M&A 6 ngân hàng trong năm 2015, Việt Nam có quá vội vàng?

10/04/2015 12:21 PM |

Với sự đổ bộ cấp tập từ các ngân hàng trong khối ASEAN, tính toán M&A để có ngân hàng đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh với ngân hàng ngoại là điều cần thiết, nhưng mục tiêu M&A tới 6 ngân hàng trong năm 2015 của Ngân hàng Nhà nước liệu có khả thi?

Nội dung nổi bật:

- Tính đến nay, Malaysia là quốc gia duy nhất của khối ASEAN có ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, chiếm 2/6 ngân hàng 100% vốn ngoại (PBB và Hong Leong Bank). Cùng với sự đổ bộ của Malaysia, Thái Lan cũng đang dần tiến vào lĩnh vực ngân hàng sau khi đã gây tiếng vang trong lĩnh vực bán lẻ ở Việt Nam

- Đến cuối năm nay, AEC sẽ chính thức được thành lập. Một trong những mục tiêu của nó là thực thi hệ thống ngân hàng mở, có nghĩa là các quốc gia thành viên sẽ phải bỏ mọi giới hạn về sở hữu nước ngoài với các ngân hàng nội địa của mình, vào năm 2020.

- Để cạnh tranh được với các ngân hàng ngoại, ngân hàng Việt Nam phải có quy mô lớn hơn, cần tính toán M&A. Tuy nhiên, thực hiện M&A thế nào? Liệu mục tiêu M&A 6 ngân hàng trong năm 2015 có thể thực hiện, khi chỉ còn 8 tháng nữa sẽ kết thúc năm này?


Đón sóng AEC, ngân hàng ASEAN đổ bộ vào Việt Nam

Tính đến nay, Malaysia là quốc gia duy nhất của khối ASEAN có ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, chiếm 2/6 ngân hàng 100% vốn ngoại (Public Bank Berhad - PBB và Hong Leong Bank).

Cuối tháng 3/2015, Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận về nguyên tắc cho phép Public Bank Berhad (PBB) của Malaysia lập nhà băng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Đây là ngân hàng 100% vốn nước ngoài thứ 6 hoạt động tại Việt Nam, sau HSBC, ANZ, Standard Chartered, Shinhan Vietnam và Hong Leong Bank.

Trong khi đó, Hong Leong Bank cũng cho biết sẽ thực hiện một số thương vụ M&A (mua bán – sáp nhập) trong lĩnh vực ngân hàng để mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Hong Leong Bank đã “đặt chân” lên Trung Quốc vào giữa năm 2008, được phép thành lập và hoạt động với tư cách ngân hàng thương mại 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam vào năm 2008. Năm 2013, Hong Leong cũng thành lập ngân hàng 100% vốn ngoại tại một quốc gia ASEAN khác là Campuchia.

Cùng với sự đổ bộ của Malaysia, Thái Lan cũng đang dần đổ bộ vào lĩnh vực ngân hàng sau khi đã gây tiếng vang trong lĩnh vực bán lẻ ở Việt Nam.

Giữa tháng 3, Ngân hàng Kasikorn (Thái Lan) đã khai trương hai văn phòng đại diện tại Hà Nội và TPHCM, nhằm tăng cường sự linh hoạt trong quản lý kinh doanh của khách hàng khi có nhu cầu mở rộng thị trường sang Việt Nam.

Người Thái đi vào đây không đơn lẻ. Họ đi có hội, có Chính phủ hỗ trợ với những động thái cụ thể, trước hết là về mặt thông tin...” – chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết.

Đến cuối năm nay, AEC sẽ chính thức được thành lập. Một trong những mục tiêu của nó là thực thi hệ thống ngân hàng mở, có nghĩa là các quốc gia thành viên sẽ phải bỏ mọi giới hạn về sở hữu nước ngoài với các ngân hàng nội địa của mình, vào năm 2020.

Khi AEC hình thành, Việt Nam phải có ngân hàng đủ mạnh để hỗ trợ doanh nghiệp khi mở cửa biên giới, với các luồng thương mại đi vào trong khu vực với quy mô lớn hơn rất nhiều, ông Keith Pogson – Lãnh đạo cấp cao – Dịch vụ Tài chính Ngân hàng EY khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cho biết.

Sự đổ bộ của ngân hàng nước ngoài, đặc biệt từ khối ASEAN là thách thức không nhỏ cho hệ thống ngân hàng Việt Nam khi ngân hàng Việt Nam quá đông về số lượng, nhưng chưa có một ngân hàng “chất lượng”, đủ quy mô để cạnh tranh với các ngân hàng ngoại.

5 năm nữa, Việt Nam có đủ thời gian chuẩn bị?

“Các ngân hàng Việt Nam phải có quy mô lớn hơn mới có thể cạnh tranh được với các ngân hàng ngoại từ khu vực khi thỏa thuận AEC thành hiện thực. Chỉ ngân hàng lớn mới có khả năng đầu tư vào công nghệ, mở rộng hoạt động qua biên giới, hỗ trợ luồng thương mại trong khu vực” – ông Keith nhận định.

Cũng theo ông Keith, với áp lực tồn tại để phát triển, dù ở Việt Nam hay các nước khác, thì dần dần, các ngân hàng nhỏ sẽ không tồn tại được, những ngân hàng lớn hơn một chút nhưng quy mô nhỏ cũng không tồn tại được. “Nên tính toán đến việc M&A để trở thành ngân hàng lớn, đủ mạnh”, ông Keith khuyến nghị.

Lãnh đạo EY cũng cho rằng, Việt Nam chỉ cần 5 ngân hàng trụ cột, lớn, đủ mạnh, và vẫn cần có các ngân hàng phục vụ các thị trường ngách, thị trường chuyên biệt.

Tuy nhiên, thực hiện M&A thế nào? Liệu mục tiêu M&A 6 ngân hàng trong năm 2015 có thể thực hiện, khi chỉ còn 8 tháng nữa sẽ kết thúc năm này?

Ông Keith cho rằng, có thể thực hiện được tới 6 thương vụ M&A trong năm nay hay không còn tùy vào mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đặt ra. “Nếu M&A chỉ để giải quyết các vấn đề sở hữu, không quá khó. Chúng tôi đã thực hiện được M&A 3 ngân hàng trong 3 tháng với mục tiêu tương tự. Tuy nhiên, nếu muốn M&A và vận hành thực sự từ hệ thống, con người, quy trình... thì thời gian phải tính bằng vài năm” – ông cho biết.

Tuy nhiên, với sự chuẩn bị cho hệ thống ngân hàng mở vào mốc 2020, EY cho rằng vẫn còn thời gian để các ngân hàng Việt Nam nỗ lực, với điều kiện:

1- VAMC phải được hỗ trợ để thực sự giải quyết nợ xấu, chứ không chỉ mua và nắm giữ

2- Nâng cao chuẩn mực hoạt động của ngân hàng Việt Nam. “Cái này là cả quá trình, tôi tin ngân hàng Việt Nam vẫn còn thời gian để nỗ lực”.

Bà Nguyễn Thùy Dương – Phó TGĐ phụ trách dịch vụ Tài chính Ngân hàng, EY Vietnam cho rằng, những ngân hàng sau này lớn mạnh là kết quả của một vài lần sáp nhập. “Đây là xu hướng tất yếu, nhưng phải làm sao để khi làm phép cộng, giao thoa phải là sự cộng hưởng, không phải sự triệt tiêu” – bà Dương nói. Bà cũng khẳng định mức độ quan tâm của ngân hàng ngoại đối với thị trường Việt Nam không chỉ từ khối ASEAN, mà thị trường Việt Nam hấp dẫn cả các quốc gia ngoài khối này.

>> Đừng coi 1 doanh nghiệp phá sản 2 lần là khách hàng xấu

Bảo Bảo

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM