Plan A của CEO Foody - Am hiểu địa phương, vươn ra biển lớn
Không dừng lại ở một trang chuyên review về địa điểm, Foody sẽ mở rộng thêm về E-commerce, gồm giao đồ ăn, đặt bàn trực tuyến, coupon...
Chỉ trong vòng 3 tuần, Foody.vn – một cộng đồng tìm kiếm, đánh giá địa điểm ăn uống - tuyên bố hoàn thành huy động vốn vòng B từ Garena (Singapore) và vòng C từ Tiger Global Management (Mỹ).
Cùng thời điểm công bố gọi vốn thành công lần 4, Foody cho biết chính thức mở rộng ra thị trường Indonesia vào ngày 10/8/2015, sau đúng 3 năm Foody ra mắt dịch vụ ở Việt Nam.
Với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của Foody, ít ai biết Start-up này từng có thời gian chững lại vì “làm quá nhiều thứ”.
“Từ 2009 đã bắt tay vào xây dựng, nhưng do chưa có kinh nghiệm, kiến thức nên tôi làm nó không ra mạng xã hội, cũng không ra một trang review… Tôi muốn làm quá nhiều thứ nên nó không phát triển được”, anh Đặng Hoàng Minh - CEO Foody tâm sự.
Foody hiện là một trong những nền tảng review (đánh giá) ẩm thực được nhiều người ưa chuộng ở Việt Nam. Anh có thể chia sẻ ý tưởng tạo ra Foody của mình bắt đầu từ đâu?
Thực ra, nếu nói về ý tưởng thì đây không phải là ý tưởng mới. Nước ngoài như Mỹ, Nhật, các nước châu Âu… họ đã làm nhiều rồi.
Nhưng ở Việt Nam thì khác. Việc review ẩm thực được thực hiện theo mô hình forum (diễn đàn), hay mô hình theo kiểu PR giới thiệu là nhiều. Foody căn cứ trên nền tảng mạng xã hội, mang tính review địa điểm nhiều hơn. Thời điểm Foody ra thời thì cả Facebook và smartphone đều đang rất phát triển.
Đâu là thách thức lớn nhất của anh khi bắt đầu khởi nghiệp?
Khó khăn thứ nhất là về nhân sự. Để tìm được những người bạn đồng hành trong một Startup không dễ. Muốn làm nhanh phải đủ người, mà muốn tìm người thì không đơn giản.
Trong khi đó, thị trường Việt Nam dành cho Startup hơi khó khăn, ví như giá developer cao hơn so với năng lực tài chính của Startup. Các công ty Outsourcing lại trả lương cao hơn so với mặt bằng chung, khiến việc tìm nhân tài rất khó.
Cái khó thứ hai là người dùng chưa có thói quen chia sẻ trải nghiệm. Sau khi trải nghiệm tại một địa điểm ẩm thực, nếu người dùng có chia sẻ trải nghiệm thì chỉ khi rất tệ hoặc rất tốt. Còn những địa điểm “vừa vừa” thì ít chia sẻ, hoặc chia sẻ rất ngắn đại loại như “ngon”, “không ngon”…, mà người dùng khác sẽ không hiểu ngon vì sao và không ngon vì sao.
Foody vừa là kênh giúp người dùng trao đổi trải nghiệm, vừa là kênh để các nhà hàng tiếp nhận phản hồi của khách hàng, là tương tác 2 chiều chứ không chỉ đơn giản là 1 chiều.
Theo anh, yếu tố chủ chốt nào đã giúp Foody dẫn đầu thị trường?
Thứ nhất, chúng tôi có một cộng đồng thực sự, chia sẻ trải nghiệm của họ tương đối thường xuyên. Hiện mỗi ngày Foody có hơn 1.000 trải nghiệm được chia sẻ lên từ người dùng.
Thứ hai, xét về mặt dữ liệu nội dung, chúng tôi đang vượt trội với hơn 120.000 điểm ăn uống, trong đó TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng chiếm đa số.
Thực ra, Foody là một cộng đồng nên lợi thế về cộng đồng là yếu tố chủ chốt. Khi cộng đồng sử dụng, cộng đồng chia sẻ thì khi người khác sử dụng cũng sẽ chia sẻ theo. Một địa điểm càng nhiều người chia sẻ thì độ chính xác cao hơn.
Foody đã lớn, không ngại Foodpanda
Rút ra kinh nghiệm bản thân và cũng là kinh nghiệm thất bại của vnNhahang.com và Orderfood.vn, anh từng nói chỉ nên tập trung vào một thứ thay vì cố gắng ôm đồm nhiều việc. Nhưng bên cạnh lĩnh vực chính là Ăn uống, một loạt các lĩnh vực được Foody mới triển khai trong năm 2015 như Du lịch, Làm đẹp, Chăm sóc sức khỏe, Mua sắm, Giáo dục và Dịch vụ cưới hỏi…
Việc ôm đồm là do thời điểm thôi. Phải biết thời điểm nào nên mở, thời điểm nào nên tập trung. Giờ mọi người đang suy nghĩ Foody là một nơi có thể tìm địa điểm ăn chơi, giải trí, du lịch.
Bản thân tôi đang phát triển thêm nội dung ở các mảng khác. Trong tương lai, một số mảng nằm trong Foody sẽ không phát triển sâu hơn và sẽ khó trong việc nhận diện thương hiệu. Vì vậy, mảng Làm đẹp hay Giáo dục sẽ được tách riêng trong thời gian tới để phát triển mạnh hơn.
Với Foody tại Indonesia hay ở nước khác sẽ như Foody ở Việt Nam ban đầu, trước mắt chỉ tập trung vào mảng ăn uống.
