Mô hình holdings: Góp gạo thổi cơm

14/04/2015 12:09 PM | Kinh doanh

Mua bán và sáp nhập để “phình to” đã trở thành chiến lược phát triển của khá nhiều doanh nghiệp Việt, nhưng đâu là những vấn đề cần thận trọng?

Công ty Xuyên Thái Bình Dương (Pan Pacific), một công ty được biết đến trong lĩnh vực dịch vụ vệ sinh công nghiệp. Năm 2013, Pan Pacific công bố chiến lược tái cấu trúc hoạt động, trở thành một mô hình “sở hữu tài sản” (asset holdings) với chức năng tập trung đầu tư vào các công ty trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm.

Gần đây, công ty này dần trở thành một “tay săn” doanh nghiệp có hạng khi liên tục gọi được thêm vốn từ các tổ chức đầu tư nước ngoài và giải ngân vào các công ty khác. Đầu tháng 1.2015, Pan Pacific đã công bố việc gọi vốn thành công 35 triệu USD từ các tổ chức uy tín trên thế giới như IFC và GIC (Singapore). Song song đó, công ty này cũng liên tục mua vào cổ phiếu để tăng sở hữu thêm trong các công ty con. Hiện nay, Pan Pacific nắm 51% Công ty Thủy sản Bến Tre, hơn 57% Công ty Giống cây trồng Trung ương, trên 25% Công ty Thực phẩm Long An và 25% cổ phần Bibica.

Holdings: Việt Nam tạo lập xu hướng mới

Một công ty khác gần đây cũng thực hiện các hoạt động mua bán, sáp nhập khá rầm rộ trên thị trường là Tập đoàn CII. Sau khi thâu tóm thành công Công ty Lữ Gia và đổi tên nó thành Công ty CII Bridge, Tập đoàn CII đang thể hiện rõ mong muốn hoàn thiện mô hình “sở hữu tải sản” của mình. Họ cũng đang liên tục mua vào cổ phiếu của Công ty Năm Bảy Bảy, một công ty cổ phần hóa nhà nước có tiếng trong lĩnh vực bất động sản, bất chấp các cổ đông lớn của công ty này muốn bán ra. Lúc này, CII đã nắm hơn 21% cổ phần của Năm Bảy Bảy. Đây được xem là mục tiêu cuối cùng để CII hình thành nên CII Land, công ty con cuối cùng của CII Holdings.

Có thể thấy, sau gần 12 năm hoạt động với mô hình tập đoàn, đầu năm 2014, CII đã mạnh tay tái cấu trúc và phân chia hoạt động của họ trong 5 mảng kinh doanh chính gồm CII Bridge &Road, CII E&C, CII Service, CII Land và CII Water. Theo đó, CII đang phát triển như một CII Holdings, đóng vai trò quản lý vốn và đầu tư trực tiếp và hoặc gián tiếp vào các công ty con.

CII hay Pan Pacific có thể được xem là những điển hình gần đây cho mô hình “sở hữu tài sản” được dự báo sẽ trở thành xu hướng mạnh trong thời gian tới, khi quá trình tái cấu trúc ở các doanh nghiệp Việt Nam diễn ra mạnh mẽ và nhu cầu tạo nên những tập đoàn hùng mạnh có thể làm đối trọng với các công ty đa quốc gia. Trước đó, những gương mặt tiêu biểu và hoạt động theo mô hình “sở hữu tài sản” trên thị trường Việt Nam phải kể đến là Masan Group, Sovico Holdings, Eurowindow Holdings, HB Group, Kinh Đô Group, Sơn Kim, U&I...

Vì sao mô hình “sở hữu tài sản” sẽ trở thành xu hướng? Theo các chuyên gia kinh tế, chính sự phát triển của thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán Việt Nam trong những năm qua là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp chuyển sang mô hình này. “Lợi thế của mô hình holdings là cho phép các nhà đầu tư khác nhau có thể đầu tư vào các công ty con theo khẩu vị riêng của họ. Do được tách bạch, độc lập trong việc rót vốn cũng như điều hành nên các công ty thành viên sẽ hoạt động minh bạch, tập trung và hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Nam Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Vietnam Capital Parners, nhận định.

Theo ông Sơn, các công ty sở hữu tài sản ở Việt Nam thường xuất phát điểm từ một công ty có hoạt động sản xuất kinh doanh, sau đó do nhu cầu phát triển quy mô lớn hơn nên đầu tư các công ty con và phân chia trách nhiệm, khác với thế giới thường là một công ty huy động vốn thành lập holdings trước rồi mới tiến hành giải ngân.

