Lý thuyết trò chơi và cuộc chiến dầu mỏ toàn cầu

16/04/2015 09:07 AM | Kinh doanh

Bất kì khi nào các lợi ích thay đổi, cuộc chơi sẽ có một kết cục khác.

Dầu mỏ là mặt hàng chiến lược tối quan trọng đối với các quốc gia. Nó là nguồn năng lượng đầu vào cho guồng máy kinh tế. Dầu là nguồn thu nhập quan cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, khác với không khí, mặc dù ai cũng cần nhưng dầu mỏ không được phân bổ đồng đều cho toàn thế giới.

Hiện nay, Nga và các nước OPEC (Algeria, Angola, Ecuador, Iran, Iraq, Kuwait, Libya, Nigeria, Qatar, Saudi Arabia, United Arab Emirates, Venezuela) là các nước xuất khẩu dầu lớn nhất. Mỹ, Canada gần đây cũng bắt đầu đẩy mạnh khai thác dầu từ đá phiến nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Các nước trên thế giới đa phần đều phải nhập khẩu dầu. Trung Quốc, Châu Âu, Mỹ, Indonesia là các quốc gia khát dầu nhất. Ở góc độ cung cầu, khi giá dầu giảm thì sẽ có lợi cho các quốc gia nhập và bất lợi cho các quốc gia xuất khẩu. Một cuộc chơi có tổng bằng không.

Ngoài ra, thị trường dầu mỏ còn có sự tham gia của các hoạt động tài chính từ các quỹ đầu cơ. Chính các quỹ này đã đóng góp tới gần 60% nhân tố làm cho giá dầu tăng giảm. Mặc dù không có nhu cầu sử dụng dầu mỏ trực tiếp nhưng hoạt động mua bán các hợp đồng dầu mỏ tương lai với giá trị rất lớn và tần suất giao dịch cao của các quỹ đầu cơ khiến cho thị trường không phản ánh đúng cung cầu của thị trường dầu mỏ thế giới. Đối với các quỹ đầu cơ, cho dù giá dầu có tăng hay giảm, đối với họ đều có thể tạo ra lợi nhuận nếu như họ dự báo và giao dịch đúng chiều biến động. Và khi khối lượng giao dịch lớn, chính họ lại là người tạo lập thị trường.

Tham gia vào thị trường này có nhiều người chơi: người nhập khẩu, người xuất khẩu và những kẻ đầu cơ. Việc tìm hiểu thị trường dầu mỏ, phân tích nó một cách toàn diện lợi hại của các người chơi đòi hỏi có một khung lý thuyết hiện đại và phù hợp. Và đó chính là Game Theory, lý thuyết trò chơi, trong kinh tế học.

Lý thuyết trò chơi - Game theory là lý thuyết nghiên cứu về mâu thuẫn và sự hợp tác. Lý thuyết này phù hợp để nghiên cứu hành vi của các tác nhân (người chơi – player) mà các hành vi này là không độc lập với nhau.

Lịch sử nghiên cứu Game theory bắt nguồn từ 1838 bởi công trình của Antoine Cournot và sau đó được phát triển sâu hơn bởi nhà toàn học John von Neumann vào năm 1928. Năm 1950, John Nash phát triển các lý thuyết về trạng thái cân bằng của trò chơi.

Các khái niệm cơ bản của Game theory bao gồm:

Người chơi: là cá nhân, tổ chức, quốc gia tham gia vào các hành vi trong cuộc chơi

Kiến thức chung: lý thuyết này giả định rằng các người chơi có nền tảng chung kiến thức về lợi ích của mình và hành động sao cho tối đa hóa lợi ích

Lợi ích: là lợi ích thu được bằng tiền hoặc hình thức khác khi người chơi thực hiện 1 hành vi

Chiến lược lấn át: là chiến lược hành động đem lại lợi ích tốt nhất cho người chơi không xét đến hành vi của người chơi khác

Cuộc chơi mở rộng: là cuộc chơi mô tả theo dạng hình cây theo đó, mỗi người chơi sẽ hành động tuần từ và người chơi sau sẽ biết thông tin về hành vi của người chơi trước để dựa vào đó ra quyết định.

Cuộc chơi ở dạng chiến lược: là cuộc chơi mô tả theo dạng bảng theo đó các người chơi sẽ đồng thời lựa chọn các hành vi có thể. Lợi ích của họ sẽ phụ thuộc vào lựa chọn hành vi của người chơi khác.

Cuộc chơi có tổng bằng không: là cuộc chơi theo đó lợi ích của người này sẽ đánh đổi bởi  lợi ích của người khác.

Ứng dụng Game theory trong phân tích thị trường dầu mỏ

Cuộc chơi xác định sản lượng và giá cả dầu mỏ trên thị trường là cuộc chơi có sự tham gia của nhiều người chơi. Hiện nay cuộc chơi lớn nhất là giữa Mỹ, Opec và Nga. Mỹ với năng lực khai thác dầu đá phiến đã liên tiếp đẩy nguồn cung lớn ra thị trường khiến giá dầu sụt giảm.

Giá dầu sụt giảm sốc kể từ năm 2014 đến nay. Nguồn NetDania.

Điều này khiến các quốc gia phụ thuộc vào dầu mỏ sẽ bị ảnh hưởng lớn. Nền kinh tế Nga chao đảo, đồng Rup mất giá. Các quốc gia Opec họp khẩn để quyết định xem có cắt giảm sản lượng hay giữ nguyên hay thậm chí tăng để bước vào cuộc chiến về giá với Mỹ. Trong cuộc chơi này, ai có tiềm lực và sức chịu đựng giỏi sẽ tồn tại. Venezuela, một quốc gia Nam Mỹ phụ thuộc vào xuất khẩu dầu cũng đang bờ vực sụp đổ. Cuộc chơi này không chỉ đơn thuần là kinh tế, nó nhuốm màu sắc chính trị vì Nga, Venezuela và các nước Trung Đông là đối thủ chính trị của Mỹ, là mục tiêu kiểm soát của Mỹ.

Bảng trên mô phỏng cuộc chơi tăng giảm sản lượng dầu mỏ của Mỹ và OPEC.

Bảng trên mô phỏng cuộc chơi tăng giảm sản lượng dầu mỏ của Mỹ và OPEC.

Mỹ và OPEC sẽ có hai lựa chọn hành vi tăng hoặc giảm sản lượng. Sự kết hợp các cặp hành vi sẽ tạo ra lợi ích mà Mỹ và OPEC có được khi thực hiện hành vi đó. Thông tin về lợi ích sẽ có chỉ Mỹ và OPEC biết chính xác nhất sẽ điền con số nào vào bảng trên.

Chúng tôi mô phỏng các con số từ 0 đến 2 và đây là một tình huống có thể phân tích.

Rõ ràng với giả định lợi ích trên, Mỹ luôn muốn tăng sản lượng vì đây là chiến lược lấn át với lợi ích kì vọng là 1 so với phương án giảm sản lượng với lợi ích kì vọng 0,5.

Opec chỉ có thể đạt lợi ích lớn nhất khi Mỹ và Opec cùng giảm sản lượng. Khi đó Opec thu được 2 và Mỹ thu được 0,5. Các giả thiết lợi ích trên phản ánh khá chính xác diễn biến cuộc chiến hiện tại.

Bất kì khi nào các lợi ích thay đổi, cuộc chơi sẽ có một kết cục khác. Nếu chúng ta thêm các tác nhân khác như quỹ đầu cơ, nước nhập khẩu dầu vào thì sẽ có một ma trận hành vi 3 chiều. Nhưng việc đó là phức tạp vượt quá khuôn khổ bài viết này.

Minh Thanh

Nguyễn Minh Giang

Cùng chuyên mục
XEM