Mỗi ngày Uber chuyển 1 tỉ về Hà Lan, thuế Việt Nam thu sao?

21/01/2016 14:45 PM | Kinh doanh

Cơ quan thuế VN vẫn chưa nhận được tiền thuế từ Uber, dù mỗi ngày Uber chuyển 1 tỉ đồng lợi nhuận về trụ sở chính ở Hà Lan.

Nếu làm tốt có lợi cho nhiều bên

TS, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đánh giá những loại hình kinh doanh dạng như Uber đang có xu hướng phát triển mạnh và “nếu xử lý tốt thì sẽ có lợi cho tất cả các bên, từ người cung cấp đến người thụ hưởng dịch vụ”.

Việc đảm bảo bình đẳng, an toàn và thu được thuế là ba điều tiên quyết cần phải giải quyết đối với loại hình kinh doanh này.

“Ở VN, vấn đề thu thuế có vẻ là khó khăn nhất bởi từ trước đến giờ chúng ta đã quen với việc thu thuế có địa chỉ rõ ràng và chưa quen quản lý kinh doanh trên mạng, mặc dù ít nhiều đã có những nghị định về quản lý thương mại điện tử”, TS Nguyễn Minh Phong đánh giá.

Phát triển công nghệ là tốt vì nó đem lại lợi ích cho người tiêu dùng nhưng cơ quan thuế không chấp nhận việc kinh doanh nhưng không nộp thuế.

Hiện cơ quan thuế đang chờ ý kiến chỉ đạo từ Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính để thu thuế sao cho đồng bộ các địa phương vì hiện nay dịch vụ này không chỉ phát triển ở TP.HCM mà còn ở nhiều địa phương khác.

Đại diện Cục thuế TP.HCM

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Việt Khôi, khoa Kinh tế và kinh doanh quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng có thể tiến hành thu từ hai nguồn, một là người chủ của Uber và hai là người cung cấp dịch vụ (tài xế xe).

Về phía người cung cấp dịch vụ, PGS.TS Nguyễn Việt Khôi đưa ra ví dụ tại Úc, chính phủ quy định người lái xe tham gia Uber sẽ phải đóng thuế trên phần thu nhập mà họ nhận được.

Từ chỗ bị đánh thuế trực tiếp, những người tài xế cung cấp dịch vụ sẽ thương lượng với Uber và yêu cầu Uber chia sẻ trách nhiệm nộp thuế với họ.

“Họ đánh thuế thẳng vào những người cung cấp dịch vụ, không quan tâm đến chủ của Uber nữa bởi thực tế việc thu thuế của những người tài xế trong khu vực địa lý mà chúng ta quản lý được có vẻ dễ dàng hơn”, PGS.TS Nguyễn Việt Khôi nói.

Mặt khác cũng có thể tiến hành thu thuế những người sử dụng dịch vụ, tức hành khách đi xe.

“Đó gọi là thuế bán hàng. Nghĩa là bạn mua bất kỳ sản phẩm, dịch vụ nào, bạn cũng phải đóng thuế”. PGS.TS Nguyễn Việt Khôi phân tích thêm.

Bên cạnh đó, theo TS Nguyễn Minh Phong cần phải có chế tài thật nặng đối với những tổ chức, cá nhân sự dụng dịch vụ của Uber mà không đăng ký với cơ quan chức năng.

“Phải chế tài thật nặng những người trốn đăng ký, hoạt động chui để khống chế phần tiền lời mà họ có được. Từ đó để họ tự giác hơn trong việc đăng ký và kê khai thuế”, ông Nguyễn Minh Phong nói.

Những giải pháp về công nghệ

Về giải pháp thu thuế từ Uber, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát được nguồn tiền thu của Uber.

“Có thể sử dụng một phần mềm đặc biệt, bắt buộc Uber và người cung cấp dịch vụ phải cài đặt phần mềm này để cơ quan thuế có thể kiểm tra”, TS Nguyễn Minh Phong đề xuất.

Kiểm soát nguồn tiền của Uber cũng là giải pháp mà PGS.TS Nguyễn Việt Khôi đề cập. Ông Khôi cho rằng phải có sự kết hợp giữa ngân hàng và cơ quan thuế.

“Ngân hàng sẽ là bên cung cấp thông tin một năm người Việt chi bao nhiêu tiền vào việc sử dụng dịch vụ của Uber (vì người dùng Uber đều trả tiền thông qua thẻ) và cơ quan thuế sẽ dựa vào đó để tính toán việc thu thuế”, PGS.TS Nguyễn Việt Khôi nói thêm.

Một giải pháp khác về mặt công nghệ và mạnh tay hơn, theo PGS.TS Nguyễn Việt Khôi, đó là yêu cầu Uber cho phép các cơ quan chức năng của nước sở tại được quyền truy cập vào ứng dụng để lấy những thông tin cần thiết về chi tiêu của khách hàng, làm cơ sở thu thuế.

“Nếu Uber từ chối thương thảo, cơ quan an ninh mạng có thể sử dụng tường lửa để chặn việc truy cập ứng dụng này tại VN”, PGS.TS Nguyễn Việt Khôi nêu ý kiến.

Các nước thu thế loại hình kinh doanh kiểu Uber ra sao?

Trong phần tiền mà mỗi tài xế Uber kiếm được, công ty sẽ giữ lại 20% chuyển về trụ sở tại Hà Lan, tại đây Uber sẽ đóng thuế 1% phần tiền này cho chính phủ Hà Lan.

80% còn lại sẽ được chuyển cho các tài xế Uber. Vì Uber cho rằng mỗi tài xế là một đối tác độc lập của công ty chứ không phải là nhân viên nên các đối tác độc lập này phải tự đóng thuế theo quy định của đất nước nơi họ sinh sống.

Theo thông tin từ trang web etax.com.au, ở Úc, bất cứ khoản thu nhập nào làm ra từ việc lái xe cho Uber, đều phải đề cập trong tờ khai thuế. Từ tháng 8-2015, cơ quan thuế của Úc (ATO) yêu cầu tất cả các lái xe Uber đóng thuế dịch vụ, hàng hóa GST, bên cạnh phần thuế mà họ phải nộp từ thu nhập chính của mình.

ATO có thể dễ dàng biết được thu nhập thực tế của người lái xe Uber. ATO cũng có thể kiểm tra tài khoản ngân hàng nếu họ muốn. Nếu tài xế không thực hiện nghĩa vụ thuế của mình khi cung cấp dịch vụ Uber, họ phải nộp tiền phạt, đóng một khoản thuế lớn cùng với những phí tổn khác.

Tại các nước như Anh, Mỹ,… các tài xế Uber phải đăng ký với cơ quan thuế của chính phủ về số tiền họ làm ra được nhờ hoạt động lái xe Uber. Không dễ dàng trốn được thuế này vì các cơ quan thuế có thể theo dõi những thông tin về hoạt động kinh doanh của mỗi tài xế được phần mềm Uber ghi lại.

MAI NGUYỄN - TÀI PHONG

Theo ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN

Cùng chuyên mục
XEM