Những điều chưa biết về Hermès

06/06/2015 11:43 AM | Kinh doanh

Người đứng đầu thương hiệu hàng xa xỉ Hermès nói về việc “thu hoạch” những chiếc túi xách, sự khéo léo của những người thợ thủ công và đức tin của thương hiệu thời trang cao cấp hàng đầu thế giới.

"Ăn trưa với FT" (Lunch with the FT) là chuyên mục đặc biệt của tờ báo nổi tiếng trong giới tài chính Financial Times. Các phóng viên của FT sẽ có bữa trưa kết hợp phỏng vấn với những nhân vật có ảnh hưởng lớn trên thế giới hiện nay. Trong bài báo này, nhân vật chính là Axel Dumas - CEO của Hermès.


Axel Dumas – vị CEO 44 tuổi của Hermès và là thế hệ thứ 6 của gia đình đã gây dựng nên tập đoàn này từ năm 1837 – muốn ăn trưa trong phòng ăn riêng biệt ở ngay tại trụ sở của Hermès ở Paris. Địa chỉ mà tôi tìm tới là số 24 Rue du Faubourg Saint-Honore.

Bước vào tòa nhà 6 tầng ở ngay chính giữa trung tâm Paris, tôi được dẫn đi qua cửa hàng trưng bày sản phẩm với nhiều nhóm khách hàng đang chăm chú ngắm nhìn những chiếc túi long lanh. Tôi cũng lần lượt đi qua phòng trưng bày các sản phẩm trang trí bàn ăn (doanh thu từ sản phẩm này cùng với trang sức đã tăng trưởng 14% trong năm ngoái), đồ lụa (tăng 6%), nước hoa (tăng 10%) và cả yên cương cho những người cưỡi ngựa.

Phòng chuyên sản xuất các sản phẩm bằng da không chỉ là “nhà” của những chiếc túi xách nổi tiếng thế giới (chúng nổi tiếng đến mức được gọi bằng những cái tên riêng như Birkin, Kelly và Constance) mà còn là nơi nhắc nhở rằng da là vật liệu đã giúp người sáng lập Thierry Hermès làm nên cơ nghiệp. Con trai của ông là Charles-Emile Hermès đã bổ sung thêm yên ngựa vào danh mục sản phẩm từ năm 1880. Ngày nay, các sản phẩm bằng da (ngoại trừ thắt lưng da vốn đã được liệt vào một nhóm khác) đóng góp tới 44% tổng doanh thu hàng năm của hãng.

Đích đến tiếp theo là tham quan những hoạt động ở "phía sau cánh gà". Nền nhà khảm đá đã được thay bằng những tấm vải sơn lót sàn công nghiệp và trên tường có những bình cứu hỏa. Chúng tôi leo lên những bậc thang nhỏ hơn và ngày càng có nhiều hành lang. Ở tầng cao nhất, nơi ánh sáng tự nhiên lấn át ánh sáng từ những bóng đèn điện, tôi có được tầm nhìn bao quát toàn bộ. Tôi chợt nghĩ liệu có phải mọi thứ ở Hermès đều diễn ra trong đêm, giống như những con yêu tinh hay những người thợ đóng giày trong truyện cổ tích?

Tôi tìm thấy Dumas ở khu vườn trên sân thượng của tòa nhà. Trong bộ vest màu xanh navy kết hợp với áo sơ mi trắng và cà vạt màu xanh da trời, Dumas hào hứng kể cho tôi về cấu trúc không đối xứng của tòa nhà mà ông tổ Charles-Emile đã cố gắng bảo vệ năm 1880. “Cách đây 50 năm, bạn có Hermès ở đây với toàn nhân viên nam và Lanvin với toàn nhân viên nữ ở bên kia đường. Đã có rất nhiều đám cưới giữa hai bên”. Lanvin hiện không còn ở bên kia đường và xướng sản xuất chính của Hermès cũng rời sang vùng ngoại ô Pantin, nhưng câu chuyện về sự lãng mạn của những nghệ nhân vẫn tràn đầy vẻ hấp dẫn. “Những người thợ thủ công sẽ ném một mảnh vải da xuống cửa sổ khi họ nhìn thấy một cô gái xinh đẹp ở bên kia đường”, Dumas kể.

Tôi trầm trồ trước những cây táo và lê ở trong vườn trước khi ngồi vào chiếc ghế trong phòng ăn. Bữa trưa đã được chuẩn bị bởi đầu bếp riêng của gia đình có tên gọi Elisabeth. “Bà ấy được đào tạo ở nhà hàng tốt nhất Paris, nhưng giờ đây bà ấy chỉ nấu cho chúng tôi thôi”, Dumas tự hào nói.

Hành trình bảo vệ Hermès

Elisabeth hỏi chúng tôi có thích uống rượu không. “Bình thường thì tôi sẽ không uống rượu trong bữa ăn trưa. Nhưng nếu “Ăn trưa cùng FT” muốn xem CEO của Hermès uống loại rượu nào, tôi sẵn sàng”, Dumas nói một cách hài hước. Cuối cùng những ly rượu được dọn đi và trên bàn bày ra một giỏ bánh mì, món bánh phômai và món khai vị là thịt bò carpaccio. Elisabeth nhanh chóng mô tả các món ăn bằng tiếng Anh pha âm điệu Pháp. Các món ăn đều rất ngon.

Phần lớn thời gian Dumas đều dùng bữa trưa ở đây vì sự tiện lợi và kín đáo. Tuy nhiên, đôi lúc ông sẽ ăn ở chỗ khác, khi những chủ đề như kế hoạch mở rộng ở thị trường nước ngoài hay LVMH có âm mưu bí mật thâu tóm Hermès gây xôn xao.

Tháng 9 năm ngoái, sau một cuộc chiến pháp lý dai dẳng, hai tập đoàn sản xuất hàng xa xỉ hàng đầu thế giới là LVMH và Hermès đã đưa ra một tuyên bố chung mà theo đó CEO Bernard Arnault của LVMH đồng ý từ bỏ gần 2/3 số cổ phần nắm giữ ở Hermès. Kể từ năm 2010, Arnault đã bí mật chỉ đạo LVMH thâu tóm gần 7,2 tỷ euro (tương đương 23%) cổ phần của Hermès mà công ty này không hề hay biết. Để tránh khả năng bị thâu tóm, Dumas thuyết phục 100 thành viên trong gia đình tậpk hợp cổ phiếu của họ vào một công ty mẹ. Theo thống kê của Forbes, tính đến tháng 8/2014, gia đình này có khối tài sản trị giá 25 tỷ USD.

“Bạn phải cẩn trọng với tất cả mọi thứ. Cả gia đình tôi đã dốc sức để giữ vững sự độc lập của Hermès. Chúng tôi thành lập một công ty mẹ có tên gọi H51 sở hữu 51% cổ phần của tập đoàn. Không ai được phép bán cổ phiếu của họ trong 20 năm tới”. Dumas cho rằng sự kiện này cũng là một bài kiểm tra về sự trung thành và gia đình ông đã vượt qua được bài kiểm tra ấy.

Ở Hermès toát lên tinh thần gia đình, thậm chí tinh thần ấy toát lên từ bức tranh treo tường. Trong lúc dùng món chính, chúng tôi thảo luận về bức tranh sau lưng Dumas. Bức tranh này được vẽ bởi Philippe Dumas (chú của Axel và là anh trai của Jean-Louis – CEO của Hermès từ năm 1978 cho tới 2006).

Hình ảnh những người nông dân đang cày ruộng được cho là quan điểm của Philippe Dumas về Hermès. “Chú tôi tin rằng chúng tôi là những người nông dân của thành thị, gieo trồng và thu hoạch hai vụ mùa mỗi năm”.

Trong khi thế hệ đầu tiên của Hermès gây dựng nên cơ nghiệp, thế hệ thứ hai và ba đột phá với những sản phẩm mới như khăn quàng cổ, nước hoa và túi xách để đảm bảo sự tồn tại của thương hiệu. “Chú Jean-Louis là người giúp cho Hermès luôn luôn cập nhật những xu hướng thời trang mới nhất. Ông ấy là một người kể chuyện vĩ đại”.

Đam mê của những người thợ thủ công

Sự khéo léo của những người thợ thủ công là một phần tín ngưỡng của Hermès. Tuy nhiên, giữ cho hoạt động kinh doanh của một thương hiệu sinh lời đồng thời vẫn phải nuôi dưỡng lực lượng các thợ thủ công lành nghề là nhiệm vụ không hề đơn giản. Ví dụ, tất cả những chiếc túi Kelly (được bán lẻ với giá 4.890 USD) vẫn được sản xuất ở Pháp, vì vậy họ phải xây dựng 15 xưởng thuộc da mới để có thể đáp ứng nhu cầu. “Chúng tôi cố gắng không có quá 250 thợ trong mỗi xưởng vì nếu số lượng nhiều hơn họ sẽ không biết đến nhau và như vậy xưởng sẽ trở thành nhà máy”.

