Sẽ sôi động M&A năm 2015
Nhiều dự báo đều cho rằng, 2015 là năm mà nền kinh tế việt nam sẽ có nhiều thương vụ mua bán & sáp nhập (M&A) được triển khai.
Nội dung nổi bật:
- Không chỉ các công ty cổ phần và tư nhân quan tâm đến M&A, các chuyên gia đều nhận định, công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cũng đang bắt kịp xu thế này.
- Các DN nước ta còn nhỏ lẻ, chủ yếu làm hàng gia công, giá nhân công lại rẻ nên các công ty, tập đoàn nước ngoài sẽ ít quan tâm để M&A, bởi với tiềm lực tài chính, họ có thể dễ dàng đầu tư xây mới DN để tự hoạt động.
Hy vọng
Việc Việt Nam xúc tiến ký kết nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA), chuẩn bị gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) khiến các DN nước ngoài nhắm đến nước ta nhiều hơn, tiêu biểu qua các thương vụ M&A với giá trị lớn trong năm 2014.
Hầu như các thương vụ M&A đều được thực hiện khá “bí mật”, chỉ đến khi việc ký kết hoàn thành thì các DN mới công bố thông tin ra bên ngoài. TS. Lê Nết, Luật sư Công ty TNHH LNT và Thành viên (công ty luật chuyên tư vấn về tài chính DN, M&A) dự báo, các thương vụ tại Việt Nam sẽ tập trung chủ yếu vào ngành bán lẻ. Cũng sẽ có nhiều thương vụ nhắm tới các công ty sản xuất, chế biến đã có thị trường tại nước ngoài, có năng lực XK lớn. Đến 80% thương vụ mà LNT và Thành viên nhận làm là của người nước ngoài mua lại DN Việt Nam.
Mới đây nhất, đại diện Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã xác nhận thông tin về kế hoạch bán lại cổ phần cho các công ty nước ngoài, dự kiến giảm tỷ lệ sở hữu xuống thấp nhất là 35% (từ 79% hiện tại). Đại diện DN này cho biết, trong năm nay, công ty sẽ chọn ra một hoặc hai đối tác trong hàng chục nhà đầu tư tại các quốc gia lớn như Mỹ, Nhật Bản, Canada đang bày tỏ sự quan tâm đến cổ phần của Minh Phú. Việc bán lại cổ phần này sẽ giúp Minh Phú tìm đối tác chiến lược để mở rộng sản xuất và XK.
Không chỉ các công ty cổ phần và tư nhân quan tâm đến M&A, các chuyên gia đều nhận định, công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cũng đang bắt kịp xu thế này. Theo thông tin từ Bộ Tài chính, trong 11 tháng của năm 2014, cả nước đã cổ phần hóa 115 DN.
Vì thế, theo kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa đã được duyệt thì giai đoạn 2014-2015, cả nước sẽ thực hiện cổ phần hóa 432 DN, chưa kể số DN Nhà nước tiếp tục thực hiện rà soát theo tiêu chí, danh mục phân loại DN Nhà nước mới ban hành kèm theo Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ để bổ sung phương án sắp xếp, cổ phần hóa giai đoạn tới.
Như vậy, trong giai đoạn còn lại đến cuối năm 2015, cả nước còn 317 DN phải cổ phần hóa. Đây là con số không hề nhỏ nên các DN và Chính phủ phải rất quyết liệt đẩy mạnh tiến trình này. Không những thế, DN đủ điều kiện phải niêm yết trên sàn chứng khoán hoặc trên sàn Upcom để tạo sân chơi minh bạch cho nhà đầu tư mua bán, chuyển nhượng cổ phần.
Tiêu biểu nhất, có thể kể đến việc Chính phủ đồng ý bán một phần cổ phần của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) tại Công ty CP Cảng Hải Phòng cho Công ty CP Đầu tư Việt Nam - Oman (VOI) vào ngày 31/12/2014.
