Samsung đổ thêm 600 triệu USD vào khu công nghệ cao TPHCM
Ngày 29/12, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cho dự án “Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex” của chủ đầu tư là Công ty TNHH Samsung Asia tại Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) với số vốn tăng thêm 600 triệu USD.
Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban Quản lý SHTP cho biết Công ty TNHH Samsung Asia được cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào ngày 25/9/2014, chứng nhận thay đổi lần thứ nhất vào ngày 5/2/2015 để thực hiện dự án Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex với tổng vốn đầu tư 1,4 tỷ USD.
Mục tiêu của dự án là thành lập Trung tâm nghiên cứu phát triển các sản phẩm phần mềm tiên tiến ứng dụng cho các nhà máy điện tử của Tập đoàn Samsung.
Đồng thời xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp, gia công, tiếp thị và kinh doanh, xuất nhập khẩu và phân phối các sản phẩm điện tử gia dụng các loại bao gồm tivi thông minh, tivi LCD và TV LED có độ phân giải cao, màn hình, máy in, thiết bị y tế và các loại sản phẩm gia dụng khác như tủ lạnh, máy lạnh, máy giặt, ứng dụng công nghệ cao và các linh kiện phụ kiện của các sản phẩm, thiết bị mang nhãn hiệu Samsung.
Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành xây dựng nhà máy theo tiến độ đầu tư đã cam kết; dự kiến cuối tháng 12/2015 sẽ hoàn tất việc lắp đặt máy móc sản xuất giai đoạn 1, tháng 1/2016 vận hành sản xuất thử, tháng 2/2016 chính thức đi vào hoạt động.
Ngày 1/9/2015, Công ty TNHH Samsung Asia đã gửi công văn đến UBND TPHCM và Ban Quản lý SHTP về kế hoạch đầu tư giai đoạn 2.
Theo đó, công ty có kế hoạch đầu tư thêm khoảng 600 triệu USD vào dự án hiện tại, nâng tổng vốn đầu tư của toàn bộ dự án lên 2 tỷ USD bổ sung các hoạt động sau: Thành lập phòng thí nghiệm đo kiểm trong lĩnh vực điện tử, viễn thông để đo kiểm các chỉ số của TV theo quy định của pháp luật Việt Nam; thành lập trung tâm bảo hành sửa chữa trong phạm vi nhà máy của Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC để sửa chữa các thiết bị điện tử.
Dự kiến ở giai đoạn ổn định vào năm 2020, dự án sẽ có khoảng 7.000 lao động, trong đó ưu tiên sử dụng lao động TPHCM; tỷ lệ nội địa hóa đạt ít nhất 35% trước năm 2020. Thời hạn giải ngân toàn bộ dự án là 5 năm kể từ năm 2015 đến 2020.