Nguy cơ khủng hoảng nợ ở Trung Quốc
Các chuyên gia cho rằng các biện pháp giải quyết nợ chính quyền địa phương ở Trung Quốc là chưa triệt để, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang chững lại.
Báo Wall Street Journal (Mỹ) phân tích nợ hiện nay ở Trung Quốc có ba vấn đề cơ bản: Lãi suất vay ngân hàng quá cao (7%); nợ nần của các chính quyền địa phương có quy mô lớn; một số doanh nghiệp mắc nợ không thể duy trì hoạt động, đặc biệt là doanh nghiệp quốc doanh.
Do thị trường bất động sản bão hòa, các ngân hàng quốc doanh rơi vào thế bế tắc. Trong năm tháng đầu năm, diện tích đất đai giao dịch giảm 31%, diện tích khởi công xây dựng nhà ở mới giảm 16%, diện tích nhà ở hoàn thành giảm 13%. Từ đó, các khoản nợ ngân hàng và cho vay tại các địa phương đã lên tới 18.000 tỉ nhân dân tệ (hơn 63,6 triệu tỉ đồng VN), tương đương 1/3 GDP.
Nhằm giảm khủng hoảng nợ nần, chính phủ Trung Quốc đã cho phép các tỉnh phát hành trái phiếu địa phương và cho phép các địa phương đàm phán với ngân hàng để chuyển đổi các khoản vay đáo hạn thành trái phiếu.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc phát hành trái phiếu trong 20 năm nay. Tuy được phép phát hành trái phiếu nhưng các chính quyền địa phương lại không thể đưa ra lợi ích thu hút nhà đầu tư, vì vậy nhu cầu trái phiếu địa phương sụt giảm.
Tháng 5 vừa qua, để giải quyết nợ, chính quyền Bắc Kinh đã chỉ thị cho các ngân hàng quốc doanh mua trái phiếu chính quyền địa phương. Trên thực tế là chuyển tiền vay ngân hàng lãi suất cao của chính quyền địa phương thành trái phiếu.
Trái phiếu sẽ được coi là vật thế chấp và các ngân hàng được rút tiền lãi với lãi suất thấp từ ngân hàng trung ương. Biện pháp này giống như chuyển nợ chính quyền địa phương về trung ương, như vậy tốc độ tăng nợ chính phủ sẽ gia tăng.
Chuyên gia Cao Tuấn Kiệt (tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings) nhận xét nguy cơ ở chỗ các ngân hàng quốc doanh vẫn là nguồn mua trái phiếu địa phương lớn nhất. Chuyên gia Chu Hải Bân (Tập đoàn JP Morgan) nhận định chuyển đổi trái phiếu - nợ vay ngân hàng thật ra chỉ là tái cấu trúc nợ và vấn đề nợ nần vẫn ngày càng nghiêm trọng.
Mặt khác, vấn đề nợ nần càng thêm căng thẳng xuất phát từ nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại, tăng trưởng hai chữ số đã giảm còn khoảng 7%. Tập đoàn JP Morgan đánh giá nợ xấu hiện nay của Trung Quốc gần 10% nhưng quy mô nợ chiếm tỉ trọng rất cao trong GDP.
Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược và phát triển quốc gia Trung Quốc Lưu Nguyên Xuân nhận định kinh tế Trung Quốc có khả năng xuất hiện trì trệ và tụt giảm toàn diện. Ông ghi nhận GDP trong hai quý đầu năm 2015 đã giảm 1,2%. Tình trạng này đã xảy ra hai lần trong 25 năm qua và trong cả hai thời kỳ này, kinh tế đều rơi vào trì trệ, khủng hoảng.