Thị trường logistics: Cuộc chiến David & Goliath
Việc Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường logistics vào năm 2014 càng làm cho cuộc cạnh tranh giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước thêm phần quyết liệt.
Nội dung nổi bật:
-Tỷ lệ tăng trưởng của thị trường logistics Việt Nam đạt khoảng 25%/năm. Theo Bộ Công Thương, dịch vụ logistics ở Việt Nam chiếm từ 15 – 20% GDP, đạt khoảng 12 tỷ USD/năm.
- Hiện các DN nước ngoài đã tiến đến đáp ứng dịch vụ logistics bên thứ tư (4PL) hoặc logistics bên thứ năm (5PL) thì các DN trong nước vẫn loay hoay với những dịch vụ đơn giản như giao nhận và vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ,...
- Nếu có chiến lược và đầu tư đúng đắn, các doanh nghiệp logistics Việt Nam vẫn có cửa để phát triển do có các lợi thế như sở hữu phần lớn kho bãi, hiểu được thị trường, tâm lý khách hàng, địa lý, thời tiết, văn hóa của người bản địa hơn doanh nghiệp nước ngoài.
Hiện nay, cơ sở hạ tầng từ đường giao thông, cảng biển đến khu công nghiệp logistics ngày càng hoàn thiện, mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực logistics ở Việt Nam. Theo lộ trình WTO, thời gian để Việt Nam mở rộng cửa thị trường này cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia đã cận kề. Sự đổ bộ của các doanh nghiệp nước ngoài và những nỗ lực tìm kiếm vị trí trên sân nhà của các doanh nghiệp trong nước đang tạo nên bức tranh đa sắc màu trên một thị trường tiềm năng.
Thấy gì sau thương vụ lớn của DHL Supply Chain?
Thị trường logistics Việt Nam gần đây ghi nhận thương vụ đầu tư gần 13 triệu USD của DHL Supply Chain khi đưa vào hoạt động trung tâm phân phối thứ hai có diện tích 10.000m2 tại tỉnh Bắc Ninh. Điều này nằm trong kế hoạch mở rộng đầu tư của công ty tại khu vực miền Bắc, giúp tăng diện tích kho bãi từ 91.000m2 hiện nay lên hơn 141.000m2 và phát triển đội xe lên 100 chiếc vào năm 2015.
Sự chuẩn bị này, theo đánh giá của lãnh đạo DHL Supply Chain là nhằm vào lĩnh vực bán lẻ, hàng tiêu dùng, công nghệ và ôtô tại thị trường Việt Nam – vốn dĩ được dự báo sẽ phát triển mạnh trong vài năm tới. Hiện tại tỷ lệ tăng trưởng của thị trường logistics Việt Nam đạt khoảng 25%/năm.
Theo Bộ Công Thương, dịch vụ logistics ở Việt Nam chiếm từ 15 – 20% GDP, đạt khoảng 12 tỷ USD/năm, một khoản tiền rất lớn và gắn với toàn bộ khâu lưu thông, phân phối của nền kinh tế. Nếu chỉ tính riêng khâu quan trọng nhất của logistics là vận tải, chiếm từ 40 – 60% chi phí thì đã là một dịch vụ khổng lồ. Việt Nam cũng là một thị trường mới nổi nên nhu cầu thuê ngoài các dịch vụ logistics có triển vọng sẽ gia tăng nhanh chóng.
Không bỏ qua cơ hội kiếm tìm lợi nhuận, nhiều hãng logistics lớn trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam như: Maersk Logistics, APL Logistics có NYK Logistics, MOL Logistics… Lý giải về việc Việt Nam hấp dẫn các công ty logistics hàng đầu thế giới, các chuyên gia cho rằng, sau khi gia nhập WTO, Việt Nam được nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn như một trung tâm sản xuất của thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Vì thế, các công ty logistics nước ngoài rất tự tin vào tiềm năng phát triển tại thị trường Việt Nam.
Cuộc đua mỗi lúc một căng
Những năm qua, đối diện với các đối thủ lớn có tiềm lực mạnh về vốn, công nghệ, nhân lực, các doanh nghiệp trong nước bộc lộ nhiều lỗ hổng và rớt lại đằng sau trong cuộc đua tranh giành thị phần. Sự thua kém của các doanh nghiệp trong nước xuất phát từ sự chuyển dịch chậm theo xu thế phát triển của dịch vụ này trên thế giới.
Hiện các doanh nghiệp nước ngoài đã tiến đến đáp ứng dịch vụ logistics bên thứ tư (4PL), tức gắn kết các nguồn lực, tiềm năng và cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật với các tổ chức khác để thiết kế, xây dựng và vận hành các giải pháp chuỗi logistics hoặc logistics bên thứ năm (5PL): cung cấp hệ thống thông tin tích hợp để đảm bảo dòng thông tin liên tục và tăng khả năng kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng.
Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước vẫn loay hoay với những dịch vụ đơn giản như giao nhận và vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, đại diện cho các công ty vận chuyển thông báo đến khách hàng tình hình vận chuyển hàng hóa, phát hành lệnh giao hàng khi tàu cập cảng, hoặc đại diện các hãng tàu thu phí…. Thực chất đây chỉ là việc làm thuê cho các hãng tàu nước ngoài.
Vì chỉ có thể thực hiện một hai công đoạn trong chuỗi cung ứng và không gắn kết được với doanh nghiệp xuất khẩu (do không đủ năng lực cung ứng dịch vụ logistics toàn diện) nên các doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại mà chuyển qua cạnh tranh nội bộ về giá, dẫn đến cuộc “đua giá” xuống đáy, giúp doanh nghiệp nước ngoài thêm hưởng lợi.
Mặt khác, lĩnh vực quan trọng nhất trong logistics là vận tải biển, nhưng do tập quán mua CIF bán FOB và không doanh nghiệp Việt Nam nào đủ khả năng cung cấp dịch vụ vận chuyển xuyên suốt trên lãnh thổ, kết nối với thị trường quốc tế nên chỉ khai thác được một phần nhỏ thị phần trong số 90% hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam (được vận chuyển bằng đường biển), phần còn lại rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài.
Cửa hẹp làm chủ cuộc chơi
Nếu nhìn vào bức tranh chung của ngành logistics Việt Nam thì các doanh nghiệp nước ngoài đang ở “chiếu trên”. Tuy nhiên, vẫn có một số lợi thế thuộc về doanh nghiệp nội địa. Theo ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), các doanh nghiệp Việt Nam sở hữu phần lớn kho bãi, khiến doanh nghiệp nước ngoài phải thuê lại hoặc liên kết, liên doanh để phục vụ dịch vụ logistics.
Thứ hai, các doanh nghiệp trong nước hiểu được thị trường, tâm lý khách hàng, địa lý, thời tiết, văn hóa của người bản địa hơn doanh nghiệp nước ngoài.
Thứ ba, về nhân sự, lao động Việt Nam thông minh, nhanh nhạy nên dễ dàng nắm bắt các quy trình, công nghệ tiên tiến của nước ngoài.
Thực tế, vẫn có doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh tốt với doanh nghiệp nước ngoài. Chẳng hạn, bằng các bước đi đúng đắn, Công ty Vinafco đã vượt trên các đối thủ lớn để giành quyền cung cấp dịch vụ cho các công ty như Akzo Nobel (Sơn Dulux), American Standard, Vifon…
Để có được điều này, Vinafco đã thực hiện dịch vụ 3PL (logistics bên thứ ba) trọn gói từ khâu bảo quản, đóng gói, chia hàng, lưu giữ hàng hóa, thực hiện đơn hàng đến khâu vận chuyển, giao nhận, giải đáp thắc mắc, hỗ trợ các chương trình tiếp thị của nhà sản xuất, vận tải, phân phối, cung cấp các giải pháp nhằm tối ưu hóa lợi nhuận của khách hàng. Vinafco xác định đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, hệ thống vận hành theo chuẩn mực quốc tế là giá trị cạnh tranh hàng đầu.
Chẳng hạn, công ty đầu tư vào hệ thống kho theo tiêu chuẩn quốc tế, chuyên cung ứng các dịch vụ 3PL tại các vị trí kinh tế chiến lược như: Thanh Trì (Hà Nội), Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Hậu Giang, có khả năng quản lý và điều tiết hàng hóa trên nhiều địa điểm trong phạm vi vùng, quốc gia, khu vực.
Song song đó, Vinafco đã triển khai phần mềm quản lý kho tiên tiến nhất, giúp giảm 50% thời gian làm việc của nhân viên trong việc tìm kiếm chứng từ, thắt chặt mối quan hệ với đối tác, phản ứng nhanh trước những thay đổi của thị trường.Vinafco còn mạnh dạn đầu tư vào xây dựng nguồn nhân sự cao cấp, sẵn sàng mời chuyên gia giỏi nước ngoài để xây dựng hệ thống vận hành theo tiêu chuẩn “best practice”.
Một trường hợp khác là Công ty ICD Tân Cảng Sóng Thần. Nhờ đầu tư xây dựng trung tâm phân phối trọn gói theo hướng 3PL mà công ty đã thắng thầu, vượt qua hàng loạt công ty logistics nước ngoài nổi tiếng đang có mặt tại Việt Nam, giành quyền cung cấp dịch vụ trọn gói cho Tập đoàn Kimberly-Clark (Mỹ).
Rõ ràng, nếu có chiến lược và đầu tư đúng đắn, các doanh nghiệp logistics Việt Nam vẫn có cửa để phát triển, giành được niềm tin của các doanh nghiệp sản xuất nước ngoài, trở thành người thay mặt cho chủ hàng quản lý và thực hiện các dịch vụ logistics, từ đó giành được miếng bánh thị phần lớn hơn trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Theo Thiên Thảo
Theo Doanh nhân
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!