Thứ trưởng Bộ GTVT: Sẽ đấu thầu nhà ga T1 sân bay Nội Bài

03/03/2015 14:56 PM | Kinh doanh

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng Công ty Cảng hàng không xây dựng phương án đấu thầu. Nhà thầu nào đáp ứng được tiêu chí đề ra với giá bán hợp lý nhất thì Bộ sẽ nhượng quyền khai thác.

Nội dung nổi bật:

- Đối với nhà ga T1-sân bay Nội Bài và sảnh E của nhà ga này, VietJet Air đã đề nghị nhượng quyền khai thác. Bộ Giao thông Vận tải hoàn toàn đồng ý nhưng Bộ cũng yêu cầu Tổng Công ty Cảng hàng không xây dựng phương án đấu thầu.

- Theo thông lệ quốc tế, quản lý điều hành bay thuộc chủ quyền quốc gia, còn quản lý khai thác và nhượng quyền, chúng ta có thể xã hội hóa. Việc chuyển nhượng khai thác, bán các dự án cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước hoàn toàn nằm trong kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải.


Liên quan tới nhà ga T1 – nhà ga mà cả VietJet và Vietnam Airlines đều muốn nắm quyền khai thác, tại cuộc họp báo thường kỳ Chính Phủ tháng 2/2015, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết Bộ yêu cầu cho Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV) xây dựng phương án đấu thầu.

Theo đó, nhà thầu nào đáp ứng được tiêu chí đề ra với giá bán hợp lý nhất thì Bộ sẽ nhượng quyền khai thác.

Với các quan ngại về vấn đề an ninh và tình trạng độc quyền khi bán/nhượng quyền khai thác cho tư nhân, Thứ trưởng Trường cho rằng, việc khai thác sân bay có rất nhiều nội dung.

Thứ nhất, việc khai thác hệ thống nhà ga và dịch vụ trong nhà ga thì các nước trên thế giới hoàn toàn xã hội hóa. Kể cả việc đầu tư nhà ga cho đến dịch vụ bán hàng, check in-check out có thể xã hội hóa được trừ những dịch vụ an ninh.

Vì thế với các cảng hàng không, Bộ Giao thông Vận tải đang tiếp tục kêu gọi xã hội hóa. Gần đây, đối với nhà ga T1-sân bay Nội Bài và sảnh E của nhà ga này thì VietJet Air đề nghị nhượng quyền khai thác. Về phía Bộ Giao thông Vận tải hoàn toàn đồng ý nhưng Bộ cũng yêu cầu Tổng Công ty Cảng hàng không xây dựng phương án đấu thầu.

Thứ hai, việc xã hội hóa trong đầu tư toàn bộ các sân bay, sẽ làm trên cơ sở thành lập các công ty cổ phần, bao gồm các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước để tham gia đầu tư và lợi nhuận chia theo tỷ lệ cổ phần đầu tư. Việc này Bộ đang báo cáo trình Quốc hội, Chính phủ. Đây sẽ là hướng đi của sân bay Long Thành, Thứ trưởng cho biết.

Với sân bay Phú Quốc - vừa được xây dựng xong, là sân bay quốc tế, đã được quy hoạch để xây dựng một mô hình rất mới cho phát triển, Bộ đã xây dựng, trình phương án xin Thủ tướng Chính phủ bán toàn bộ sân bay về phần dịch vụ khai thác và một phần đầu tư xây dựng.

Còn toàn bộ hoạt động quản lý bay, cũng như an ninh quốc phòng đều thuộc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam.

Thông lệ quốc tế đều như vậy. Quản lý điều hành bay thuộc chủ quyền quốc gia, còn quản lý khai thác và nhượng quyền, chúng ta có thể xã hội hóa” – Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết.

“Hiện nay, việc xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông là yêu cầu của chúng ta. Vừa rồi, Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải xây dựng đề án xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng không chỉ đường bộ mà cả đường sắt, hàng hải, đường không… Với tinh thần đó, trong năm 2014, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng tổng thể các phương án, bán, nhượng quyền khai thác các dự án BOT cũng như các dự án có yếu tố xã hội hóa được”.

“Chính vì vậy, việc chuyển nhượng khai thác, bán các dự án cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước hoàn toàn nằm trong kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải”.

>> 'Cho 1 hãng hàng không sử dụng nhà ga, không lẽ chẹt cửa các hãng khác?'

Bảo Bảo

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM