Đại chiến dầu mỏ: Những ông hoàng Trung Đông vs Tư bản Đá phiến Hoa Kỳ

05/12/2014 12:02 PM |

Cuộc chiến giữa tài phiệt dầu mỏ Ả rập và những nhà sản xuất dầu từ đá phiến đã khiến thế giới thay đổi từ thực trạng thiếu hụt sang dư thừa dầu mỏ.

Hiến chương chính thức của OPEC tuyên bố rõ mục tiêu của nhóm này là “bình ổn giá dầu trên thị trường quốc tế". Tuy nhiên, dường như tổ chức này đang không làm tròn trách nhiệm của mình. Kể từ tháng 6, giá một thùng dầu ở mức 115 USD bắt đầu sụt giảm và hiện tại xuống còn gần 70 USD/thùng.

Sự lao dốc tới gần 40% của giá dầu một phần là bởi nền kinh tế thế giới trì trệ khiến lượng tiêu thụ dầu ít hơn so với dự đoán. Mặt khác, bản thân các thành viên OPEC cũng sản xuất ra nhiều dầu hơn so với nhu cầu của thị trường.

Tuy nhiên, thủ phạm chính lại đến từ những nhà sản xuất dầu tại Bắc Dakota và Texas (Mỹ). Trải qua 4 năm, khi giá dầu ở quanh mức 110 USD/thùng, họ đã bắt đầu khai thác dầu từ đá phiến. Kể từ năm 2010, người ta đã khoan được gần 20.000 giếng mới, gấp hơn 10 lần so với Ả rập Saudi giúp đẩy sản lượng dầu của Mỹ tăng gấp 3 lần, lên mức gần 9 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, sản lượng của Ả rập Saudi chỉ là 1 triệu thùng/ngày. Cuộc chiến giữa “ông hoàng Ả rập” và những nhà sản xuất dầu từ đá phiến đã khiến thế giới thay đổi từ trạng thái thiếu hụt sang dư thừa dầu mỏ.

Kẻ khóc, người cười

Giá dầu giảm giống như một liều thuốc kích thích đối với sự phát triển toàn cầu. Mức giá giảm 40 USD đã chuyển 1,3 nghìn tỷ USD từ nhà sản xuất cho người tiêu dùng. Cụ thể, các bác tài ở Mỹ tốn khoảng 3.000 USD trong năm 2013 để bơm xăng, năm nay sẽ có thể tiết kiệm được 800 USD, tương đương với mức lương tăng 2%.

Những quốc gia nhập khẩu lớn nhất như khu vực châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ là những “ngư ông đắc lợi” nhất. Từ số tiền tiết kiệm được vì giá dầu giảm, họ có thể chi tiêu nhiều hơn từ đó khiến GDP toàn cầu tăng.

Giá dầu giảm sẽ cũng sẽ giúp giảm lạm phát xuống thấp hơn nữa và khuyến khích các ngân hàng Trung ương thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng. Cục dự trữ liên bang Mỹ sẽ hoãn việc tăng tỷ lệ lãi suất, Ngân hàng trung ương châu Âu thì có thể giảm lạm phát bằng việc mua trái phiếu chính phủ.

Tuy vậy, hiển nhiên vẫn có kẻ mất mát. Những quốc gia sản xuất dầu vốn hưởng lợi chủ yếu từ việc giá dầu cao là bên chịu hậu quả nặng nhất. Ví dụ điển hình việc đồng rúp giảm trong tuần này khiến triển vọng kinh tế của Nga trở nên đen tối hơn. Nigeria buộc phải tăng tỷ lệ lãi suất và phá giá đồng naira. Trong khi đó, Venezuela đang tiến gần hơn đến bờ vực vỡ nợ. Tốc độ, phạm vi của sự sụt giảm giá dầu làm suy yếu thị trường tài chính.

Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng, ảnh hưởng tổng thể đến nền kinh tế khi giá dầu giảm rõ ràng là rất tích cực.

Cuộc chiến giữa "ông hoàng Ả rập" và cách mạng dầu khí đá phiến

Câu hỏi đặt ra là mức giá dầu thấp này sẽ tồn tại được bao lâu? Đây sẽ là chủ đề “nóng hổi” của cuộc chiến giữa OPEC và những nhà khai thác dầu từ đá phiến. Hàng loạt thành viên cartel đang nghĩ đến việc cắt giảm sản lượng với hy vọng đẩy giá cao trở lại. Tuy nhiên, những ông trùm dầu mỏ Ả rập Saudi dường như đang có tính toán khác. Thay vì cố gắng cắt giảm sản lượng, họ để giá dầu giảm và đẩy chi phí sản xuất lên cao. Điều này sẽ sớm khiến nguồn cung thay đổi và đẩy giá dầu tăng.

Có rất nhiều tín hiệu cho thấy mục tiêu này đang được tiến hành. Giá cổ phiếu của những công ty chuyên khai thác dầu từ đá phiến đã giảm, nhiều công ty đang ngập chìm trong nợ. Thậm chí trước khi giá dầu bắt đầu giảm, hầu hết đều đang đầu tư thêm vào những giếng dầu mới hơn là khai thác từ những giếng sẵn có.

Hiện tại lợi nhuận giảm nhanh khiến những công ty này rơi vào tình trạng hoảng loạn. Rất có thể sẽ có hàng loạt vụ phá sản xảy ra. Thậm chí, ngay cả với những công ty có thể sống sót vẫn sẽ phải chứng kiến những hạn chế của thị trường, buộc họ phải thắt chặt chi tiêu để phù hợp với số tiền kiếm được từ việc bán dầu. Và vì các giếng khoan dầu từ đá phiến có tuổi thọ rất ngắn (sản lượng có thể giảm tới 60 – 70% trong năm đầu tiên) nên sản lượng sản xuất cũng theo đó giảm nhanh chóng.

Trong dài hạn, tương lai ngành khai thác dầu khí từ đá phiến có vẻ rất ảm đạm. IHS, một công ty nghiên cứu phát hiện ra rằng giá dầu đã giảm từ 70 USD/thùng xuống còn 57 USD trong năm qua khi các nhà khai thác dầu tìm ra cách khai thác nhanh hơn và chiết xuất được dầu nhiều hơn từ mỗi giếng.

Tuy vậy, không chỉ Mỹ mà rất nhiều nơi trên thế giới từ Trung Quốc tới Cộng hòa Sec đều có tiềm năng khai thác dầu từ đá phiến. Mặc dù, tại những quốc gia này chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các nhà đầu tư, kinh nghiệm khai thác dầu và chính sách mềm dẻo như Mỹ. Nhưng sự phong phú về nguồn cung hoàn toàn có thể xảy ra khi các nhà khai thác dầu từ đá phiến mở rộng ra các khu vực khác.

Một vấn đề quan trọng hơn nữa là việc khai thác dầu từ đá phiến thuận tiện hơn so với cách khai thác truyền thống. Các mỏ dầu lớn chưa được khai thác có xu hướng ở những địa điểm rất khó tiếp cận, sâu dưới đại dương hay tận Bắc Cực. Hai tập đoàn lớn là Exxon Mobil của Mỹ và Rosneft của Nga gần đây đã dành 2 tháng với 700 triệu USD để khai thác một giếng dầu tại biển Kara, bắc Siberia. Mặc dù họ tìm ra dầu, nhưng việc phát triển nó sẽ mất nhiều năm với chi phí hàng tỷ USD.

Trong khi đó, một giếng dầu đá phiến có thể được khai khác ít nhất 1 tuần với chi phí chỉ 1,5 triệu USD. Những công ty nhỏ biết nơi nào tạo ra dầu và dễ dàng thuê một giàn khoan mới. Câu hỏi duy nhất đặt ra là cần phải khoan bao nhiêu giếng?

Kết luận

Nhìn chung, thị trường dầu mỏ đang  thay đổi. Thế giới sẽ vẫn chịu đựng những cú sốc chính trị bao gồm cuộc chiến tại Trung Đông hay những quyết sách cứng nhắc của ông Putin khiến mức giá tăng vọt.

Tuy nhiên, bỏ qua những sự kiện này, giá dầu nên được giữ ổn định và ít bị “tổn thương”. Việc này không chỉ làm giảm sự biến động của giá dầu mà còn của nền kinh tế thế giới. Dầu mỏ và tài chính là 2 ngành công nghiệp dễ đẩy thế giới vào khủng hoảng nhất. Chính vì vậy, ít nhất một trong số chúng cần được ổn định hơn trong tương lai.

 

Dầu khí đá phiến là gì?

Quá trình hình thành dầu khí bắt nguồn từ hàng trăm triệu năm trước, khi xác các sinh vật chìm dưới đáy biển và xác thực, động vật bị chôn vùi trong lòng đất hình thành lớp vật chất tạm gọi là “bùn lắng hữu cơ”.

Năm này qua năm khác, quá trình này cứ tiếp diễn, các lớp bùn hữu cơ trộn lẫn với trầm tích và các vật chất khác tiếp tục bị chôn vùi sâu hơn và hình thành nên những lớp đá phiến hạt mịn.

Nếu chúng ở sâu, bị các lớp trầm tích mới đè lên tạo nên môi trường áp suất lớn và nhiệt độ cao thì các vật chất hữu cơ này bị phân giải, hình thành dầu và khí, len lỏi trong các lớp đá có độ thấm và độ rỗng cao, và dồn về nơi có áp suất thấp hơn tạo thành các túi dầu thô và khí đốt mà con người đã khai thác trong hơn 100 năm qua. Đây được coi là dầu khí truyền thống (conventional oil & gas).

Nhưng khi ở độ sâu chưa đủ tạo ra áp suất và nhiệt độ cao và ở những lớp đá có độ thấm và độ rỗng thấp thì dầu và khí không thể tập trung vào một chỗ mà tích tụ trong các lỗ hổng nhỏ, không liên thông, nằm xen kẽ giữa các lớp đá phiến. Các lớp đá phiến này thường nằm ở độ sâu chừng hơn 1-6 ki lô mét trong lòng đất, tùy theo cấu tạo địa chất từng vùng. Dầu và khí được hình thành trong trạng thái như vậy được gọi là dầu khí bị “nhốt” trong đá phiến, hay gọi tắt là “dầu khí đá phiến” (shale oil & gas). Dầu khí đá phiến được coi là dầu khí phi truyền thống (unconventional oil & gas).

Như vậy, đặc tính cốt lõi của dầu khí đá phiến (phi truyền thống) để phân biệt với dầu khí truyền thống là ở chỗ: do độ thấm và độ rỗng thấp của các lớp đá phiến nên không thể hình thành dòng chảy tự phát vào giếng khoan khai thác với lưu lượng thỏa mãn điều kiện kinh tế của các phương pháp khai thác truyền thống.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

 

>> Liệu có 'bàn tay bí mật' thao túng thị trường dầu mỏ toàn cầu?

Phương Linh

Đàm Vân

Cùng chuyên mục
XEM