Tại sao Thung lũng Sillicon rót hàng triệu USD vào quần áo cũ?
Các quỹ đầu tư tài chính và phố Wall đã bơm 400 triệu USD vào các startup kinh doanh quần áo cũ online, hy vọng đánh bại Amazon và Ebay tại lĩnh vực này.
James Reinhart, mới tốt nghiệp trường kinh doanh Havard ở tuổi 30, đã dành nhiều tháng để gặp nhiều người nhằm thu hút vốn đầu tư cho ý tưởng kinh doanh của mình: một cửa hàng kinh doanh quần áo cũ cho phụ nữ và trẻ em.
Anh đã thuê một chiếc xe để đi đến Boston’s Route 128, một công ty đầu tư mạo hiểm, sau đó lại bay đến San Francisco để gặp quỹ đầu tư Sand Hills. Anh đã bị các công ty đầu tư mạo hiểm từ chối 27 lần, một số thậm chí còn cười vào mặt anh, có người đã còn hỏi liệu ý tưởng kinh doanh của anh có phải để giúp phụ nữ trao đổi quần lót cho nhau. Reinhart chỉ trả lời đơn giản: “Nếu đó là suy nghĩ của anh, chúng ta rõ ràng không thể hợp tác với nhau.”
Nhưng đó là câu chuyện của 6 năm trước. Tháng trước, cửa hàng thời trang secondhand của Reinhart, ThredUp đã kêu gọi được 81 triệu USD vốn đầu tư từ Goldman Sachs, nâng tổng số vốn đã thu hút được lên đến 131 triệu USD.
Khe hở cuối cùng cho các startup về thương mại điện tử
Trong năm 2015, các công ty đầu tư mạo hiểm đã rót hàng trăm triệu USD vào ngành kinh doanh thời trang cũ, tổng vốn đổ vào ngành này trong năm năm qua đã vượt qua mốc 400 triệu USD. Vào tháng Một 2015, của hàng online Tradesy đã gọi vốn thành công 30 triệu USD. Vào cuối tháng Tư, website kinh doanh hàng vintage cao cấp đã gọi vốn thành công 40 triệu USD và mạng xã hội thương mại Poshmark đã gọi được 25 triệu USD. Tháng Chín, đến lượt website Vestiaire Collective của châu Âu gọi được 37 triệu USD. Không dừng lại ở ThredUp, danh sách vẫn còn kéo dài tiếp, với Vinted, một website để trao đổi quần áo ở Lithuania. Threadflip cho tín đồ thời trang với ít thời gian, Redbagg dành cho người thiết kế túi xách, ....
"Đây là một ngành kinh doanh mà người thắng sẽ được tất cả", Rienhart nói "các công ty đầu tư mạo hiểm biết rằng nếu họ chọn được người chiến thắng, đó sẽ là một lợi thế bền vững trong dài hạn."
Các startup này thu hút sự quan tâm của những nhà đầu tư bởi mỗi công ty đều đang tập trung vào một ngách nhỏ mà các nhà bán lẻ online lớn đã bỏ lại. Hiện tại Amazon đã thâm nhập vào gần như toàn bộ các loại sản phẩm khác nhau, còn Ebay thống trị ở mảng mua bán đồ cũ, nhưng nhiều người vẫn coi ngành thời trang là điểm yếu còn lại của hai nhà khổng lồ này, dù đồ mới hay cũ. Amazon và Ebay gần như đã đạt đến giới hạn của website thương mại điện tử, khi mọi người có thể mua hầu hết mọi thứ ở đó. Nhưng thời trang thì được dựa nhiều hơn vào sự tỉ mỉ.
Hành động của Ebay và Amazon
Ebay đã tham gia vào lĩnh vực thời trang từ năm 2011 và đến 2014 đã mở riêng cửa hàng thời trang online cho thương hiệu mới các nhà thiết kế. Đến 2015, Ebay đã bỏ ra 23 triệu USD để mua lại Twice, một startup về kinh doanh quần áo cũ, nhằm có được nhân sự và công nghệ của công ty này. Cho dù có thêm nhiều đối thủ cạnh tranh mới, nhưng Ebay vẫn duy trì vị thế dẫn đầu về quy mô và lựa chọn trên thị trường đồ cũ, và vẫn đang mở rộng danh mục của mình và ứng dụng di động để xem các sản phẩm dễ dàng hơn.