Tham vọng của anh là biến Foody thành nơi review mọi thứ. Tuy nhiên, anh thấy nó có quá tham vọng không, khi anh sẽ phải cạnh tranh với rất nhiều tên tuổi nổi tiếng khác, như TripAdvisor chẳng hạn?
Foody và TripAdvisor hướng tới 2 đối tượng khác nhau hoàn toàn. TripAdvisor dành cho đối tượng đi du lịch, và hầu như là khách nước ngoài, còn mình dành cho khách địa phương (Local).
Khách du lịch ăn quán của khách du lịch, mà Local không ăn quán đó.
Thứ hai, TripAdvisor ở Việt Nam không phát triển mạnh bằng Foody. Dữ liệu của TripAdvisor chỉ khoảng 1.000 – 2.000 địa điểm, tập trung vào các khu dành cho khách du lịch nước ngoài là chính.
Việc mở rộng ra Indonesia là tín hiệu tích cực cho thấy Startup Việt Nam cũng có thể vươn ra biển lớn, trước hết là thị trường Đông Nam Á. Nhưng tại sao lại là Indonesia?
Mình muốn tìm một thị trường giống Việt Nam để phát triển. Indonesia tương đồng với Việt Nam ở điểm: Dân số trẻ, kinh tế đang trong giai đoạn phát triển, số lượng người dùng Internet rất cao (80 -100 triệu người dùng Internet trong khi số này ở Việt Nam mới chỉ ở mức 40 triệu). Indonesia là một tiềm năng rất lớn.
Thực ra, Foody đi theo thành phố, không phải đi theo nước. Jakarta là một thành phố lớn với hơn 20 triệu dân. Đối thủ trong lĩnh vực dịch vụ tương tự chưa có ai hẳn bứt phá lên vị trí mà một người khác không thể vào. Vẫn có cơ hội để một Startup tham gia thị trường.
Các thị trường khác thì sao, như Thái Lan và Malaysia chẳng hạn?
Sau Indonesia, Foody dự định sẽ tham gia thị trường Thái Lan, nhưng thời điểm cần vài tháng. Chúng tôi cần tập trung cho Foody Indonesia đi vào quỹ đạo và đẩy mạnh ở Việt Nam phát triển thêm các mảng khác.
Còn Malaysia, xét cho cùng, đang khủng hoảng, dân số già đi, số lượng sử dụng Internet ít nên thực tế sẽ không mở rộng ở nước này.
Dường như Foody sẽ không chỉ dừng lại ở review địa điểm?
Foody sẽ mở rộng về E-commerce, gồm giao đồ ăn, đặt bàn trực tuyến, coupon, nhưng theo hướng khác so với các dịch vụ hiện có trên thị trường.
Về coupon, sẽ áp dụng hình thức vừa đặt bàn vừa giảm giá.
Về giao đồ ăn, có một số cải tiến so với Foodpanda.
Thứ 1, trên Deliverynow có thể đặt chỗ theo nhóm. Thay vì từng người order (yêu cầu), mọi người trong công ty có thể share link (chia sẻ) với nhau và tự đặt, ai thích món gì order món đó.
Thứ 2, cho phép đặt món trên nhiều nhà hàng có địa điểm gần nhau trên cùng một đơn hàng. Foody sẽ sắp xếp các quán tương đối gần nhau, người dùng sẽ có một order phong phú hơn, đúng sở thích hơn, hiệu quả hơn thay vì tạo nhiều order mất thời gian.
Hiện chúng tôi đang thử nghiệm dịch vụ trong Sài Gòn, theo chúng tôi cảm nhận là khá ổn.
Table now giúp khách đặt bàn được giảm khá không khác gì khi mua deal, mua voucher. Nhưng user không cần nhận voucher cũng không cần bỏ tiền mua trước. Bên cạnh đó, với ảnh hưởng của Foody, sẽ không có tình trạng user bị coi rẻ, đối xử không tốt.
Các lĩnh vực anh vừa nêu mới chỉ là thử nghiệm. Anh có ngại đối đầu với các ông lớn khác như Foodpanda?
Bản thân Foody cũng là một kênh rất lớn nên không sợ các ông lớn. Các ông lớn bước vào dịch vụ này cũng phải chi rất nhiều chi phí quảng cáo trên các hệ thống khác. Với hệ thống của Foody thì mình có thuận lợi hơn. Tôi tự tin là sẽ làm được.
Đã trải qua tới 4 vòng gọi vốn, số tiền Foody thu về chắc chắn không nhỏ. Tuy nhiên, nó cũng là tín hiệu cho thấy sở hữu của người sáng lập (là anh) đã giảm đáng kể…
Càng nhiều người vào thì tỷ lệ sở hữu càng bị chia ra. Các nhà đầu tư vào Foody cũng không muốn cố gắng kiểm soát công ty vì công ty đang phát triển rất tốt, nên tôi vẫn là người có quyền điều hành, thúc đẩy công ty phát triển lên.
Bản thân việc điều hành công ty hàng ngày các nhà đầu tư cũng không can thiệp. Họ chỉ cố vấn, tư vấn và hỗ trợ về mặt tài chính, chiến lược. Còn về mặt thực hiện và quản lý do tôi làm.
Anh nghĩ thế nào về việc bán Startup?
Mục tiêu của tôi là muốn xây dựng Foody thành một công ty lớn ở Việt Nam trong mảng Internet. Tôi nghĩ rằng mình có khả năng vì bản thân tôi thấy các công ty bên Nhật, Mỹ chuyên về review như Yelp, Zomato… rất lớn, mặc dù cũng chỉ review về địa điểm.
Mỗi người làm Startup đều có plan A, B, C. Plan A của tôi là để Foody trở thành công ty lớn.
Xin cảm ơn anh!