Nhiều doanh nghiệp Việt Nam làm mưa làm gió ở thị trường nước ngoài
Không chỉ "ăn nên làm ra" ở thị trường trong nước, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang "bội thu" ở các thị trường nước ngoài sau những năm tháng mở đường gian truân.
Trong khi cộng đồng doanh nghiệp trong nước đang loay hoay xoay sở với bài toàn cạnh tranh trên sân nhà thì nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư, vươn ra chiếm lĩnh thị trường ngoài nước và bước đầu gặt hái thành công tại các quốc gia khác.
Nhắc đến những doanh nghiệp thành công ở thị trường ngoại không thể không kể đến Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, Tập đoàn FPT, Vinamilk, Tập đoàn TH...
Đầu tiên, ở lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin, điển hình trong công cuộc viễn chinh là Tập đoàn Viễn thông quân đội - Viettel.
Báo cáo tài chính năm 2015 của Viettel cho thấy, trong tổng doanh thu của Tập đoàn này đạt gần 223.000 tỷ đồng. Trong đó, có đến khoảng 30.000 tỷ đồng rót về từ thị trường nước ngoài.
Có được điều này là nhờ 10 năm qua, Viettel đã tìm đường đầu tư sang các thị trường mới như Châu Phi, Châu Mỹ. Đến thời điểm hiện tại, tập đoàn Viettel đã có mặt ở 10 nước tại châu Á, châu Mỹ, châu Phi, cung cấp dịch vụ cho khoảng 75 triệu khách hàng.
Tiếp theo là Tập đoàn FPT. Chỉ tính riêng năm 2015, doanh thu từ thị trường nước ngoài toàn tập đoàn ước đạt 4.859 tỷ đồng, tương đương 221 triệu USD, tăng 41% so với năm 2014. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 674 tỷ đồng, tương đương 31 triệu USD, tăng 17%.
Với con số trên, hiện doanh thu từ thị trường nước ngoài chiếm khoảng 12% tổng doanh thu của FPT.
Đại diện FPT cho hay, mục tiêu năm 2016, doanh thu từ thị trường nước ngoài sẽ lớn hơn doanh thu từ thị trường trong nước với tốc độ tăng trưởng 40%/năm.
Ở lĩnh vực đồ uống, Vinamilk nổi lên là một đại gia hút bạc tỷ từ các đồng vốn bỏ ra nước ngoài.
Báo cáo tài chính của Vinamilk trong 2015 cho thấy, với tổng doanh thu trên 40.000 tỷ đồng, doanh thu từ nước ngoài chiếm 8.000 tỷ đồng, tăng 39%, tương ứng gần 2.200 tỷ đồng so với năm 2014.
Mới đây nhất, Tập đoàn TH đã chi 2,7 tỷ USD đầu tư Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao tại Matxcơva (Nga).
Ở lĩnh vực khai khoáng, tiên phong đầu tư ra nước ngoài phải kể đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Trước đó, ông Vũ Văn Nghiêm - trưởng ban dự án nước ngoài của tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, hiện tập đoàn đã đầu tư ra nước ngoài 17 dự án, chủ yếu thuộc lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí. Giá trị đầu tư lên tới 2,6 tỷ USD.
Ông Nghiêm khẳng định việc đầu tư ra nước ngoàigiúp PVN gia tăng trữ lượng dầu khí 170 triệu tấn dầu quy đổi. Đến nay PVN đã khai thác được 5,4 triệu tấn, số lợi nhuận chuyển về nước đạt 470 triệu USD.
Ở lĩnh vực tài chính, ngân hàng, một số ngân hàng như Vietinbank, BIDV, Agribank… cũng đang đổ bộ sang hoạt động tại nước ngoài, đặc biệt trong khối ASEAN như Myanmar, Lào, Campuchia...
Theo thống kê Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), doanh nghiệp Việt đã đầu tư gần 20,5 tỷ USD ra nước ngoài. Thị trường đầu tư tập trung chủ yếu ở Lào, Campuchia, châu Phi, châu Mỹ… Về lĩnh vực, các doanh nghiệp Việt chủ yếu rót vốn vào khai khoáng, nông nghiệp, viễn thông…
Ông Đặng Xuân Quang - Phó cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư nhận định, song song với hoạt động thu hút đầu tư FDI của nước ngoài vào Việt Nam, trong những năm qua các doanh nghiệp Việt đã tích cực đầu tư sang nước ngoài.
"Cho đến thời điểm này tôi có thể khẳng định công tác đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam đã đem lại những hiệu quả cao. Một số ngành đầu tư đã cho lợi nhuận lớn như: dầu khí, công nghiệp chế tạo, viễn thông…” - ông Quang nói.
Ông Quang cho rằng, trong thời gian tới sẽ tiếp tục thúc đẩy công tác đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt mở rộng ra nhiều nước trên thế giới chứ không chỉ bó hẹp đầu tư ở Lào, Campuchia... Từ đó, nâng cao hiệu quả đầu tư từng dự án, đem lại doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp.