Ô tô Việt vẫn là... mơ ước
Cách đây không lâu, các doanh nghiệp sản xuất linh kiện, ô tô trong nước thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) kiến nghị một số ưu đãi để sản xuất ô tô. Mục tiêu và kiến nghị này nhắm tới là ngành ô tô có thể đáp ứng 70% nhu cầu trong nước.
Kiến nghị này được gửi đến Quốc hội, Thủ tướng, Ban Kinh tế Trung ương và một số bộ, ngành liên quan. Các đơn vị cùng ký tên vào kiến nghị của VAMI là Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM - Bộ Công Thương), Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor - Bộ Giao thông - Vận tải), Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco), Công ty CP Trường Hải (Thaco), Công ty CP Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki), Công ty TNHH MTV Cơ khí Z179, Trung tâm Tư vấn phát triển cơ khí Việt Nam.
Trong nhóm doanh nghiệp này, có thể thấy, Thaco là doanh nghiệp mạnh về các dòng xe du lịch khi họ đang là đối tác và cũng là nhà lắp ráp, phân phối nhiều thương hiệu xe như Mazda, KIA, Peugoet. Còn lại, Vinaxuki vẫn đang "sống" bằng xe tải, Samco là xe khách, xe chuyên dùng, Vinamotor là xe khách, xe buýt... Trong mảng ô tô cá nhân, gần như chưa có doanh nghiệp nào đủ sức sản xuất xe nguyên chiếc, cao lắm là tỉ lệ nội địa hóa 50%, nếu không muốn nói ít hơn.
Theo Tổng thư ký kiêm Phó chủ tịch VAMI Đào Phan Long, bốn lĩnh vực mà các doanh nghiệp ô tô trong nước hướng tới là sản xuất xe tải, xe khách, xe chuyên dụng và xe con. Trong khi đó, cho đến giờ phút này thì rất nhiều hãng xe nước ngoài đã có mặt ở Việt Nam dưới hình thức nhập khẩu và phân phối.
Và tại những nước trong khu vực Đông Nam Á, nhà máy của các hãng xe này cũng đã đâu đó yên bề cho việc xuất khẩu. Vấn đề là các hãng xe đó, đa phần chỉ là những tên tuổi lớn trong lĩnh vực sản xuất ô tô dưới 9 chỗ.
Có thể thấy, những điểm mấu chốt trong kiến nghị của VAMI gần như liên quan nhiều đến tài chính. Cụ thể, VAMI muốn giữ trần thuế xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) trong các cam kết FTA, đặc biệt là với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước trong Liên minh Thuế quan (Nga, Kazakhstan, Belarus).
Riêng lộ trình ATIGA (lộ trình giảm thuế trong khuôn khổ những hiệp định thương mại tự do) là 50% đến 2016 và có thể giảm xuống 30% năm 2017. Riêng đối với ô tô Trung Quốc khó có thể vào Việt Nam vì không được ưa chuộng.
Trong khi đó, Nhật và Hàn Quốc là hai nền công nghiệp ô tô phát triển và rõ ràng trong hàng chục năm qua, xe của các nước này vẫn chiếm lĩnh thị trường Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung.
Liên quan đến thế mạnh của mình, VAMI cũng kiến nghị bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe buýt từ 16-24 chỗ. Đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp phụ trợ, VAMI đề xuất cho vay dài hạn (15-20 năm) lãi suất từ 0 đến 3% để đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ hoặc bù 100% lãi suất trong 5 năm đầu...
Trước đây, cũng liên quan đến ô tô và ngành công nghiệp ô tô trong nước, Vinaxuki đề xuất một số chính sách lên Chính phủ, các bộ ngành với mong muốn giảm 70% thuế tiêu thụ đặc biệt cho các dòng xe có tỉ lệ nội địa hóa cao, vay vốn dài hạn hoặc hỗ trợ bằng cách hoãn thuế để chi trả cho nghiên cứu, thiết kế, chuyển giao công nghệ...
Cũng gần như vậy, Thaco đã từng kiến nghị Chính phủ về việc cho giãn thời gian nộp thuế nhập khẩu linh kiện, phụ kiện năm để sử dụng nguồn tiền này phục vụ sản xuất, đặc biệt là triển khai dự án sản xuất động cơ.
Quay trở lại kiến nghị của VAMI, hiện cũng chỉ đang còn là kiến nghị. Mà giả dụ như kiến nghị được chấp thuận thì đến bao giờ người Việt mới cầm lái được những chiếc xe do chính người Việt sản xuất thì vẫn là một câu hỏi.
>> Kế hoạch trăm triệu đô làm ô tô "Made in Vietnam"
Theo Minh Châu