Doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài: Con dao hai lưỡi
Nhiều chuyên gia lo ngại, nếu quản không chặt, mang hàng tỉ USD đến xứ người khi trong nước còn khát vốn, chẳng khác nào “con dao hai lưỡi”... Tuy nhiên, đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) được xem là một trong những chiến lược của DN, đặc biệt trong thời điểm được coi là “cơ hội khác thường” này.
Đừng chỉ nhìn Lợi ích tức thì
Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài: Bản thân các DN tư nhân đã dám mang tiền đầu tư ra nước ngoài thì chắc chắn họ sẽ phải tìm cách đầu tư cho hiệu quả. |
Tuy nhiên, để hoạt động đầu tư ra nước ngoài thực sự mang lại hiệu quả thì các cơ quan quản lý cần phải tiếp tục rà soát, xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định bất cập. Đồng thời bổ sung thêm các quy định cần thiết để bảo đảm tính pháp lí cao hơn cho các hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Xem những lĩnh vực nào, những ngành nào là thế mạnh của mình có thể đầu tư ra nước ngoài mang lại hiệu quả tốt đem ngoại tệ về cho đất nước thì cần khuyến khích. Nếu không, hoạt động này chẳng khác nào “con dao hai lưỡi”, DN dễ dẫn đến những rủi ro trong đầu tư, kinh doanh tại nước sở tại.
Thực tế cho thấy, nhiều DN của ta chưa có sự liên kết chặt chẽ với nhau trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại nước sở tại nên hoạt động thường đơn lẻ, khó làm ăn lớn và đôi khi còn có xung đột về lợi ích. Đặc biệt là đối với lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài có sử dụng vốn đầu tư của nhà nước, cần phải bổ sung các quy định chặt chẽ hơn về quy trình, thủ tục...
Nếu còn nghi ngại, DN và quốc gia đều thiệt
Ông Võ Trường Sơn - Phó tổng giám đốc tập đoàn Hoàng Anh Gia lai (HAGL): Các ý kiến lo ngại những dự án đầu tư ra nước ngoài làm chảy máu ngoại tệ chỉ là cái nhìn cục bộ. |
Việc đầu tư ra nước ngoài, hay các nước đầu tư vào VN đều giống nhau. Vấn đề là nên xem xét kỹ lưỡng danh mục đầu tư có đem lại hiệu quả không?
Liên kết là yếu tố quan trọng
Ông Trần Văn Mười - Chủ tịch Tập đoàn quốc tế Năm Sao, thành viên AVIC: Sức mạnh liên kết DN và sự hậu thuẫn từ Chính phủ, các Bộ, ban, ngành... sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sự thành công. |
Ngoài ra, cũng phải kể đến vai trò của hiệp hội DN khi đầu tư ra nước ngoài khi đưa ra những đề xuất, giải pháp nhằm bảo vệ, tìm kiếm những ưu đãi có lợi nhất cho hội viên. Đơn cử, để có thể thực hiện thành công kế hoạch từ nay đến 2015, AVIC đã đưa ra một số đề xuất với Chính phủ hai nước, cụ thể: Đề xuất xây dựng chiến lược hợp tác dài hạn gắn với chiến lược đầu tư; hướng dẫn triển khai Hiệp định khuyến khích bảo hộ đầu tư; Thống nhất về thủ tục hải quan giữa hai nước; Nghiên cứu biện pháp quản lý, phát triển giao thương qua đường tiểu ngạch giữa hai nước; Tổ chức các hội chợ triển lãm hàng hóa; Đẩy mạnh hợp tác, đầu tư cơ sở hạ tầng; Chỉ đạo các ngân hàng VN xem xét mở chi nhánh tại các cửa khẩu. Mở rộng danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan...
Cẩn trọng đầu tư ra nước ngoài đối với DNNN
Ông Đào Quang Thu - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư: ĐTRNN có thể làm giảm cơ hội việc làm, thu nhập trong nước, giảm nguồn thu cho NSNN nếu sử dụng không hiệu quả vốn đầu tư. |
Tính sơ bộ đến hết năm 2012, các DN VN đầu tư ra nước ngoài đã mang về cho đất nước 430 triệu USD lợi nhuận, chủ yếu trong lĩnh vực dầu khí, viễn thông, cao su.... Doanh thu của các dự án đã đi vào hoạt động cũng như lợi nhuận chuyển về nước còn khiêm tốn nhưng đây là một tín hiệu tích cực, bởi từ một quốc gia chỉ đi thu hút đầu tư nước ngoài, nay các DN VN đã có thể cho mang “chuông đi đấm xứ người”. Điều đó chứng tỏ, nội lực của bản thân DN trong nước đã mạnh nên mới có sức vươn ra ngoài. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận, nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài còn chưa hiệu quả, chủ yếu là do hệ thống luật pháp, chính sách của nước tiếp nhận đầu tư không ổn định, luôn thay đổi và thường không dự báo trước được. Bên cạnh đó, nhà nước chưa được chú trọng ĐTRNN (nhất là đối với các DN tư nhân), chủ yếu là DN tự quyết, tự chịu trách nhiệm...
Năm 2012, có tới 1,2 tỉ USD được các DN VN mang ra nước ngoài. Đây là một con số không nhỏ trong bối cảnh kinh tế trong nước khó khăn, dự trữ ngoại hối và cán cân thanh toán khá căng thẳng trong những năm qua. Vì thế, cần sớm có một chiến lược đầu tư ra nước ngoài để ngăn chặn các tác động tiêu cực vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn vốn đầu tư, các mục tiêu và tăng trưởng kinh tế trong nước, nhất là các nước đang phát triển như VN.
Việc đầu tư ra nước ngoài, hay các nước đầu tư vào VN đều giống nhau. Vấn đề là nên xem xét kỹ lưỡng danh mục đầu tư có đem lại hiệu quả không? |