Nuôi bò mang sữa tưới gốc cao su
Người nông dân và người tiêu dùng lúc nào cũng chịu thiệt. Trong rất nhiều trường hợp, người chăn nuôi bò sữa phải chịu chi phí đầu vào như cám, thuốc… với giá rất cao mà không biết kêu ai.
Sữa tươi tưới gốc cao su
Giá sữa tươi DN thu mua tăng gần 40% trong khoảng 3 năm qua, thực tế không làm phát sinh lợi nhuận cho người nuôi bò sữa tại huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh. Chi phí đầu vào đắt đỏ đang đè nặng lên hoạt động chăn nuôi của những gia đình như nhà chị Trần Thị Gái (ấp Thới Tây 2, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn). Quy mô chăn nuôi nhỏ chỉ có 10 con bò đang cho sữa, mỗi ngày thu được 45 kg, “tính ra người chăn nuôi chỉ lấy công làm lời”, chị Gái nói.
Những bài toán xóa nghèo, làm giàu mà DN thu mua sữa vẽ ra cho người chăn nuôi bò sữa trước đây dường như chỉ đúng về phía DN. Người nuôi bò nhìn công sức trôi đi mỗi ngày, đồng thời cũng cảm nhận lợi nhuận của DN thu mua, chế biến sữa đang tăng lên, khi hầu hết các DN đã tăng giá bán sữa cho người tiêu dùng 2 - 3 lần trong năm qua.
Tất nhiên, rất khó trách cứ Công ty V. nào đó chỉ mua sữa của người nông dân với giá 13.000 - 13.500 đồng/kg mà bán ra thị trường từ 28.000 - 35.000 đồng/kg, khoản chênh lệch đó chi phí một phần cho khâu chế biến, nhưng thực tế cũng phải cân đối “hợp lý” với giá nhập nguyên liệu sữa bột rẻ hơn mua trong nước, chỉ khoảng 9.000 đồng/kg.
“Biết là DN ép giá, nhưng do chỉ bán được sữa cho nhà máy nên người nông dân ở đây không có sự lựa chọn nào khác, bằng không sữa thu hoạch để lâu ngày sẽ bị đổ đi”, chị Gái chia sẻ.
Trong hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng giá trị thu mua sữa nguyên liệu mỗi ngày của người nông dân, lượng sữa đổ đi khó đo đếm nhưng vẫn hiển hiện thường xuyên. Chị H. - một đại lý thu mua quản lý 70 hộ dân nuôi bò cung cấp sữa hàng ngày cho nhà máy V. ở Hóc Môn - cho hay, hàng ngày chị nhận 7 tấn sữa tươi và được hưởng hoa hồng 450 đồng/kg sữa. Để có được công việc thuận lợi như hiện nay, chị H. đã trải qua rất nhiều cay đắng xung quanh vấn đề thu mua sữa của DN. Do vậy, chị H. biết rất rõ những thiệt thòi mà người nông dân phải chịu.
Mỗi nhà máy chế biến có một cách ép nông dân khác nhau. Ví dụ, nhà máy V. ở Hóc Môn ép giá nông dân bằng hàm lượng tạp chất trong sữa, cứ vi phạm một chất thì bị trừ tiền theo bảng. Với nhà máy của CG. ở Củ Chi, Bình Dương, Long An, Thủ Đức, Sóc Trăng người dân chưa bao giờ được đánh giá chất lượng sữa đạt loại 1. Hầu hết đều bị chấm chất lượng sữa loại 2 nên chịu giá mua thấp.
Tính bình quân giá sữa người dân chỉ bán được 11.500 đồng/kg. Mệt mỏi hơn là nông dân bán cho nhà máy ở Long Thành, không chỉ bị ép giá mà người bán sữa còn phải phụ thuộc vào độ “vui buồn” của DN.
“Đã có lần tôi phải đưa 3 xe bồn chở sữa tươi vào rừng cao su để đổ vì bị DN từ chối mua sữa. Nguyên nhân rất đơn giản, nếu DN bán tốt thì họ thu mua sữa đều đặn. Ngược lại, nếu lượng sữa tiêu thụ chậm họ sẽ nghĩ ra đủ lý do và phổ biến là đổ cho sữa không đạt chất lượng để ép mua giá rẻ mạt, thậm chí còn không nhận sữa”, chị H. tâm sự.
Cần có sự can thiệp
Theo tính toán giá thành sản xuất sữa của nông dân, riêng thức ăn chiếm tới 70% (cả thức ăn tinh và rau xanh); lao động chiếm 15%; khấu hao bò và chuồng chiếm 12%. Với tỷ lệ này, giá thành sản xuất ra một kg sữa đã chi phí hết hơn 10.000 đồng/kg. Cộng thêm chi phí vận chuyển, sữa đổ đi “oan”, bình quân giá bán hiện khoảng 13.000 đồng/kg là không thỏa đáng.
Đó cũng là nguyên nhân khiến người chăn nuôi bò sữa ở khu vực TP. Hồ Chí Minh đang rất hoang mang. Nếu cố giữ đàn bò sữa thì chi phí lớn, bán đi thì tiếc. Vì vậy, đàn bò sữa của một số nơi đang giảm rất nhanh, số hộ “chia tay” với bò sữa ngày càng nhiều.
Trong khi đó, báo cáo kết quả kinh doanh của các công ty đang tiêu thụ sữa như Vinamilk, Cô gái Hà Lan, TH Milk, CTCP Sữa quốc tế IDP… mỗi năm một tăng. Cổ tức chia “khủng” khiến nhiều người phải xót xa. Ví dụ, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trước thuế của Vinamilk đạt 31% trong 5 năm trở lại đây. Quý I/2014, Vinamilk vẫn đạt 7.678 tỷ đồng doanh thu, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2013…
Từng nuôi hàng trăm con bò sữa và đã bỏ nghề chuyển sang trồng hoa lan, ông Ba Xê (Hóc Môn) nói rằng, mỗi khi nguồn sữa cung cấp cho nhà máy giảm, giá sữa được DN điều chỉnh tăng thì người chăn nuôi bò hưởng lợi, trong khi người tiêu dùng bị thiệt hại. Ngược lại, khi cung tăng, người chăn nuôi bị thiệt hại và người tiêu dùng vẫn phải mua sản phẩm với giá cao...
“Nhìn chung, người nông dân và người tiêu dùng lúc nào cũng chịu thiệt. Trong rất nhiều trường hợp, người chăn nuôi bò sữa phải chịu chi phí đầu vào như cám, thuốc… với giá rất cao mà không biết kêu ai”, ông Ba Xê nói.
Quả thật, xét về mặt nào đó, khi nhìn thấy DN sữa có lợi nhuận khủng, Nhà nước triển khai Quyết định 1079 về áp giá trần đối với sữa bán ra để bảo vệ người tiêu dùng, còn quyền lợi của người nông dân nuôi bò sữa vẫn chưa được nhắc tới. Nghịch lý này đã tồn tại rất nhiều năm, nhưng chính người nông dân cũng không biết phải làm sao. Trong khi đó, kinh nghiệm từ các nước cho thấy, người nông dân được bảo vệ rất nhiều.
Ở các nước phát triển, không cần đến sự can thiệp của Chính phủ, họ chỉ cần Hiệp hội người chăn nuôi đủ mạnh. Vì Hiệp hội tạo mối liên kết giữa người chăn nuôi, các DN sản xuất và người tiêu dùng, không những ngành chăn nuôi phát triển ổn định hơn mà người tiêu dùng cũng được hưởng lợi. Ví dụ, nếu có một DN thu mua sữa “ép” giá nông dân, Hiệp hội người chăn nuôi có thể đứng ra đàm phán, gây áp lực để DN đó xây dựng một mức giá hợp lý hơn, thậm chí có thể giới thiệu cho người chăn nuôi chuyển sang ký hợp đồng cung cấp sữa cho những DN khác cùng ngành.
Trên thực tế, khi đã kiểm soát được giá đầu vào, nguồn cung trên thị trường, giá đầu ra của sản phẩm cũng có thể kiểm soát được...
“Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là nhanh chóng thành lập hiệp hội chăn nuôi gia súc - gia cầm thật sự đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi cho nông dân. Tuy nhiên, muốn Hiệp hội này phát huy hiệu quả, lúc này Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ thành lập trung kiểm định, trung tâm thẩm định giá thành sữa nguyên liệu bán ra với giá bao nhiêu là hợp lý và được giá để người chăn nuôi bò sữa tránh khỏi nguy cơ phá sản…”, ông Ba Xê nêu quan điểm.
Nghe người nông dân nói vậy mới thấy xót xa, khi họ không biết rằng, đã có một Hiệp hội chăn nuôi tồn tại từ hơn 20 năm nay với cả chục ngàn thành viên. Vậy lỗi do người nông dân “thiếu hiểu biết”, hay Hội ở cao và xa quá không nhìn tới tầng lớp người nông dân?
>> Ngành sữa cạnh tranh khốc liệt
Theo Quỳnh Chi