Phải làm gì khi số điện thoại của bạn bị người khác đưa lên web đen?
Hài lòng với dịch vụ gọi xe Uber nhưng một ngày kém đẹp trời, gặp tài xế thiếu lịch sự, bạn chấm điểm 1 sao. Hậu quả là bị tung số điện thoại lên trang web đen với những nội dung khiếm nhã. Lúc đó, bạn cần phải làm gì để tránh bị tổn thương và bảo vệ quyền lợi cho mình?
Bởi quá bức xúc vì phải nghe lời nói khiếm nhã, mới đây một hành khách đã chấm điểm cho tài xế Uber 1 sao. Hậu quả là, vị khách này vô tình trở thành "gái gọi" của các tài xế Uber khác và liên tục nhận những tin nhắn mua dâm...
Mặc dù, hiện nay Uber chưa có kết quả chính thức về sự việc nhưng vấn đề đặt ra là nếu thực sự gặp phải tình huống trên, hành khách phải làm gì để bảo vệ mình và đảm bảo quyền lợi của mình?
Và giả sử, trong trường hợp này, nếu tài xế Uber có hành vi làm ảnh hưởng đến hành khách đúng như phản ánh, thì trách nhiệm của tài xế và Uber như thế nào?
Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, trong trường hợp nếu có hành vi lái xe của Uber cung cấp thông tin, số điện thoại của khách hàng lên trang mạng xã hội và nói khách hàng là gái gọi... thì tùy tính chất, mức độ của hành vi mà có thể bị xử lý về mặt hành chính.
Mức xử lý này được quy định tại Nghị định 174/2013 NĐ-CP Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành chính, viễn thông,công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện thoại.
Nếu nặng, có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 121 tội làm nhục người khác hoặc điều 122 tội vu khống theo quy định của bộ luật hình sự hiện hành.
Ngoài ra, người bị thiệt hại còn có thể khởi kiện ra tòa án để yêu cầu người, tổ chức vi phạm phải bồi thường các thiệt hại phát sinh và chấm dứt hành vi vi phạm theo quy định của Bộ luật dân sự hiện hành.
Cụ thể tại điều 25 Bộ luật dân sự quy định: Khi quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm thì người đó có quyền: Tự mình cải chính; Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai.
Đồng thời, yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại...
Về trách nhiệm dân sự của Uber, Luật sư Hùng phân tích, theo Điều 618 quy định về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra như sau:
Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
"Căn cứ theo quy định trên, người bị thiệt hại có thể yêu cầu Hãng Uber bồi thường các thiệt hại phát sinh cho mình căn cứ theo quy định trên nếu điều tra sự việc trên là có thật", Luật sư Hùng khẳng định.
Theo một thông tin mới nhất, ông Shaun Phạm, đại diện truyền thông của Uber tại Đông Nam Á cho hay, ngay khi nhận được thông báo, đội ngũ xử lí khủng hoảng của Uber đã ngay lập tức liên hệ với khách hàng trong vụ việc trên với mong muốn hỗ trợ tốt nhất và giúp khách hàng mau chóng trở lại sinh hoạt bình thường.
Uber sẽ cung cấp đầy đủ thông tin cho các cơ quan điều tra có thẩm quyền để giải quyết nếu có yêu cầu.
Đồng thời, trong thời gian sắp tới, Uber sẽ có tính năng mới để ẩn danh số điện thoại của cả hành khách và đối tác.
Mục đích của tính năng này là để bảo vệ thông tin cá nhân của cả hai bên để có thể ngăn chặn trường hợp như thế này xảy ra và đàm bảo sự an toàn riêng tư của khách hàng và đối tác tài xế.
Trước đó, như báo chí đưa tin, một người dùng Uber X đã đăng tải lên trang Facebook cá nhân của mình câu chuyện về sự trả thù của tài xế Uber X khi khách hàng tỏ ra không hài lòng với thái độ phục vụ. Cô đã đánh giá tài xế này 1 sao (mức điểm thấp nhất của tài xế Uber).
Hậu quả là, vị khách này đã bị tài xế Uber cung cấp số điện thoại cho lên một nhóm chát của tài xế Uber và liên tục bị nhắn tin khiêu khích, mời gọi...