Theo đó, tỷ lệ mà Vinalines được phép nhượng lại tối thiểu 19,68% và tối đa 29,58% khi mà Vinalines đang là cổ đông chính với tỷ lệ sở hữu lên tới 94,68% trong tổng vốn điều lệ gần 3.300 tỷ đồng.
Chưa qua ảm đạm
Trong một cuộc hội thảo về đổi mới quản trị DN được tổ chức gần đây, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương đã đưa ra những con số rất đáng báo động về môi trường kinh doanh tại Việt Nam trong năm 2014.
Theo đó, trong 12 nước thuộc khối Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam xếp hạng năng lực cạnh tranh thấp nhất, Ngân hàng Thế giới xếp hạng môi trường kinh doanh của nước ta trong năm 2015 xuống thứ 78 trên 189 nước, tụt 6 bậc so với năm trước.
Bên cạnh đó, TS. Lê Đăng Doanh đưa ra đánh giá, thực trạng môi trường kinh doanh của Việt Nam còn nhiều vấn đề đáng ngại như chi phí ngoài pháp luật cao, kinh doanh nhờ quan hệ, không có độc lập tư pháp, chất lượng nhân lực và khoa học công nghệ còn yếu kém… Chính vì thế, trong năm 2015, nhiều bộ luật được sửa đổi được thực thi, môi trường đầu tư vào Việt Nam sẽ có nhiều hy vọng được cải thiện tốt hơn, đặc biệt cần đến vai trò và trách nhiệm của Nhà nước.
Với thực trạng trên, nếu không có sự cải thiện kịp thời, thì việc đầu tư của nước ngoài sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, các DN nước ta còn nhỏ lẻ, chủ yếu làm hàng gia công, giá nhân công lại rẻ nên các công ty, tập đoàn nước ngoài sẽ ít quan tâm để M&A, bởi với tiềm lực tài chính, họ có thể dễ dàng đầu tư xây mới DN để tự hoạt động.
Còn đối với các DN, tổng công ty Nhà nước thì chỉ DN nào có thế mạnh nhà đầu tư nước ngoài mới quan tâm. TS. Lê Nết nhận định, với các DN này, mối quan tâm chính khi M&A không phải là thu được bao nhiêu tiền mà là hy vọng vào tay một người quản trị mới sẽ tạo được cung cách làm việc mới, làm nên sự đổi mới thực sự hiệu quả cho các DN này.
Còn theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), ngành thép Việt Nam khó hấp dẫn DN nước ngoài vì thị trường thế giới còn rất ảm đạm. Cho đến bây giờ, các nhà máy thép thế giới mới chỉ sử dụng khoảng 75% năng lực sản xuất của mình trong khi nhu cầu về thép không lớn, chỉ còn khoảng 2%. Vậy thì đến 10 năm sau, các DN không cần xây dựng nhà máy mới thì thế giới vẫn đủ thép dùng. Do đó, sẽ rất khó để các DN nước ngoài để ý đến ngành thép Việt Nam với nhiều DN nhỏ lẻ và vụn vặt.
Tuy nhiên, hiện nay, có những doanh nhân đang sử dụng M&A như một hình thức kinh doanh, khi họ xây dựng DN lên mức nào đấy rồi bán lại cho các công ty nước ngoài với giá trị cao hơn nhiều lần tổng mức mà họ đã đầu tư để phát triển thương hiệu. Chiến lược này đang dần trở thành hướng đi mới khi nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, dù chưa có số lượng nhiều. Điều quan trọng là các DN phải có tầm nhìn, năng lực và tiềm lực vững mạnh.
Do đó, để bán được giá tốt, TS. Lê Nết cho rằng, điều này phụ thuộc và thời điểm bán và biết được người mua là ai. Quan trọng nhất, các DN phải trung thực khi đưa ra thông tin, tạo được lòng tin với khách hàng thì việc thỏa thuận, mua bán sẽ trở nên thuận lợi hơn.
>> Nửa đầu 2015 sẽ là cao điểm sáp nhập ngân hàng?