Giáo dục tiếng Anh tại Việt Nam: Sau IELTS, TOEFL sẽ là gì?

07/12/2015 15:28 PM | Kinh doanh

Giáo dục tiếng Anh tại Việt Nam hiện nay, không chỉ dừng lại ở việc phổ cập ngôn ngữ. Thay vì hài lòng với điểm thi IELTS, TOEFL hay SAT, các thí sinh có nhu cầu đi du học đang buộc phải chuẩn bị cho mình những hành trang cao cấp hơn.

Thời điểm cách đây khoảng hơn 10 năm, tiếng Anh được xem là lợi thế cực lớn của bất kỳ ai khi đi xin việc. Các nhà tuyển dụng luôn ưu tiên những ứng viên có thể sử dụng tiếng Anh, dù chỉ ở mức độ căn bản.

Với những người có nhu cầu đi du học thì những chứng chỉ như IELTS, TOEFL được coi là tiêu chuẩn hàng đầu. Một bộ hồ sơ “đẹp” để đi du học thời điểm đó chỉ đơn giản là việc IELTS được 7 “chấm” trở lên, TOEFL hơn 100 điểm,…

Nắm bắt được tâm lý này, hàng loạt các trung tâm dạy tiếng Anh mọc lên ở khắp các thành phố lớn. Đối tượng của những trung tâm này rất rộng, từ những người học tiếng Anh để đạt trình độ cơ bản cho tới những học sinh được phụ huynh gửi gắm với mong muốn con mình đạt điểm thi tiếng Anh càng cao càng tốt. Trong tâm trí những phụ huynh này, muốn đi du học chỉ đơn giản là hãy thành thạo 4 kỹ năng: nghe , nói, đọc, viết.

Mặc dù vậy, sau hơn 1 thập kỷ tiếng Anh trở thành một phần không thể thiếu, cùng với sự phát triển của mạng Internet và toàn cầu hóa, giáo dục tiếng Anh hiện nay, đặc biệt ở các thành phố lớn đã có những sự thay đổi.

“Tiếng Anh giờ không chỉ đơn thuần là học ngôn ngữ nữa”, ông Trần Việt Hưng, chủ tịch một trung tâm tiếng Anh tại Hà Nội nhận định. Theo ông Hưng, trình độ một bộ phận học sinh hiện nay, những người chịu ảnh hưởng lớn nhất từ trào lưu đua nhau học tiếng Anh trong những năm qua, đã có sự phát triển vượt bậc.

Kết quả là nếu chỉ một chứng chỉ như IELTS hay TOEFL là không đủ để tạo ra sự khác biệt.

“Khi mà điểm IETLS, TOEFL của ai cũng cao như nhau thì các thí sinh phải nỗ lực thêm nhiều kỹ năng nữa để làm đẹp hồ sơ của mình”.

Chẳng hạn, để chuẩn bị hồ sơ đi du học Mỹ, bên cạnh chứng chỉ TOEFL, hầu hết các thí sinh đều phải học chuẩn bị cho kỳ thi SAT, một kỳ thi gồm 3 phần chính là Toán, đọc và viết.

Tiếp nhận nhu cầu đó, hiện tại các thành phố lớn có rất nhiều trung tâm đào tạo SAT. Đến khi SAT dự kiến đổi mới nội dung thi vào năm 2016, các thí sinh muốn điểm cao lại phải nhanh chóng chuyển sang với kỳ thi ACT, có tuổi đời và giá trị ngang SAT nhưng ít phổ biến hơn tại Việt Nam, chủ yếu vì phải thi nhiều môn hơn.

Cuộc "chạy đua vũ trang"

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn thì SAT hay ACT cũng chỉ là những chứng chỉ cơ bản. Ngày nay, không ít thí sinh đăng ký thi SAT II, bài thi kiểm tra trình độ học sinh trong các môn học/lĩnh vực cụ thể.

Không giống như SAT gần như bắt buộc phải có trong các bộ hồ sơ, các trường đại học Mỹ đa phần không yêu cầu học sinh phải có SAT II. SAT II bao gồm những môn cơ bản như toán, lý, hóa, sinh hay lịch sử Mỹ.

“Họ lựa chọn thi thêm SAT II để thể hiện khả năng học cũng như tăng thêm sức nặng cho bộ hồ sơ của mình”, ông Hưng cho biết.

Rồi SAT II cũng sẽ sớm trở thành … bước cơ bản. Với việc xét tuyển vào các trường đại học của Mỹ ngày càng khó khăn, nếu muốn vào được những trường hàng đầu, các thí sinh còn cần được “rèn luyện” qua những trung tâm chuyên hướng dẫn du học.

Không như những trung tâm tiếng Anh thông thường,  trung tâm hướng dẫn du học sẽ hỗ trợ thí sinh làm một bộ hồ sơ đúng kiểu, hướng dẫn chọn trường phù hợp khả năng, tư vấn ngành học, hướng dẫn làm bài luận, xin tiền học bổng cao hơn, hay thậm chí là tham gia hoạt động thiện nguyện để đẹp hồ sơ.  

Tất nhiên, chi phí cũng rất đắt đỏ khi tổng số tiền phải trả có thể lên tới cả trăm triệu đồng.

Để chuẩn bị tốt hơn nữa, một số học sinh thì tranh thủ hoàn thành ngay những môn học cơ bản theo chương trình AP của các trường trung học Mỹ. Điểm lợi của việc học những môn theo chuẩn AP đó là nếu trong kỳ thi môn đấy (được tổ chức tại các trường quốc tế ở Việt Nam) và đạt điểm số tối thiểu 4/5, họ sẽ được miễn môn học khi sang Mỹ.

Những môn học theo chương trình AP rất đa dạng, từ toán học, hóa học cho tới các môn phức tạp với người ngoại quốc như văn học Mỹ, chính trị,… Khác với SAT hay ACT, những kỳ thi theo chương trình AP chỉ tổ chức mỗi năm 1 lần theo đúng học kỳ của trường trung học.

Vì vậy, học sinh muốn hoàn thành được các bộ môn này, nếu không học ở các trường quốc tế, thì phải có tính kiên trì cực cao khi phải theo đuổi môn học trong suốt cả năm.

Chi phí cho những khóa học này không hề rẻ, nhưng theo anh Hưng thì cũng không quá đắt. “Nếu học cũng một môn này ở Mỹ, chi phí phải bỏ ra sẽ cao gấp 4 lần nếu hoàn thành tại Việt Nam”, anh Hưng cho biết.

TOEFL/IELTS, rồi tới SAT, SAT II, rồi AP, với quá nhiều chương trình học như hiện nay, có thể thấy ngày nay học sinh có nhu cầu không chỉ học ngôn ngữ tiếng Anh nữa mà đang dần định hình sang việc giáo dục bằng tiếng Anh.

Việc các bậc phụ huynh và học sinh tham gia và các khóa học nâng cao và trung tâm hướng dẫn du học cho thấy sự nâng cao về nhận thức của khách hàng trong việc học tiếng Anh.

Ngày nay, các bậc phụ huynh lẫn học sinh đã dần nhận thức được du học không phải lúc nào cũng giống nhau, và để cho con cái mình vào được những trường đại học hàng đầu, việc chuẩn bị trước cho một cuộc đua dài hơi là cần thiết.

Đường dẫn đến các trường đại học trong top 30 của nước Mỹ, cũng gian nan và cần tới những “lò luyện thi” không thua kém gì việc thi đại học tại Việt Nam.

Cứ thế, cứ thế, việc học tiếng Anh không chỉ dừng lại ở việc biết thêm một ngoại ngữ, mà thực sự đã trở thành một cuộc “chạy đua vũ trang” giữa những người có nhu cầu du học.

Trang Lam

Cùng chuyên mục
XEM