"Với thời trang, thật sự là thách thức lớn với chúng tôi để cho người tiêu dùng thấy tất cả mặt hàng mà chúng tôi có." Marcelle Parrish, tổng giám đốc mảng thời trang của Ebay cho biết.
Amazon tham gia vào thị trường may mặc từ năm 2002, đến năm 2006 mua lại công ty kinh doanh thời trang Shopbop và nhà bán lẻ giầy Zappos vào năm 2009. Vào năm 2013, trong cuốn sách "Cửa hàng có mọi thứ : Jeff Bezos và thời đại của Amazon" CEO Amazon Bezo đã nhắc đi nhắc lại câu nói "Để trở thành công ty 200 triệu USD, chúng tôi phải học cách bán quần áo và thực phẩm."
"Thời trang có lẽ là ngành duy nhất mà Amazon thất bại hoàn toàn" Josh Goldman, một đối tác của Quỹ đầu tư Norwest Venture Partners, và là một nhà đầu tư vào Threadflip, cho biết đó cũng là lý do tương tự mà Ebay không thể đè bẹp hoàn toàn các startup về đồ cũ. Một trang web tìm kiếm và liệt kê đơn giản không thể "là nơi thích hợp để xem và mua quần áo".
Mặc dù vậy, Amazon vẫn là mối nguy hiểm tiềm tàng với các startup. Theo một ghi chú từ các nhà phân tích tại Cowen và Company, Amazon đã phát triển việc kinh doanh đồ may mặc của riêng mình trong năm vừa qua, hứa hẹn trở thành mối đe dọa đến ngay cả các nhà bán lẻ lớn như Wal-mart hay Target. Nếu mọi việc tốt đẹp, Amazon có thể vượt qua cả Macy's trở thành nhà bán lẻ đồ may mặc lớn nhất nước Mỹ trong mấy năm tới, các nhà phân tích dự đoán.
Nếu các startup có thể chứng minh rằng mình đủ khác biệt với các trải nghiệm thương mại điện tử truyền thống, họ có thể giành được chiến thắng cuối cùng. Mỗi một người chơi trong sân chơi này đều đang hướng đến việc chia sẻ một phần khác nhau của tủ quần áo, khi người dùng sẵn sàng làm mới mình bằng cách trao đổi quần áo cũ, sử dụng các dịch vụ dài hạn, hoặc thuê đồ thời trang để có thể luôn được sử dụng đồ mới nhất.
Một tủ quần áo không đủ cho tất cả
Có thể sẽ có ít nhiều thất vọng về chiến lược của các startup này, khi họ không hoàn toàn đưa ra các mô hình kinh doanh mới, thay vào đó họ nỗ lực nhiều hơn trong việc chăm chút cho phương pháp của mình, như cửa hàng ủy thác ký gửi và địa điểm trao đổi ngang hàng. Cho dù có những khác biệt về giá, phần lớn các cửa hàng đều bán cùng loại của các thương hiệu. Từ những nhà thời trang sang trọng như Alexander McQueen hoặc các nhãn hiệu rẻ hơn như J.Crew, và kết quả là không một startup nào có thể bứt hẳn lên khỏi các đối thủ khác.
Một vài công ty khuyến khích người dùng gửi lại quần áo thừa của họ và công ty sẽ lo giải quyết các việc còn lại, trong khi những công ty khác cố gắng làm cho người dùng dễ chụp ảnh và tự đăng sản phẩm lên. Cả hai phương pháp đều hướng đến sự dễ dàng và thoải mái.
"Đây là một mô hình kinh doanh khắc nghiệt", Brian O'Malle, một đối tác trong quỹ đầu tư Accel Partners đã rót vốn vào Vinted, cho biết. "Tất cả bọn họ đều cạnh tranh nhau trên cùng một tủ quần áo."
Các nhà đầu tư và phân tích đều đồng ý rằng sự cạnh tranh là quá tàn khốc để mọi người có thể sống sót. Quá trình hợp nhất đã bắt đầu hình thành. Bib+Tuck, một website bán đồ cũ được đầu tư bởi doanh nghiệp thời trang Christopher Burch và một số người khác, thông báo rằng họ đang bắt đầu đóng cửa sau khi được bán cho Crossroads, một chuỗi cửa hàng trên toàn quốc. Mọi hoạt động mua bán, đặt tiền đều bị dừng lại.
"Tôi còn không nghĩ là sẽ có một người chiến thắng" Sucharita Mulpuru, nhà phân tích của Forrester Research cho biết "Mô hình này sẽ chẳng bao giờ lan ra toàn thế giới."