Mặc dù xu hướng các công ty sở hữu tài sản tại Việt Nam còn ở giai đoạn đầu, nhưng có thể thấy, bằng chiến lược mua lại công ty, những holdings này đã tăng trưởng rất nhanh. Nhìn vào danh sách các công ty con mà những holdings này sở hữu sẽ thấy được quy mô tài sản mà họ đang nắm giữ là khá lớn.

Đơn cử, Tập đoàn Masan hiện đang là cổ đông lớn của Ngân hàng Techcombank, sở hữu mỏ tài nguyên Núi Pháo, nắm cổ phần chi phối ở các công ty tiêu dùng như Vinacafé Biên Hòa, Proconco, Nước khoáng Vĩnh Hảo, Bia Phú Yên, Thực phẩm Cholimex. Cũng tương tự với Tập đoàn Sovico, hiện tại, nhóm các cổ đông có liên quan đến Sovico là những cổ đông chính tại Ngân hàng HDBank, Chứng khoán Phú Gia, Công ty Quản lý Quỹ Tài chính Dầu khí PVFC Capital, Hàng không VietJet Air.

Bí ẩn hơn một chút là HB Group cũng đang sở hữu nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xây dựng. Đây là công ty sở hữu nhiều tài sản trong lĩnh vực xây dựng như Vinafco, xây dựng (Descon, CotecCons), vật liệu xây dựng (Bê tông 620 Châu Thới, Celestone), Xi măng (Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Vật liệu Xây dựng Việt Nam). Và gần đây là Tập đoàn Kinh Đô tiến hành việc sở hữu tài sản của nhóm kinh doanh dầu ăn Vocarimex, cũng như công ty mì gói Saigon Vewong.

Một trong những đặc điểm lớn nhất của những holdings trên chính là huy động nguồn vốn lớn, hầu hết là từ các định chế tài chính quốc tế. Trong lòng các holdings này đều có sự hiện diện của các “cao thủ” tài chính.

Ví dụ, Masan, trong giai đoạn mà tập đoàn này huy động được nguồn vốn (2009-2013) đã có sự hậu thuẫn từ ông Madur Maini, giữ vai trò CEO. Ông Madhur Maini là người có thâm niên 14 năm làm việc tại 2 định chế tài chính quốc tế lớn là Merrill Lynch và Deutsche Bank. Tương tự ở Pan Pacific. Trước khi tái cấu trúc hoạt động, trở thành một holdings, công ty này đã mời Michael Rosen về làm Tổng Giám đốc. Ông này từng giữ chức vị Tổng Giám đốc kiêm đồng sở hữu Công ty Chứng khoán Oscar Gruss & Son Incorporated, đơn vị thành viên của Sở Giao dịch Chứng khoán New York, Giám đốc và Giám đốc Tài chính của Công ty Năng lượng Brighton có trụ sở tại Hồng Kông.

Một ví dụ khác là Công ty CII. Trước khi trở thành Tổng Giám đốc của CII Holdings, ông Lê Quốc Bình là Giám đốc Tài chính của công ty này. Điều này cũng có thể thấy ở Hoàng Anh Gia Lai, khi mới đây ông Võ Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc tài chính, đã được bổ nhiệm làm CEO. Điều này không quá khó hiểu khi thời gian gần đây Hoàng Anh Gia Lai liên tục công bố tái cấu trúc và thực hiện nhiều cuộc M&A.

Một điểm chung khác của các holdings là dù có khẩu vị đầu tư rất khác nhau, nhưng công ty mà họ thâu tóm chủ yếu để phục vụ cho mục đích hình thành chuỗi trong chiến lược phát triển thuộc ngành hàng nào đó. Ví dụ như Pan Pacific tập trung thâu tóm các doanh nghiệp nằm trong chuỗi nông nghiệp và thực phẩm khép kín từ giống - nuôi trồng - chế biến. Sản phẩm của Pan Pacific sắp tới sẽ bao gồm gạo, hạt giống, bánh kẹo, các sản phẩm lúa gạo, thủy sản, các loại hạt. Masan cũng thâu tóm nhưng doanh nghiệp trong ngành hàng thực phẩm và đồ uống để tiến tới việc thống trị trong khuôn viên nhà bếp của các gia đình. Hay như HB Group chỉ tập trung vào nhóm các doanh nghiệp liên quan tới xây dựng và đang dần hoàn thiện quy trình từ nguyên liệu đến quá trình thi công.

Một đặc điểm khác là những doanh nghiệp được thâu tóm để trở thành công ty con trong các holdings phần lớn đều được niêm yết trên sàn chứng khoán. Đặc điểm này giúp những ông chủ holdings có thể đảm bảo được tính minh bạch thông tin, tăng thanh khoản và dễ kêu gọi vốn đầu tư về sau. Việc chọn những công ty minh bạch tốt trên thị trường chứng khoán cũng được xem là giải pháp giúp ông chủ các holdings hạn chế bớt rủi ro.

Điểm sáng, nhưng cần thận trọng

Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp sau khi trở thành công ty con của các holdings đã có những chuyển biến tích cực, từ kết quả kinh doanh hoặc từ việc huy động vốn. Ví dụ như Công ty Vinacafé trong holdings của Masan. Nếu như năm 2012, doanh thu của Vinacafé chỉ đạt 2.155 tỉ đồng thì đến năm 2014 đạt 3.047 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế của Công ty cả năm 2014 là 401 tỉ đồng, tăng 54% so với năm 2013, lãi cơ bản trên một cổ phiếu ở mức 15.100 đồng. Theo khảo sát vừa được Nielsen công bố, với 41% thị phần Vinacafé Biên Hòa hiện là nhà sản xuất cà phê hòa tan đứng đầu Việt Nam.

Tương tự, kể từ khi trở thành công ty con của Pan Pacific từ giữa năm 2014, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung Ương (Vinaseed) luôn gây chú ý bởi tiến trình sáp nhập mở rộng thị phần. Hiện công ty này đang trong quá trình chào mua công khai 3,2 triệu cổ phần Công ty Giống cây trồng Miền Nam với giá 59.000 đồng/cổ phiếu nhằm nâng sở hữu lên 61,4%. Khi đó Giống cây trồng Miền Nam sẽ trở thành công ty con của Công ty Giốngcây trồng Trung Ương. Theo lý giải của Vinaseed, việc này sẽ giúp họ thực hiện mục tiêu bành trướng như vũ bão tại thị trường miền Nam, Trung Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam bộ. Kết quả kinh doanh của Vinaseed cũng khá tốt khi năm 2014 đạt 121 tỉ đồng lãi ròng, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu là 9.553 đồng.

Trong khi đó, với CII Bridge &Road, dù chưa có những chiến lược kinh doanh nào rõ ràng kể từ khi trở thành công ty con của CII Holdings, nhưng sau khi được tái cấu trúc từ Công ty Cơ khí Lữ Gia, CII Bridge &Road đã có những tín hiệu tích cực, ít nhất là trong việc huy động vốn. Cụ thể, từ giữa năm 2014 đến đầu năm 2015, CII B&R đã thực hiện liên tục 3 đợt phát hành cổ phiếu để tăng vốn, huy động được 500 tỉ đồng. Mới nhất, CII B&R đã bán 45% công ty cho đối tác Philippines là Metro Pacific Investments Corporation với tổng giá trị thương vụ được công bố lên đến 1.950 tỉ đồng.

Dù vậy, các mô hình sở hữu tài sản cũng đang gặp những thách thức lớn. Theo ông Sơn, Vietnam Capital Partners, đó là làm sao xây dựng được các hệ tiêu chuẩn về quản trị, tài chính, kinh doanh để holdings có thể kiểm soát chặt chẽ các công ty con. Điều này xuất phát từ yếu tố con người. Mua vào càng nhiều công ty con đồng nghĩa với việc phải tăng cường nguồn nhân lực tương ứng và phải duy trì được hệ thống kiểm soát nội bộ tốt hơn và quan trọng là năng lực kiểm soát rủi ro thời kỳ hậu mua bán, sáp nhập.

Dù chưa có một công thức chung, nhưng có thể thấy một trong những chiến lược để kiểm soát các công ty con mà các holdings đang thực hiện là cố gắng nắm phần lớn số vốn, từ đó nắm những vị trí chủ chốt trong công ty con để dễ dàng theo dõi các hoạt động kinh doanh. Chẳng hạn như trong bản công bố chiến lược của CII, với 5 công ty thành viên của CII Holdings, thì CII phải luôn nắm giữ hơn 40% và nắm giữ ít nhất 2 vị trí chủ chốt trong ban điều hành là Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc.

Nhìn vào tình hình hoạt động cũng như kết quả kinh doanh của các holdings của Việt Nam cho thấy, dường như các ông chủ Việt đang tìm được mô hình kinh doanh thích hợp. Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng, là một mô hình còn khá mới ở Việt Nam, do đó mô hình holdings, chiến lược đầu tư của các ông chủ holdings Việt cần phải thêm một thời gian nữa mới có thể khẳng định được sự thành công hay thất bại. 

>> Sẽ sôi động M&A 2015

Theo Nguyễn Hùng

Cùng chuyên mục
XEM