Nguyễn Kim, Trần Anh rất dễ bị thâu tóm bởi chính các cổ đông chiến lược của mình
Xu hướng nhiều doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam liên doanh liên kết với các nhà bán lẻ nước ngoài đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ thâu tóm…
Đó là khẳng định của ông Trần Bá Cường, Trưởng phòng WTO, Vụ chính sách đa biên, (Bộ Công Thương) đưa ra khi trao đổi về việc tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong ngành bán lẻ.
Làn sóng đầu tư từ các nhà bán lẻ Thái Lan trong thời gian gần đây được xem là sự cảnh báo cho thị trường trong việc các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt rót vốn vào Việt Nam.
Dẫn chứng là hàng loạt các ông lớn trong ngành bán lẻ của nước này đã nhắm đến các doanh nghiệp có thị phần và quy mô lớn tại Việt Nam. Đơn cử như câu chuyện Tập đoàn BJC mua lại Metro và còn có thông tin đang nhắm tới việc mua lại BigC Việt Nam.
Bên cạnh đó, hoạt động liên doanh liên kết cũng là xu hướng được các nhà bán lẻ nhắm đến để thâm nhập thị trường Việt Nam. Theo đó, hàng loạt các doanh nghiệp bán lẻ của Hàn Quốc và Nhật Bản thông qua hình thức liên doanh, liên kết đã mua khoảng 20-40% cổ phần của một số doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu của Việt Nam như Nguyễn Kim và Trần Anh, Fivimart hay Citimart.
“Ban đầu chỉ mua 10 – 20% cổ phần trên cơ sở làm đối tác nhưng lâu dần sẽ thâu tóm, đó là điều chắc chắn xảy ra” – ông Trần Bá Cường khẳng định.
Bởi theo lý giải của đại diện Bộ Công Thương, đối với các nhà đầu tư bán lẻ nước ngoài thì việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do đã khiến cho Việt Nam đã trở thành là mảnh đất tiềm năng trong con mắt các nhà đầu tư. Với cái nhìn dài hạn trong tương lai, trong khi tầm nhìn của các doanh nghiệp còn hạn chế, nên các nhà đầu tư nước ngoài đã ồ ạt đổ vốn vào Việt Nam.
Phân tích cụ thể hơn, ông Cường cho biết thị trường nội địa của Việt Nam rất tiềm năng, khi so sánh với các nước trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì Việt Nam chỉ thua Mỹ và Nhật Bản về mặt dân số.
“Quy mô thị trường lớn nên rõ ràng họ muốn chiếm lĩnh thị trường Việt Nam thông qua hoạt động bán lẻ. Với các hiệp định thương mại thế hệ mới, các nhà bán lẻ sẽ tận dụng lợi thế miễn thuế thông qua hệ thống siêu thị, để cung cấp hàng hóa bán vào Việt Nam” – Ông Trần Bá Cường nói.
Với những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và tầm nhìn mà các nhà bán lẻ nước ngoài nhìn thấy, đại diện Bộ Công Thương nhận định chắc chắn khi TPP có hiệu lực, luồng đầu tư vào bán lẻ sẽ rất nhiều.
“Điều này đặt nặng lên vai nhà bán lẻ trong nước, sẽ phải phát triển như thế nào và cạnh tranh liên doanh liên kết như thế nào, tái cơ cấu và hoạt động như thế nào để cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập mới” – ông Cường nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng nguy cơ thâu tóm là thách thức lớn nhất đặt ra với doanh nghiệp nếu như bản thân doanh nghiệp và chính sách không có sự thay đổi.
“Hiện nay chúng ta đang bị lấn dần, còn ta có phá sản hay không thì là chuyện khác. Nên cần phải khắc phục những điểm yếu như chiến lược kinh doanh, kết hợp sản xuất với phân phối, giảm bớt chi phí kinh doanh và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh…”, ông Phú khuyến cáo.