Một người sẽ mất 2 năm để trở thành thợ thủ công của Hermès, mặc dù 80% thợ ở đây là phụ nữ. “Cánh đàn ông không muốn làm công việc này nữa. Họ cho rằng đây là việc của phụ nữ và họ sẽ không thêu thùa may vá”, Dumas nói.

Tuy nhiên, ông cảnh báo đây là công việc khó nhọc. “Trước tiên bạn cần đến tố chất, vì mất rất nhiều thời gian mới có thể làm xong một chiếc túi và chiếc túi đó gần như được làm toàn bộ bằng tay. Điều đầu tiên để chúng tôi đánh giá nhân viên là phẩm chất của họ. Bạn sẽ mất tới 15 tiếng để làm một chiếc túi và chiếc túi ấy được làm gần như hoàn toàn bằng tay. Ở đây ai cũng biết túi của họ là chiếc nào và gắn liền với nó bằng đam mê”.

Dumas học ngành khoa học chính trị tại Học viện chính trị Paris trước khi làm nghiên cứu sinh tại Harvard. Tuy nhiên, công việc kinh doanh của gia đình vẫn luôn là một phần quan trọng trong cuộc đời ông. “Tôi thường tới cửa hàng khi bố tới thăm ông nội và ngồi chơi với các dì”. Dumas lần đầu tiên nhận thức được về thương hiệu Hermès lúc 8 tuổi, khi các bạn học của ông bàn tán về cửa hàng lớn nhất ở Paris.

“Cuộc hành trình của ông đã được định trước đích đến là làm CEO của Hermès?”, tôi tò mò hỏi. “Không, tôi không phải chịu áp lực nào cả, đó hoàn toàn là tự nguyện”. Dumas từng có 8 năm làm việc tại ngân hàng BNP Paribas. “Tôi chọn ngành ngân hàng bởi muốn tới sống và làm việc ở Trung Quốc theo đúng ước mơ của bản thân. Năm 1995, dù Bắc Kinh không giống với những gì tôi mở ước nhưng đó vẫn là một thành phố thú vị”.

Dumas ở Trung Quốc 2 năm. Sau đó là 2 năm ở Paris và 4 năm ở New York. “Chú Jean tới và nói với tôi rằng chú thực sự muốn tôi gia nhập Hermès. Tôi trả lời có thể làm được tất cả mọi thứ, trừ công việc liên quan đến tài chính khi chú hỏi tôi muốn làm gì”. Cuối cùng, Dumas bắt đầu làm việc tại Hermès với một vị trí trong phòng tài chính.

Ông phụ trách phòng trang sức và các sản phẩm làm bằng da trước khi trở thành CEO vào tháng 6 năm ngoái. Người chú Pierre-Alexis trở thành giám đốc nghệ thuật và họ cùng quản lý công ty, chứng kiến thời kỳ tăng trưởng mạnh nhất trong nhiều thập kỷ bất chấp lực cầu sụt giảm trên toàn cầu. Hermès vừa mở một cửa hàng quy mô lớn ở phố Bond của London (hãng đã có mặt ở đây từ 40 năm trước) và tháng tới sẽ tổ chức một cuộc triển lãm để tôn vinh tinh thần tự do. Đây là một phần trong sáng kiến biến London thành cỗ máy kiếm tiền chủ lực của Hermès – nơi giao hòa giữa dòng tiền cũ và dòng tiền mới, châu Âu và châu Mỹ và cũng là nơi thu hút khách du lịch từ các thị trường mới nổi sẵn sàng bỏ tiền mua các mặt hàng xa xỉ.

Câu chuyện dần kết thúc và cũng là lúc món tráng miệng được đưa ra. Chúng tôi có xoài, kem quýt và một chút bánh quy cùng với món trà Thổ Nhĩ Kỳ. Dumas là một “fan” bự của loại trà này. “Mùi của nó giống như mùi của gỗ tươi trong rừng sau một cơn mưa nhỏ. Loại trà này rất tốt cho sức khỏe”, Dumas giảng giải.

Bữa ăn kết thúc, chúng tôi rời khỏi phòng ăn. Dumas dẫn tôi đi qua một bảo tàng nhỏ, nơi tôi có thể nhìn thấy những chiếc túi Kelly đầu tiên và cả chiếc yên ngựa được làm cho Napoleon Bonaparte.

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM