'Vua' túi Hermes: Không bao giờ sản xuất hàng rẻ tiền
14/10/2012 09:50 AM
|
"Đắt bởi giá trị của sự tinh xảo hiếm hoi được tìm thấy chứ không phải sự xa xỉ".
Phụ nữ thể hiện đẳng cấp và sự thành đạt, các cô gái "phát cuồng" lên vì những chiếc túi Hermes Berkin sang trọng và tinh tế. Những ngôi sao lớn trên thế giới và trong nước không thể thiếu trong tủ đồ của mình nhãn hiệu thời trang cao cấp Hermes.
Từ xưởng may yên ngựa nhỏ bé đầu tiên tại Paris cách đây hơn 175 năm, ngày nay Hermes đã có tới 345 cửa hàng trên toàn thế giới. Hermes luôn là một trong những thương hiệu dẫn đầu trong top 10 thương hiệu xa xỉ nhất thế giới...
Có quá nhiều cách biệt giữa một thương hiệu xa xỉ hàng đầu thế giới với một nền kinh tế đang phát triển như VN. Nhưng Chủ tịch toàn cầu của Tập đoàn Hermes, ông Patrick Thomas lại dành sự ưu ái đặc biệt với thị trường VN khi có mặt tại buổi khai trương cửa hàng thứ 2 của hãng này tại Trung tâm thương mại Vincom Center A TP.HCM mới đây. Điều gì ở VN đã hấp dẫn và "lôi kéo" được vị chủ tịch này, Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn nhanh với ông Patrick Thomas để tìm hiểu lý do.
Đây là lần đầu tiên ông tới VN?
Cách đây 15 năm, khi chưa là chủ tịch của Hermes tôi đã tới VN du lịch. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi tới VN để khai trương cửa hàng Hermes với cương vị là Chủ tịch toàn cầu của Tập đoàn Hermes.
Điều gì ở VN đã hấp dẫn ông?
Tại Hermes thì niềm đam mê với tương lai và sự tôn trọng quá khứ gắn liền với nhau và được chúng tôi tôn vinh trong các thiết kế cũng như trong công việc thủ công của mình. Tôi tìm được cả 2 lý do đó tại VN, những khách hàng tri kỷ và những nghệ nhân khéo léo, tinh xảo.
Cảm xúc của ông khi có mặt ở VN để khai trương cửa hàng tại TP.HCM?
Cách đây 4 năm khi Hermes khai trương cửa hàng đầu tiên ở Hà Nội là một ngày mưa gió ngập lụt, lãnh đạo của Hermes tới dự đã phải xắn quần lội tới gặp gỡ báo chí. Nhưng hôm nay thì thời tiết rất tốt. Tôi đã ngắm một vòng quanh đây (Vincom Center A) và thấy rất đẹp, rất sang trọng và thuận tiện. Cửa hàng tại Vincom Center A thực sự là một giấc mơ của Hermes vì có đầy đủ hết 16 ngành hàng. Không có nhiều cửa hàng trên thế giới làm được điều đó. Cửa hàng tại Hà Nội cũng không đủ.
Tháng 6.2012, thương hiệu thời trang cao cấp Hermes xếp thứ 3 trong danh sách 10 thương hiệu xa xỉ nhất thế giới do Hãng nghiên cứu Millward Brown Optimor công bố. Trước đó, tháng 2.2012, theo xếp hạng của Hiệp hội Hàng xa xỉ thế giới, Hermes dẫn đầu trong bảng xếp hạng danh giá này.
Hermes luôn nằm trong top các thương hiệu xa xỉ nhất thế giới còn VN vẫn là nền kinh tế đang phát triển, liệu có quá liều lĩnh khi kỳ vọng vào thị trường còn khó khăn như vậy không, thưa ông?
Có lẽ tôi sẽ làm các anh chị ngạc nhiên khi nói rằng, Hermes không phải là một thương hiệu xa xỉ mà là thương hiệu tôn vinh những nghệ nhân làm thủ công. Đây là điểm chung giữa Hermes và VN. Ở VN, các nghệ nhân và ngành nghề thủ công rất phát triển. Cha đẻ của thương hiệu này là một nghệ nhân và ông đã bắt đầu từ một cái yên ngựa. Nên từ năm 1990, Hermes bắt đầu tạo ra "con đường sơn mài" để khám phá nghề thủ công kỳ diệu này ở VN. Năm 2000, việc kết hợp giữa sự tinh xảo của Hermes với các thợ thủ công VN, những người nắm giữ bí mật của sơn mài đã tạo được một chú la rất thanh lịch được đặt tên là Amour (tình yêu). Đó là sự kết hợp giữa nghệ thuật làm đồ da và kỹ thuật làm sơn mài lâu đời. Đến nay, VN là nước duy nhất trên thế giới có những nghệ nhân tham gia vào một số công đoạn thủ công tinh xảo của Hermes.
Ông nói Hermes không xa xỉ nhưng tôi mới "khảo giá" trong cửa hàng này thì mỗi chiếc túi đều từ hàng trăm tới vài trăm triệu đồng, khoảng 12 triệu đồng cho một chiếc thắt lưng, quần tây 15 triệu đồng/chiếc... Rõ ràng, giá của nó rất đắt so với thu nhập của người VN chúng tôi?
Nếu nói về giá thì đúng nó rất cao. Không chỉ ở VN, giá của Hermes còn cao ở tất cả các thị trường trên thế giới. Tuy nhiên, nó vẫn được ưa chuộng vì khi nói về sản phẩm Hermes, chúng ta không nói về giá mà là về giá trị cũng như tính trường tồn, yếu tố thời gian trong mỗi sản phẩm. Như tôi vừa nói trên, nó đắt bởi giá trị của sự tinh xảo hiếm hoi được tìm thấy chứ không phải sự xa xỉ.
Chứ không phải là một cuộc chạy đua để thể hiện "tôi giàu có, tôi quyền lực" khi khoác trên mình những sản phẩm đắt đỏ nổi tiếng toàn cầu của Hermes, thưa ông?
Tôi lại cho rằng, "gu" thẩm mỹ của người VN đã tăng rất cao, sát với nhiều thị trường khu vực và thế giới. VN đang hướng tới những sản phẩm vừa là chất lượng, vừa là thẩm mỹ. Đẳng cấp của Hermes không chỉ đơn giản là giá trị, chất liệu mà còn là nội dung, về câu chuyện đằng sau mỗi sản phẩm mà họ mua.
Sau 4 năm Hermes có cửa hàng thứ 2 tại VN, theo tôi hiểu thì công ty đã đạt được kỳ vọng về tăng trưởng. Ông có thể tiết lộ về con số doanh thu của Hermes ở Hà Nội và đánh giá thế nào về thị trường VN?
Hermes Hà Nội có mức tăng trưởng từ 20-30% trong những năm qua. Tôi cho rằng VN là một thị trường tiềm năng và đang phát triển rất nhanh. Ngày càng nhiều người tiêu dùng muốn có những sản phẩm cao cấp. Tôi rất tự tin nói rằng, kỳ vọng của tôi cho cửa hàng này là rất nhiều, ít nhất cũng đạt mức tăng trưởng như ở Hà Nội.
Kinh tế toàn cầu khủng hoảng, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Nhiều thương hiệu cao cấp trên thế giới cũng "rẽ ngang" khi đi vào phân khúc các sản phẩm rẻ hơn để phù hợp với bối cảnh chung. Đã bao giờ Hermes có ý tưởng này chưa?
Đúng là tình hình kinh tế thế giới đã xấu đi nhưng tại Hermes, chúng tôi chưa bao giờ có ý tưởng như vậy. Lý do đầu tiên là chúng tôi luôn nhắm tới yếu tố chất lượng cao cho mỗi sản phẩm mà chúng tôi tạo ra. Thứ hai là thương hiệu Hermes vẫn luôn phát triển ở tất cả các quốc gia. Trong 175 năm lịch sử của Hermes, tính đến giờ chúng tôi chưa bao giờ hy sinh, nhượng bộ hay làm sai đi tính chân lý của mình và ngày hôm nay cũng thế.
Vậy thì chắc tôi phải phấn đấu nhiều hơn, lâu hơn nữa mới có thể sở hữu một chiếc túi hiệu Hermes mà các bà, các cô trên toàn thế giới đã và đang "phát cuồng" vì nó...
Tôi cho rằng đó là một ý tưởng sáng suốt... (cười lớn).
Sự hợp tác giữa Hermes và VN được tiếp tục với việc cho ra đời các đồ trang sức, phụ kiện và các vật dụng kết hợp giữa sừng và sơn mài. Việc chế tác sừng trâu và sơn mài được thực hiện tại 2 xưởng thủ công ở TP.HCM. Bàn tay của nghệ nhân thêu VN cũng tham gia tô điểm cho một số món đồ art of living (nghệ thuật sống) như khăn trải bàn hay drap trải giường của Hermes.
Theo Nguyên Hằng
Thanh Niên