao thông vận tải ban hành trong Thông tư 91/2015/TT-BGTVT, từ tháng 3 năm nay, ô tô khi lưu động trong khu vực đông dân cư sẽ được tăng tốc độ lên thêm 10km/h so với hiện tại.
Thông tư 91/2015/TT-BGTVT cho phép tốc độ của ô tô tăng lên thêm 10km/h tương ứng với hai loại đường khác nhau.
Trong khu vực đông dân cư với đường đôi (đường có dải phân cách giữa), đường một chiều có từ 2 làn xe cơ giới lưu thông (ô tô, máy kéo, rơ-mooc, sơ-mi rơ-mooc được kéo bởi ô tô, máy kéo hay xe mô tô hai bánh và xe mô tô ba bánh trở lên) được phép chạy với tốc độ tối đa là 60km/h.
Đối với đường hai chiều không có dải phân cách giữa hoặc đường một chiều có 1 làn xe cơ giới thì các xe cơ giới được chạy với tốc độ 50km/h.
Bên cạnh đó, Thông tư 91 bỏ quy định chia tốc độ theo 4 loại xe trên đường bộ ngoài khu đông dân cư, như quy định Thông tư số 13/2009/TT-BGTVT đang ban hành.
Chính vì thế, xe cơ giới chạy trên đường bộ ngoài khu vực đông dân cư chia theo 2 loại đường khác nhau: Đường không có dải phân cách giữa, đường một chiều có 1 làn xe vẫn giữ nguyên tốc độ tối đa như hiện nay; đường một chiều có 2 làn xe trở lên, đường đôi có dải phân cách giữa thì khi lưu thông xe được tăng tốc độ tối đa lên 10km/h.
Theo điều 8 của Thông tư 91 mới ban hành, xe gắn máy bao gồm: xe 2, 3 bánh lắp động cơ đốt trong có dung tích xi-lanh không lớn hơn 50 cm3 và tốc độ tối đa không quá 50km/h, kể cả xe máy điện hay các loại xe tương tự khi tham gia giao thông trên đường bộ (không kể đường cao tốc), Thông tư 91 quy định tốc độ tối đa được xác định theo báo hiệu đường bộ và không quá 40 km/h.
Thông tư 91 cũng quy định tốc độ tối đa cho phép trên đường cao tốc không được vượt quá 120km/h, các đoạn đường nhánh khi ra hoặc vào cao tốc, trường hợp các biển báo hoặc biển hạn chế tốc độ sẽ có giá trị ghi trên biển báo và biển hạn chế tốc độ không được dưới 50 km/h.
Ngoài ra, lái xe cần chú ý, khi điều khiển phương tiện chạy với tốc độ dưới 60km/h trong khu vực đông dân cư, khu vực thành thị thì lái xe phải chủ động giữ khoảng cách an toàn phù hợp với phương tiện chạy trước xe của mình. Khoảng cách này tuỳ thuộc vào mật độ và tình hình giao thông thực tế để đảm bảo an toàn.
Với điều kiện thời tiết có sương mù, trời mưa, mặt đường trơn trượt hay những cung đường đèo dốc, đồi núi quanh co, lái xe cần điều chỉnh khoảng cách an toàn thích hợp và lớn hơn với khoảng cách an toàn ghi trên biển báo hoặc lớn hơn khoảng cách an toàn khi mặt đường trong điều kiện khô ráo.