Tại sao người dùng không thích nhưng vẫn xem quảng cáo trên Facebook?
Năm 2016 được dự báo là năm đầu tiên chi phí cho quảng cáo trực tuyến sẽ vượt qua quảng cáo trên tivi.
Một điều đáng ngạc nhiên là những video quảng cáo của Facebook bị nhiều người dùng phản đối, nhưng số liệu lại cho thấy hiệu quả đáng ngạc nhiên của loại quảng cáo này.
Thậm chí, hãng RBC Capital Markets nhận định các video quảng cáo tự động chạy (autoplay) sẽ là xu hướng mới trong ngành quảng bá thương hiệu.
Với hơn 8 triệu lượt view hàng ngày đối với các video, Facebook cho thấy động thái của hãng đang đi đúng hướng.
Việc các video quảng cáo trên Facebook tự động chạy ngay khi người dùng di chuyển màn hình qua đó mặc dù khiến nhiều người khó chịu nhưng lại thật sự khiến mọi người phải xem quảng cáo. Đây quả là một hiệu ứng bất ngờ trong thời đại người tiêu dùng ghét quảng cáo.
Quảng cáo trên Facebook thường tự động có phần giới thiệu ngắn trong vòng 3 giây mà không có âm thanh. Sau đó, người dùng sẽ tùy chọn có click để xem video quảng cáo đầy đủ hay không.
Biện pháp này khiến các quảng cáo không quá làm phiền người sử dụng như những trang web khác trong khi vẫn đủ sức gây ấn tượng với khách hàng nếu họ quan tâm.
Facebook cũng khuyến nghị các công ty thực hiện đoạn giới thiệu này với những hình ảnh bắt mắt nhất hoặc với đoạn giới thiệu bằng chữ nhằm gây chú ý hơn.
Ông Graham Mudd, người điều hành bộ phận quảng cáo thương hiệu của Facebook cho rằng chỉ cần vài giây để một quảng cáo có thể gây ấn tượng với người sử dụng.
Khi người dùng click để xem video quảng cáo đầy đủ nghĩa là họ đã muốn biết thêm thông tin và có thái độ tích cực hơn về sản phẩm. Ông Mudd cũng nói rằng một đoạn quảng cáo ngắn khoảng 15 giây là đủ dài.
Việc triển khai autoplay các video quảng cáo trên Facebook được thực hiện sau những nghiên cứu cho thấy định dạng click để chạy quảng cáo (click to play) có hiệu quả rất thấp đối với người dùng điện thoại di động, vốn mảng kinh doanh cốt lõi của Facebook.
Đối với những người dùng máy tính để bàn, các quảng cáo thường xuất hiện dưới dạng click to play và dù khó chịu nhưng người sử dụng chỉ cần tắt những video này. Tuy nhiên, những khách hàng sử dụng di động thường chỉ dùng vài giây để đánh giá xem có nên click hay không và việc buộc khách hàng phải click quảng cáo trước khi tiếp tục thực sự khiến người dùng bực mình.
Trước đây, việc để autoplay với các video quảng cáo thực sự gặp vấn đề khi làm tốn dữ liệu của điện thoại di động và một số quảng cáo có nội dung không phù hợp với trẻ nhỏ. Tuy vậy, Facebook đã nhanh chóng xử lý vấn đề trên bằng cách loại bỏ các quảng cáo không phù hợp và chỉ để autoplay khi người dùng kết nối WiFi.
Những trang mạng khác như Twitter hay Instagram cũng bắt đầu học tập Facebook khi áp dụng autoplay cho quảng cáo, nhưng hiệu quả đem lại vẫn chưa thể xứng được với trang mạng xã hội lớn nhất thế giới này.
Theo ước tính, việc áp dụng autoplay quảng cáo đem về cho Facebook khoảng 1-2 tỷ USD doanh thu mỗi năm. Năm 2014, Facebook công bố mức doanh thu đạt 12,5 tỷ USD và dự kiến doanh thu năm nay của hãng có thể tăng thêm 40%.
Phía Facebook từ chối cung cấp thông tin về tổng doanh thu quảng cáo, số người xem quảng cáo và số công ty đăng ký dịch vụ với mạng xã hội này. Tuy nhiên, tháng 9/2015 hãng tuyên bố tổng số quảng cáo đang chạy trên Facebook đã tăng 25% lên mức 2,5 triệu video.
Phần lớn những quảng cáo trên Facebook là các định dạng rút gọn của các video đã chiếu ở nơi khác, như trên tivi. Hiện Facebook cũng đang áp dụng phương pháp đánh giá quảng cáo truyền hình cho các video nhằm xác định chi phí quảng cáo trực tuyến, qua đó khiến các công ty quảng cáo lập kế hoạch và thực hiện dễ dàng hơn nếu muốn hợp tác với Facebook.
Một nghiên cứu của Nielsen cho thấy trong 42 chiến dịch quảng cáo tại Mỹ thì những quảng cáo trên cả tivi và Facebook có hiệu quả cao hơn 19% so với chỉ chiếu trên tivi.